Đà Nẵng đón làn sóng tỷ phú Ấn Độ có xứng đáng không?
Đà Nẵng đang đón làn sóng tỷ phú Ấn Độ tới tổ chức tiệc cưới xa hoa. Từ đầu năm tới nay, giới thượng lưu từ thị trường tỷ dân liên tục chọn thành phố này và sẵn sàng bao trọn khách sạn hạng sang dài ngày để “cháy” hết mình trong dịp trọng đại.
“Nếu mình đáp ứng, mang lại cho họ (các tỷ phú Ấn Độ) sự trải nghiệm xứng đáng thì họ sẵn sàng chi rất mạnh tay. Nhưng dù cho có mới lạ mà chẳng có gì nổi bật, khác biệt, không mang đến sự trải nghiệm như kỳ vọng thì họ thật sự cân nhắc”, ông Satish Ramnani, Giám đốc Công ty sự kiện Veydaa, nói.
Năm 2023, thị trường Ấn Độ xếp vị trí thứ 4 trong top 10 thị trường khách quốc tế đến Đà Nắng. Tổng lượt khách Ấn Độ đến thành phố là hơn 87.000 lượt, tăng hơn 5 lần so với trước đại dịch (năm 2019). Lượng khách Ấn Độ đến Đà Nẵng đạt 60% tổng lượt khách nước này đến Việt Nam dù đường bay trực tiếp giữa Đà Nẵng với các đại đô thị của Ấn Độ chưa được khôi phục. Gần đây, Đà Nẵng được các tỷ phú Ấn Độ liên tục lựa chọn làm nơi tổ chức tiệc cưới. Riêng đầu năm 2024 đã có nhiều đoàn, mỗi đoàn hàng trăm khách lưu trú trong những khu nghỉ dưỡng sang trọng ven biển.
Ông Lương Văn Trang, Giám đốc khối Inbound, Công ty Du lịch Vietnam Travelmart, cho hay, đơn vị thường xuyên đón các đoàn khách Ấn Độ đến Đà Nẵng tổ chức cưới, thường trên dưới 500 người, có đoàn tới 800 người. Và họ chỉ chọn những khách sạn sang trọng bậc nhất thành phố. “Nhóm khách này lưu trú khoảng 10 ngày. Đội ngũ hậu cần, tổ chức sự kiện đến sớm nhất. Sau đó là gia đình cô dâu, chú rể, khách mời đến sau cùng”, ông Trang nói. Đầu năm nay, công ty ông đã đón hai đoàn với gần 1.000 khách.
Sở Du lịch TP Đà Nẵng vừa tổ chức gian hàng Da Nang FantastiCity tại Hội chợ Du lịch và Lữ hành Nam Á SATTE 2024 tại Ấn Độ. Bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc Sở Du lịch, cho hay gian hàng đã quảng bá sức hấp dẫn và xu hướng của điểm đến Đà Nẵng. Đồng thời kết nối với các hãng hàng không để tăng cường quan hệ đối tác, xúc tiến đường bay trực tiếp từ Ấn Độ đến thành phố.
Ông David Ippersiel, Giám đốc điều hành khách sạn Sheraton Grand Danang Resort, cho biết, các tỷ phú Ấn Độ rất chịu chi, bao luôn cả khách sạn hơn 250 phòng, chi phí ăn uống mỗi khách tiêu tốn khoảng 300 USD/ngày. Chưa kể mỗi ngày cưới đều trang trí theo một chủ đề, bối cảnh riêng.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Satish Ramnani, Giám đốc Công ty sự kiện Veydaa - đơn vị tiên phong đưa các đám cưới Ấn Độ đến với Đà Nẵng, đánh giá Đà Nẵng có rất nhiều ưu thế so với các điểm đến ở châu Á và trong nước: mới lạ, giao thông thuận lợi, khí hậu mát mẻ, cảnh quan đẹp... “Trước đây, các tỷ phú thường tổ chức cưới ở Thái Lan, Indonesia và muốn tìm một địa điểm mới hơn. Nếu đưa sang châu Âu thì quá xa. Còn ở châu Á, chúng tôi khảo sát nhiều nước thì Việt Nam mà cụ thể là Đà Nẵng phù hợp nhất. Giới thượng lưu Ấn Độ đã rất bất ngờ vì thành phố có hệ thống khách sạn dày đặc, sang trọng, các điểm vui chơi, mua sắm cũng rất gần. Hơn nữa còn kết nối với Hội An (Quảng Nam), Huế (Thừa Thiên - Huế)”, ông Ramnani chia sẻ.
Sở Du lịch TP Đà Nẵng nhìn nhận, đây là thị trường có tính đột phá đối với thành phố trong giai đoạn hồi phục du lịch và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
Sẵn sàng rút hầu bao
Theo ông Ramnani, với người Ấn Độ, đám cưới là sự kiện cực kỳ trọng đại và họ rất chịu chi. Khi sang Đà Nẵng tổ chức, họ chi cho mỗi đám cưới trên dưới 1 triệu USD. Tuy nhiên, họ không hề dễ tính. "Tôi lấy ví dụ với Thái Lan - điểm đến gần và cũng cạnh tranh với Đà Nẵng nhất, các tỷ phú sẽ luôn đặt câu hỏi nếu ở Thái Lan bỏ ra một, Đà Nẵng bỏ ra hai, thì tại sao phải đến Đà Nẵng, Đà Nẵng có gì để thuyết phục họ? Nếu mình phục vụ, đáp ứng, mang lại cho họ sự trải nghiệm xứng đáng thì họ sẵn sàng chi rất mạnh tay. Nhưng dù cho có mới lạ mà không có gì nổi bật, khác biệt, không mang đến sự trải nghiệm như kỳ vọng thì họ thật sự cân nhắc”, ông nói.
Đại diện một khu nghỉ dưỡng ven biển Đà Nẵng cho hay, hầu như tất cả các khách sạn đều phải thuê hệ thống âm thanh, ánh sáng, hoa, vải vóc… bên ngoài để phục vụ đám cưới tỷ phú. Mỗi thứ thuê một nơi do chưa có nhà cung cấp nào có thể đáp ứng trọn gói. Vấn đề này cũng dễ hiểu, vì không ai dám đầu tư, sợ đầu tư lớn quá mà ít sự kiện thuê thì khó lấy lại vốn. Chi phí để thuê những hạng mục này rất đắt, chưa kể một số yêu cầu của tỷ phú không đáp ứng được. Trong khi đó, ở các nước khác, điển hình như Thái Lan, họ có nhiều nhà cung cấp chuyên nghiệp với chi phí rất rẻ.
“Chúng tôi mong thành phố hỗ trợ đắc lực để các đơn vị, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư tầm cỡ, dài hơi. Thành phố có thể hỗ trợ bằng cách cho vay vốn ưu đãi hay có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, để họ yên tâm mua sắm trang thiết bị, máy móc, vật liệu… có thể cung cấp bài bản cho các đám cưới, không chỉ cho thị trường Ấn Độ mà còn nhiều thị trường khác nữa”, vị này đề xuất.
Tiền Phong