Đặc khu kinh tế Vân Đồn: Phía sau viễn cảnh màu hồng
Vân Đồn bây giờ như một siêu đại công trường. Hàng loạt những dự án bất động sản lớn có quy mô rộng hàng trăm hecta thi nhau mọc lên... Nhưng phía sau thiên đường du lịch tương lai này, cũng có không ít những tiếng thở dài...
- 03-04-2018Quảng Ninh tạm dừng lập mới dự án tại Khu kinh tế Vân Đồn
- 19-01-2018Quảng Ninh đã chuẩn bị gì cho đặc khu Vân Đồn?
- 30-12-2017Khảo sát Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn
Tháng 6/2018, cao tốc Vân Đồn - Hạ Long - Hải Phòng gần như đã hoàn thiện. Dù chỉ mới thông xe kỹ thuật nhưng hành trình từ Hà Nội xuống Vân Đồn, " đặc khu kinh tế " của tỉnh Quảng Ninh chỉ mất khoảng 1h40 phút.
Video ngắm Vân Đồn từ trên cao
Và khi mạng lưới cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn chính thức kết nối với nhau, những thương nhân ở Hà Nội có thể ăn sáng ở Thủ đô, uống cafe tại thành phố Cảng và tới đặc khu bắt đầu làm việc một cách thong thả (tất nhiên họ đừng thức dậy quá muộn là được).
Cách đây 7-8 thế kỷ, Vân Đồn là vùng đất cực thịnh. Vụng biển ở đây rất kín gió do được các đảo che chắn, nên nhiều nơi đã trở thành địa điểm rất thuận lợi cho tàu thuyền neo đậu và vận chuyển hàng hóa lên xuống.
Các cuộc khai quật khảo cổ học trong năm 1967 cho thấy: Vụng Cái Làng, Cống Cái trên đảo Vân Hải có một bờ dài khoảng 200m.
Tuyến đường ven biển. Ảnh: Minh Nguyễn.
Sự quy mô và sầm uất của thương cảng Vân Đồn một thời còn được các nhà khảo cổ ghi nhận qua số lượng tiền đồng nhiều triều đại trên suốt một dải đảo từ Cống Đông, Cống Hẹp, Cống Yên, Ngọc Vừng đến Minh Châu, Quan Lạn...
Nhưng qua nhiều biến đổi của thời cuộc, Vân Đồn đã ngủ quên quá lâu. Bây giờ thì thương cảng này đang được đánh thức từng ngày.
Phạm Văn Vinh - trưởng thôn Vòng Tre, xã Đài Xuyên, huyện Vân Đồn, hào hứng nói với chúng tôi: Sướng quá anh, cao tốc sắp hoàn thành, khách Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình... rồi từ khắp nơi sẽ đổ đến Vân Đồn nhiều vô kể.
Vợ chồng em đang "vào cầu", bọn em có cửa hàng nhỏ bán đặc sản như sá sùng khô, mực... trước đây dịp hè cũng chỉ vừa bán vừa chơi.
Đợt này du khách đông, công nhân, kỹ sư cũng tăng đột biến. Họ mua về làm quà, mua để ăn uống với nhau suốt, chưa bao giờ làm ăn ở Vân Đồn sướng như bây giờ.
Vinh bảo, nhà tôi đã ở đây nhiều đời, các cụ hay nhắc đến thời Vân Đồn sôi động, sầm uất bởi sớm mở cửa thông thương buôn bán với nước ngoài, tàu lớn tàu bé vào đầy trong cảng. Tôi muốn Vân Đồn phát triển thật mạnh, thật nhanh vì bao nhiêu năm ì ạch rồi.
Có nhà đầu tư, có sân bay, bến cảng, có nhà máy, xí nghiệp, có khách sạn, có cả sòng bài... thì Vân Đồn mới giàu lên được.
Ông Xuân, một chủ thầu xây dựng vừa chỉ huy tốp thợ kè nốt đoạn taluy đường cao tốc vừa "buôn" chuyện. Từ khi mấy dự án "khủng" như sân bay, đường cao tốc, đường ven biển, nhà hàng, khách sạn mọc lên "như nấm" ở Vân Đồn, thợ của ông làm không hết việc. Vẫn biết chỉ là mấy hạng mục đơn giản nhưng thu nhập "hơi bị được".
Mỗi ngày ít nhất thợ xây dựng cũng bỏ túi 350.000 đồng, nếu tăng ca thì sẽ kiếm được hơn.
Nhiều người dân Vân Đồn sống gần sân bay đang không giấu được sự tò mò. Họ hồi hộp chờ đón ngày sân bay này hoàn thiện và đón những chuyến bay đầu tiên.
Chắc sân bay cũng giống như trên Hà Nội thôi nhỉ - ông Kiên, một ngư dân lớn tuổi hỏi chúng tôi.
Bãi dài Vân Đồn. Ảnh: Minh Nguyễn.
Ông Kiên hy vọng con trai mình học xong trên Hà Nội sẽ về Vân Đồn xin việc rồi lấy vợ bởi ông tin, chỉ vài năm nữa thôi vùng này sẽ rất khác bởi mọi cửa ngõ giao thông lớn của vùng biển, đảo rất đẹp này đã được mở ra. Nhưng đặc khu không hẳn chỉ toàn mầu hồng và những điều hứa hẹn.
Hơn 10 giờ, nắng rát rạt, bà Bắc ngồi thở dốc rồi tu cạn chai nước suối giữa bãi bồi xã Đoàn Xá. Cái bánh mì mang theo từ sáng nhưng nắng gắt quá bà Bắc không nuốt nổi.
Mấy chục năm theo nghề đào bắt sá sùng, bà Bắc có thu nhập để nuôi được mấy đứa con ăn học. Nhưng bọn trẻ học mãi vẫn chưa xong.
Năm nay, Vân Đồn rậm rịch lên đặc khu, bà Bắc không giấu nổi sự phấp phỏng lo âu khi một dự án lớn đang thi công rầm rập với hàng trăm chiếc ô tô tải đang chở đất đá để san nền và lấn dần ra phía bãi bồi.
Bà Bắc bảo, nó mà lấn ra bãi là chúng tớ chết, cụt nghề luôn. Hàng trăm người dân trong xã mấy chục năm nay chỉ trông vào cái bãi sình lầy này.
Khi nhìn những chiếc xe tải chở đất đá đổ ào ào xuống ven bãi, ai cũng sợ nhưng cũng chẳng biết làm gì bởi đất bãi không phải của mình. Nếu không còn sá sùng để bắt, bà Bắc chưa biết đi đâu về đâu.
Xin một công việc mới ở đặc khu không phải chuyện đơn giản khi bà đã cứng tuổi. Hơn nữa, những dự án ở Vân Đồn hiện chỉ thấy toàn khu đô thị, khu nghỉ dưỡng, biệt thự, casino... chứ chưa thấy nhà máy, xí nghiệp nào tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Ở bãi bồi ven xã Đông Xá, chúng tôi cũng gặp và trò chuyện với nhiều phụ nữ khác. Họ bảo nếu lên đặc khu cũng thấy mừng nhưng cũng sợ.
Sợ vì đất đai cứ tăng giá vù vù, một số nhà đã bán gần hết đất nền, đất vườn rồi ôm cục tiền khá lớn để tiêu dần.
Tháng 3 vừa qua, thị trấn Vân Đồn rúng động bởi vụ việc tranh giành đất đai, em ruột kéo người tới "xử" anh trai đến chết.
Nạn nhân trong câu chuyện này là ông Nguyễn Mạnh Hồng, trú tại xã Hạ Long. Ông bị em ruột của mình là một đại tá công an về hưu hành hung ngay tại nhà thờ họ chỉ vì mâu thuẫn đất đai với nhau.
Việc đột nhiên giàu lên từ bán đất ban đầu ai cũng thích, nhưng sau gây ra không ít hệ luỵ vì tranh giành, mâu thuẫn. Nhiều đứa trẻ thấy cha mẹ có tiền nên không còn chăm chỉ học hành, lao động nữa. Bây giờ Vân Đồn mới nhấp nhổm bước lên đặc khu nhưng các tụ điểm ăn chơi như quán bar, karaoke, massage đã mọc lên khá nhiều.
Viễn cảnh về một Vân Đồn phát triển ồ ạt và chuyển mình trở thành đặc khu không còn quá xa xôi. Ở đặc khu này, sẽ có những tổ hợp khách sạn, nhà hàng, sòng bạc rất hoành tráng, sang trọng. Nhưng tại đây, liệu có cơ hội để người dân, để con em Vân Đồn làm việc, mưu sinh hay không lại là một câu chuyện khác.
Trí thức trẻ