MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đã phá sản “đứa con” tai tiếng, Vinalines phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ nghìn tỷ?

28-06-2017 - 17:25 PM | Doanh nghiệp

Vốn góp của Vinalines tại Vinashinlines là 414,3 tỷ đồng nhưng vốn điều lệ đăng ký của Vinashinlines là 1.500 tỷ đồng nên Vinalines có thể phát sinh nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ tương ứng với vốn điều lệ.

Báo cáo tài chính riêng cho năm 2016 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam ( Vinalines ) đã được kiểm toán bởi hãng kiểm toán KPMG mới công bố cho biết, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2016 giảm so với 2015, đạt 1.353 tỷ đồng.

Nợ phải trả giảm so với 2015, ở mức hơn 6.594 tỷ đồng trong đó nợ ngắn hạn là hơn 3.951 tỷ đồng, nợ dài hạn là 2.643 tỷ đồng.

Báo cáo cũng cho thấy, khoản lỗ gộp lên đến hơn 1.422 tỷ đồng, tăng 76% so với năm 2015, lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh cũng lên đến 1.620 tỷ đồng, tăng 97% so với năm 2015.

Liên quan đến các nghĩa vụ liên quan đến các công ty con sẽ thực hiện phá sản, theo kiểm toán KPMG thống kê, vào các ngày 10/12/2015, 8/12/2015 và 25/12/2015 Toà án nhân dân TP. Hà Nội, Toà án nhân dân TP.HCM và Toà án nhân dân tỉnh Cà Mau đã lần lượt mở thủ tục phá sản đối với Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn Dương Vinashin (Công ty Vinashinlines), CTCP Vận tải Dầu khí Việt Nam (Công ty Falcon); Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thuỷ Cà Mau (Công ty CNTT Cà Mau), 3 công ty con của Tổng công ty với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 100%, 51% và 100%.

Kiểm toán cho biết, tại Công ty Vinashinlines vốn đã góp của Tổng công ty tại ngày 31/12/2016 là 414,3 tỷ đồng tuy nhiên vốn điều lệ đăng ký của Vinashinlines theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 28/5/2010 là 1.500 tỷ đồng.

Do đó, theo ý kiến của kiểm toán, Tổng công ty Vinalines có thể phát sinh nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của Vinashinlines tương ứng với mức vốn điều lệ đã đăng ký theo quy định trong Luật Doanh nghiệp mặc dù Tổng công ty chưa góp đủ số vốn điều lệ này.

Cũng theo kiểm toán, do ban lãnh đạo Tổng công ty chưa ước tính những nghĩa vụ nào khác có thể phát sinh liên quan đến việc thực hiện thủ tục phá sản đối với Công ty Vinashinlines, Công ty Falcon và Công ty CNTT Cà Mau nên kiểm toán không thể tiến hành thủ tục kiểm toán để xác định ảnh hưởng của việc Tổng công ty chưa góp đủ vốn vào Vinashinlines cũng như các nghĩa vụ khác của Tổng công ty có thể phát sinh từ việc phá sản các công ty con trên đối với báo cáo tài chính riêng của Vinalines.

Vinashinlines sau khi được chuyển giao từ Vinashin sang Vinalines (năm 2010) không những không có chuyển biến tích cực, tình hình kinh doanh của Vinashinlines ngày càng bết bát, thua lỗ nên Vinalines đã đề xuất cho phá sản 2 công ty là Vinashinlines và Falcon trong đề án tái cơ cấu tổng công ty.

Thời điểm tháng 5/2012, Vinalines từng đưa ra tính toán, nếu bán hết tài sản thì Vinashinlines vẫn còn thiếu nợ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Công ty Tài chính Vinashin hơn 3.000 tỷ đồng. Số nợ này và lãi phát sinh được biết Vinalines từng đề nghị xoá hết cho doanh nghiệp. Còn các khoản nợ tại các ngân hàng khác, Vinalines đề nghị giảm 80% dư nợ gốc, kéo dài thời gian trả nợ và xoá hết lãi vay…

Trường hợp Falcon, đây là một trong những doanh nghiệp có đội tàu trọng tải tương đối lớn trong các đơn vị thuộc Vinalines, tuy nhiên, công ty này cũng luôn trong tình trạng thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, tính riêng năm 2011, nợ phải trả của Falcon cũng ở mức trên 2.800 tỷ đồng.

Theo Nguyễn Thảo

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên