MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đã qua thời "tiền rẻ" nằm trong ngân hàng hay đó chỉ là xu hướng ngắn hạn?

01-08-2022 - 16:01 PM | Tài chính - ngân hàng

Đã qua thời "tiền rẻ" nằm trong ngân hàng hay đó chỉ là xu hướng ngắn hạn?

Lãnh đạo Techcombank cho biết, nhiều khách hàng có thu nhập cao đã chuyển tiền gửi thanh toán sang mua bất động sản vì lo ngại lạm phát cao. Đó là một trong những nguyên nhân khiến tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tại nhà băng này sụt giảm trong quý 2 vừa qua. Không riêng Techcombank mà nhiều ngân hàng khác cũng ghi nhận xu hướng tương tự.

Theo báo cáo tài chính, nhiều ngân hàng đứng đầu về tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) ghi nhận chỉ số này có sự sụt giảm trong quý 2/2022.

Tại Techcombank, tỷ lệ CASA duy trì ở mức kỷ lục trên 50% trong quý 1/2022 nhưng bước sang quý 2 có sự sụt giảm đáng kể, đặc biệt đối với khách hàng cá nhân. Cụ thể, số dư tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng cá nhân tại nhà băng này đã giảm từ 108 nghìn tỷ đồng xuống 95 nghìn tỷ đồng, tương đương giảm 12% so với cuối quý 1/2022. Trong khi đó, tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng doanh nghiệp không thay đổi, vẫn giữ ổn định ở mức 58 nghìn tỷ đồng.

Theo đó, số dư tiền gửi không kỳ hạn tại Techcombank đã giảm từ 329 nghìn tỷ cuối quý 1/2022 xuống mức 322 nghìn tỷ cuối quý 2/2022. Tỷ lệ CASA do đó giảm từ 50,4% xuống 47,5%.

Ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp Tài chính Doanh nghiệp Techcombank cho biết, sau đại dịch, nhiều khách hàng đã giảm giữ tiền mặt và chuyển sang đầu tư, kinh doanh, tăng nhu cầu tiêu dùng cá nhân. Đặc biệt, do lo ngại lạm phát, nhiều khách hàng, đặc biệt là khách hàng có thu nhập cao đã chuyển sang mua bất động sản. Điều này dẫn đến CASA khách hàng cá nhân có sự sụt giảm trong ngắn hạn.

Tổng Giám đốc Techcombank, ông Jens Lottner cũng cho biết, sự sụt giảm CASA là một xu hướng chung của toàn ngành và Techcombank không ngoại lệ. Bởi thay vì gửi tiền ngân hàng, khách hàng chuyển sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản hoặc xay vòng vốn. Với các khách hàng doanh nghiệp, có doanh nghiệp khó vay vốn từ các tổ chức tài chính khác nên rút tiền gửi tại Techcombank ra để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ban lãnh đạo nhà băng này cho biết đây chỉ là xu hướng trong ngắn hạn. Thời gian tới, Techcombank sẽ tích cực đầu tư vào những giải pháp số hóa, đảm bảo có thể thu hút nhiều khách hàng hơn, sử dụng Techcombank như ngân hàng giao dịch chính, từ đó tăng trưởng CASA trong trung, dài hạn. 

Mặc dù có sự sụt giảm, Techcombank vẫn là ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ CASA trong hệ thống hiện nay. Và trên thực tế, không chỉ Techcombank mà nhiều ngân hàng khác cũng có diễn biến tương tự. 

Chẳng hạn tại MSB, tỷ lệ CASA sau khi tăng mạnh từ 35,8% lên 38,3% trong quý 1 thì bước sang quý 2 đã quay đầu sụt giảm. Tại ngày 30/6/2022, tỷ lệ CASA của nhà băng này còn 36,7%.

Song song với diễn biến này, tiền gửi cá nhân tại MSB ghi nhận giảm gần 900 tỷ đồng trong quý 2/2022 xuống mức hơn 47.000 tỷ. Trong khi đó, tiền gửi của tổ chức kinh tế lại tăng trưởng mạnh (hơn 3.000 tỷ) trong quý 2.

Tương tự tại Vietcombank, tỷ lệ CASA tăng trong quý 1 (từ 35,7% lên 36,3%) nhưng đến cuối quý 2 lại sụt giảm xuống còn 35,4%. Đặt trong bối cảnh ngân hàng này đã áp dụng chính sách miễn phí toàn bộ giao dịch trên ngân hàng số từ năm 2022 để tăng tiền gửi thanh toán thì kết quả trên khiến thị trường khá bất ngờ.

ACB, ngân hàng trong TOP 5 tỷ lệ CASA cũng không ngoại lệ. Tỷ lệ này của ACB tăng nhẹ từ 25,5% lên 25,8% trong quý 1/2022 rồi lại sụt giảm về 25% vào cuối quý 2/2022. Tại ngày 30/6/2022, số dư tiền gửi không kỳ hạn của nhà băng này là 94.660 tỷ đồng.

MB là ngân hàng hiếm hoi đi ngược xu hướng trên. Tỷ lệ CASA của MB giảm mạnh trong quý 1 từ 48,7% xuống 44,75% nhưng lại phục hồi trong quý 2. Tiền gửi không kỳ hạn tại nhà băng này đã tăng thêm gần 6.000 tỷ đồng trong quý 2 vừa qua, giúp tỷ lệ CASA cải thiện lên 45,5%. Theo đó, khoảng cách giữa MB và Techcombank về chỉ số này được rút ngắn đáng kể.

Có thể thấy, dòng tiền có những chuyển dịch khó lường trong thời gian qua. Theo nhận định của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong các quý tới, tỷ lệ CASA có thể gặp áp lực do các thị trường đầu tư tài sản kém thuận lợi và dòng tiền nhàn rỗi rút ra tập trung đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Việc CASA tăng chậm lại, cùng với việc lãi suất huy động chịu áp lực tăng cũng sẽ khiến NIM của các nhà băng có thể đi ngang hoặc điều chỉnh nhẹ trong năm 2022.

Các ngân hàng ghi nhận lượng khách hàng thường xuyên tăng nhanh như Techcombank, MB, MSB, TPBank… sẽ có được nguồn vốn huy động dồi dào hơn và giảm được chi phí vốn trong dài hạn. Ngoài ra, một số ngân hàng có khả năng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ từ các tổ thức tài chính quốc tế cũng sẽ có lợi thế trong việc duy trì chi phí vốn thấp.

https://cafef.vn/da-qua-thoi-tien-re-nam-trong-ngan-hang-hay-do-chi-la-xu-huong-ngan-han-20220801104849601.chn

Thu Thủy

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên