MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đã phê duyệt phương án cơ cấu lại Mobifone, VNPost

03-11-2017 - 07:35 AM | Doanh nghiệp

Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức phê duyệt phương án cơ cấu lại 2 Tổng công ty: Tổng công ty Viễn Thông Mobifone và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost).

Theo thông tin từ Bộ Tài chính về tình hình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), 10 tháng đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cơ cấu lại của Tập đoàn Tập đoàn Điện lực Việt và Danh mục các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2017 – 2020 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt phương án tái cơ cấu lại 2 Tổng công ty: Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam và Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Bắc.

Đáng chú ý, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt phương án cơ cấu lại của 2 Tổng công ty: Tổng công ty Viễn Thông Mobifone (Quyết định số 1799/QĐ-BTTTT ngày 20/10/2017) và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam - VNPost (Quyết định số 1586/QĐ-BTTTT ngày 25/9/2017).

Đối với Đề án cơ cấu lại Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính đã có Quyết định số 2068/QĐ-BTC ngày 13/10/2017 chính thức phê duyệt.

Bộ Tài chính cũng đã có công văn số 12161/BTC-TCDN ngày 13/9/2017 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án cơ cấu lại SCIC giai đoạn 2016-2020.

Trong tháng 10/2017, Bộ Tài chính nhận được báo cáo của 4 đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, gồm: Công ty TNHH MTV 319.3 (thuộc Tổng công ty 319), Đoạn quản lý đường bộ Hưng Yên, Đoạn quản lý đường sông Hưng Yên và Công ty TNHH MTV Chè Phong Hải (Lào Cai).

Lũy kế 10 tháng đầu năm 2017, đã có 38 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (11/44 doanh nghiệp thuộc danh sách thực hiện cổ phần hóa trong năm 2017 theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và 27 doanh nghiệp tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2011-2016).

Tổng giá trị thực tế của 38 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 81.050 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 20.917 tỷ đồng.

Theo phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 38 đơn vị là 25.928 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 12.667 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.966 tỷ đồng, bán cho người lao động 212 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 20 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 5.063 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước quy mô lớn cũng đang tích cực đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa như: Triển khai kế hoạch cổ phần hóa tại Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), các Tổng công ty phát điện 2, 3 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Công bố giá trị doanh nghiệp tại Tổng công ty Điện lực Dầu khí, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam...

Ngoài ra, có 4 doanh nghiệp thuộc danh sách thực hiện cổ phần hóa trong năm 2017 theo công văn số 991/TTg-ĐMDN nhưng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa trong năm 2016, gồm: CTy TNHH MTV phát triển công nghiệp Tuyên Quang, CTy TNHH MTV Cấp thoát nước Tuyên Quang, CTy TNHH MTV Cấp nước Vĩnh Long, CTy TNHH MTV Công trình công cộng Vĩnh Long.

Theo Thanh Long

Vietnamfinance

Trở lên trên