Đà Nẵng: Khánh thành Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng gần 120 triệu USD
Khu CNTT tập trung Đà Nẵng có tổng diện tích 341 ha, tổng vốn đầu tư hơn 120 triệu USD và được chia làm 2 giai đoạn.
Sáng 29/3, Công ty CP Phát triển Khu Công nghệ thông tin (CNTT) Đà Nẵng tổ chức lễ khánh thành dự án Khu CNTT tập trung Đà Nẵng giai đoạn 1 tại xã Hoà Liên, huyện Hoà Vang.
Hiện nay, giai đoạn 1 với tổng diện tích 131 ha, tổng vốn 47 triệu USD đã hoàn thiện hạ tầng, sẵn sàng phục vụ nhà đầu tư. Giai đoạn 2 với tổng diện tích 210 ha, tổng vốn đầu tư 74 triệu USD dự kiến sẽ triển khai trong năm 2019.
Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Khu CNTT Đà Nẵng Nguyễn Anh Huy, hiện Khu CNTT tập trung Đà Nẵng đang được nhiều nhà đầu tư quốc tế quan tâm, trong đó có các công ty lớn như IBM, Cisco, Intel, KDDI. Mitsui…
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Khu CNTT tập trung Đà Nẵng được xem là khu CNTT có quy mô lớn nhất cả nước tính đến thời điểm này. Việc khánh thành khu CNTT tập trung Đà Nẵng là một hành động cụ thể của thành phố trong việc thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nằm trên vành đai phát triển kinh tế khu vực Tây Bắc thành phố, Khu CNTT tập trung Đà Nẵng được xây dựng theo mô hình Thung lũng Silicon (Mỹ) và Công viên Khoa học Tân Trúc (Đài Loan, Trung Quốc), với tầm nhìn trở thành một trong những cộng đồng phát triển CNTT tốt nhất châu Á.
Mục tiêu của Khu CNTT này là đạt doanh thu 1,5 tỷ USD/năm, tuyển dụng khoảng 25.000 lao động, thu hút các doanh nghiệp, nhà khoa học, kỹ sư...trong lĩnh vực CNTT, công nghệ cao.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Đà Nẵng đã có những hành động thể hiện quyết tâm từ rất sớm khi xây dựng Khu Công viên phần mềm (đường Quang Trung, quận Hải Châu) vào năm 2011; đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục ủng hộ, cùng Đà Nẵng kêu gọi đầu tư, xây dựng cơ chế chính sách để giúp các doanh nghiệp tìm cơ hội phát triển.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận, mặc dù Việt Nam đã có rất nhiều cố gắng trong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng CNTT vào công tác quản lý của chính quyền, đào tạo nguồn nhân lực…, song đến thời điểm này, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế về CNTT và truyền thông vẫn còn khiêm tốn.
Công nghiệp sản xuất phần cứng tại Việt Nam chủ yếu vẫn phụ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài; công nghiệp phần mềm đa phần là gia công, giá trị doanh thu chưa cao. Do đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng cần tiếp tục có nhiều công trình, dự án hơn nữa để thực sự trở thành một trung tâm tiên phong trong việc tiếp cận công nghệ mới của miền Trung và cả nước; từ đó, nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Cùng ngày, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu Công nghiệp tổ chức thông xe kỹ thuật tuyến đường nối Khu CNTT tập trung Đà Nẵng với Khu Công nghệ cao, khớp nối hạ tầng đồng bộ nối từ trung tâm thành phố qua tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài vào Khu CNTT tập trung và Khu Công nghệ cao. Với tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng, tuyến đường này là đầu mối giao thông quan trọng, đáp ứng nhu cầu đi lại của các nhà đầu tư tại 2 dự án trọng điểm phía tây bắc thành phố.
Khu vực Tây Bắc Đà Nẵng đang được đầu tư hàng loạt dự án giao thông quy mô lớn như mở rợng cảng Liên Chiểu, di dời nhà ga đường sắt trong trung tâm về đây, dự án hầm chui Thuận Phước...
Bên cạnh những dự án trên, Đà Nẵng đang lên kế hoạch chi 15.400 tỷ đồng triển khai dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị Đà Nẵng. Mục tiêu chính của dự án là di dời ga đường sắt ra khu vực phía tây thành phố nhằm triệt tiêu các xung đột giữa đường sắt và giao thông đô thị, giảm ùn tắc giao thông trong khu vực trung tâm thành phố, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, tạo tiền đề để phát triển khu vực này, Chính phủ mới đây đã chấp thuận chủ trương cho Đà Nẵng đầu tư mở rộng cảng Liên Chiểu, kết nối thuận lợi giữa cảng Liên Chiểu và hệ thống đường sắt quốc gia; kết hợp với dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân để tạo động lực để phát triển khu vực phía Tây và Tây Bắc thành phố.
Sự "thay da đổi thịt" của hạ tầng giao thông khu vực Tây Bắc thời gian qua đã có tác động mạnh mẽ đến thị trường BĐS nơi đây. Hàng loạt doanh nghiệp tên tuổi trong ngành BĐS đã nhanh chân "góp mặt" tại vùng đất mới này với những dự án như Chăm Riverpark của Tập đoàn Gami, Lancaster Nam Ô Resort Đà Nẵng của Tập đoàn Trung Thủy, Khu đô thị lấn biển Xuân Thiều 100 triệu USD của các nhà đầu tư Nhật Bản mới được khởi công và các dự án đất nền hơn 115ha của Phương Trang Group…
"Cơ sở hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ chính là nguyên nhân đẩy mặt bằng giá bán lên một mức mới. Tuy nhiên, thị trường hiện nay đa phần là khách hàng có nhu cầu xây nhà hoặc đầu tư lâu dài chứ không lướt sóng như trước đây nên sẽ không còn cảnh dự án trống vắng không có người ở hoặc giá sốt ảo", ông Nguyễn Xuân Khánh, giám đốc một sàn giao dịch nhà đất tại quận Ngũ Hành Sơn, cho biết thêm.