Đá quý tiền tỷ được bày bán la liệt "như rau" ở khu chợ độc nhất Hà Nội
Bước đến phiên chợ độc đáo này, nhiều người sẵn lòng bỏ ra cả một gia tài để rước về loạt sản phẩm hiếm có khó tìm, thỏa mãn thú vui sưu tầm đắt đỏ.
- 06-06-2022Cậu bé chăn cừu, đói ăn khi đặt chân đến Pháp nay đã trở thành tỷ phú, sở hữu 150 công ty ở 120 quốc gia: "Tôi không chấp nhận số phận ban đầu của mình"
- 30-05-2022Giáo dục con theo cách của cha mẹ Tây Tạng để tạo nên những đứa trẻ quyết đoán: Lúc cưng chiều hết mức, khi lại đối xử trái ngược hoàn toàn
- 19-05-2022Gia đình 6 thành viên xây nhà kính trị giá hơn 8 tỷ đồng ở vòng Bắc Cực, lựa chọn cuộc sống tự cung tự cấp, gần gũi với thiên nhiên
Mùa hè năm nay, phiên chợ đá quý duy nhất dành cho người mua bán, trao đổi đá quý, trang sức độc lạ ở Hà Nội đã trở lại ngõ 456 Hoàng Hoa Thám (Ba Đình) sau một thời gian dài đóng cửa vì dịch Covid-19. Chợ hoạt động từ 8h30 đến 15h Chủ nhật hàng tuần, thu hút đông đảo khách hàng bản địa và du khách quốc tế.
Năm 2016, CLB chợ phiên đá quý Hà Nội đã lập nên một không gian rộng 500 m2 để phục vụ nhu cầu sưu tầm, kinh doanh nhiều mặt hàng hiếm. Nếu như trước đây, chợ chỉ là nơi họp mặt, chia sẻ sở thích của thành viên CLB thì hiện tại, đã có thêm rất nhiều khách hàng đến mua lẻ, trong đó có cả tiểu thương là người ngoại tỉnh tới giao lưu, buôn bán.
Chợ có đủ thể loại đá quý, từ dạng tự nhiên, sơ chế cơ bản đến chạm khắc, chế tác thành trang sức. Theo bà Trần Thị Suốt - tiểu thương gắn bó lâu năm với nghề kinh doanh đá quý thì ruby (hồng ngọc) thường là sản phẩm bán chạy nhất. Một phần do màu sắc dễ chịu, thiết kế đa dạng, phần còn lại nhờ phong phú về chất lượng và giá cả. "Bán vài chục nghìn theo cân cũng có, giá tiền tỷ dành cho loại đá được kiểm định rõ ràng cũng có", bà Suốt chia sẻ.
Phần lớn đá quý bán tại chợ đều có xuất xứ Việt Nam, khai thác ở nhiều tỉnh miền núi như: Yên Bái, Lạng Sơn, Nghệ An, Thanh Hóa, Gia Lai… Để tranh thủ họp chợ thì nhiều tiểu thương ở xa không ngại di chuyển về Hà Nội, trực tiếp bán hàng nhằm tư vấn, hỗ trợ người mua kiểm định chất lượng.
Người bán đeo hẳn sản phẩm lên tay để thu hút sự chú ý của khách hàng. Trong hình là bộ sưu tập nhẫn đá quý với tổng giá trị gần 1 tỷ đồng, bao gồm: hổ phách (vàng), aquamarine (xanh dương), ruby (tím)...
Chiếc vòng ngọc Colombia được một gian hàng chào bán với giá 600 USD (khoảng 14 triệu đồng). Theo người bán, đây là trang sức thủ công, chế tác hoàn toàn bằng ngọc lục bảo từ đầu thế kỷ 20, được anh sưu tầm về từ nước ngoài nên có giá trị cao.
Một gian hàng tại chợ đá quý chuẩn bị sẵn đèn pin nhỏ để khách hàng kiểm tra chất lượng đá, soi xem bên trong có bị rạn vỡ hay được cấu thành bởi nguyên liệu nhân tạo không. Hiện tại, đá giả xuất hiện tràn lan trên thị trường nên mỗi gian hàng đều phải cam kết trung thực, hầu hết phải thông qua giấy phép của Trung tâm IGG - Viện nghiên cứu đá quý và vàng Vinagems thì mới được bày bán.
Dưới ánh sáng đèn pin, đá quý tự nhiên lấp lánh ánh bạc như một viên kim cương. Còn đá giả, đá nhân tạo thường sẽ có khối lượng nhẹ và bề mặt nhẵn nhụi.
Sau 4 năm làm việc ở Việt Nam, giáo viên người Úc Stephen West luôn cảm thấy hứng thú với chợ đá quý. Bên cạnh việc mua sắm thì ông còn tranh thủ đến đây để tiếp thu văn hóa, giao lưu với những người bản địa có cùng sở thích, đam mê. Ông Stephen cảm nhận: "Chợ phiên nằm trong ngõ nhỏ tạo không khí hoài cổ, phù hợp với những ai yêu thích giá trị xưa cũ".
Bên cạnh đá quý, chợ còn bán thêm các mặt hàng như tem, tranh, lược sừng trâu...
Với nhịp sống "bình thường mới" ngày một ổn định, chợ đá quý được dự đoán là sẽ đông đúc trở lại trong nửa cuối năm nay. Việc duy trì sự kiện này vừa tô điểm thêm cho du lịch Hà Nội, vừa tạo động lực phát triển cho ngành khai thác đá quý.
Trí Thức Trẻ