Đặc sản miền Tây hối hả vào vụ Tết
Giá cả hầu hết sản phẩm Tết đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái do nguyên liệu đầu vào tăng.
- 01-01-2019Có một thứ đặc sản Vân Đồn…
- 23-12-2018Quýt vàng Bắc Sơn - đặc sản có giá trị kinh tế cho nông dân Lạng Sơn
- 22-10-2018Cận cảnh: Đặc sản bưởi Năm Roi rụng trắng gốc, dân khóc ròng
Nhiều cơ sở, làng nghề đặc sản ở miền Tây đang tất bật làm hàng cung ứng cho dịp Tết Kỷ Hợi 2019.
Món dân dã lên ngôi
Vào những ngày này, dọc các tuyến đường ven thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) đều bắt gặp hình ảnh người dân đang tất bật phơi khô để cung ứng ra thị trường. Ông Nguyễn Văn Tùng (chủ vựa khô tại khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm) bộc bạch: "Tết này, tôi bán ra thị trường khoảng 6-8 tấn các loại khô cá mối, cá trích, cá đù…, tăng gấp 2 lần so với những tháng khác. Sau khi trừ chi phí, gia đình dự kiến lãi khoảng 40-60 triệu đồng".
Nguyên liệu được ông Tùng mua từ các ghe đánh bắt trên địa bàn, rửa sạch rồi đem muối khoảng 2 ngày. Trong điều kiện nắng tốt thì chỉ cần phơi khoảng 2 ngày là có thể bán cho bạn hàng ở các tỉnh ĐBSCL và TP HCM. Các loại khô đang được thị trường ưa chuộng như: cá khoai, cá đù, cá mối, cá ba thú, cá ngát... với giá bán dao động từ 60.000-120.000 đồng/kg (tùy loại).
Dịp Tết, việc sản xuất cá khô giúp tăng thu nhập cho người dân ở thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà MauẢnh: Vân Du
Ngoài những loại đặc sản cá khô dân dã, vài năm gần đây, vào dịp lễ, Tết hay tiệc giỗ, cưới…, chả hoa Năm Thụy cũng là món ăn khá phổ biến, được chọn lựa đưa vào thực đơn của các thợ nấu ở miền quê hay vào nhà hàng các tỉnh, thành miền Tây. Ông Nguyễn Trường Chinh, Giám đốc Công ty Chả hoa Năm Thụy, cho biết ngày thường chỉ sản xuất từ 1-1,5 tấn hàng nhưng dịp Tết phải tăng lên 5 tấn/ngày. "Công ty đang gấp rút làm hàng để kịp cung ứng ra thị trường. Do giá nguyên liệu vào những ngày cuối năm tăng mạnh, như thịt heo ngày thường chỉ hơn 50.000 đồng/kg, hiện nay lên hơn 80.000 đồng/kg nên giá bán các loại sản phẩm của công ty như: chả hoa, chả thủ (chỉ dùng tai heo), pa-tê giò heo, thịt vò viên, cá vò viên, chả giò, nem hộp, nem ký… cũng tăng từ 10%-15% so với mọi năm" - ông Chinh nói.
Theo ông Tô Trường Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Cái Đôi Vàm, là địa phương giáp biển nên các cơ sở làm khô ở đây có lợi thế rất lớn để phát triển làng nghề. Để phát huy thế mạnh trên, các cơ quan chức năng đã có chủ trương nạo vét sông Cái Đôi Vàm để phương tiện lưu thông dễ dàng nhằm thu hút các tàu đánh bắt tỉnh bạn vào đây. Bên cạnh đó, đối với các mặt hàng chủ lực như cá khô khoai, địa phương sẽ tạo mẫu bao bì, tem truy xuất nguồn gốc… nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Còn đối với chả hoa Năm Thụy, từ một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, khoảng 3 năm gần đây, công ty đã đầu tư dây chuyền chế biến khép kín theo công nghệ Đức đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm giữ uy tín. Vì vậy, sản phẩm của công ty có mặt khắp các siêu thị và nổi tiếng trên thị trường.
Làng nghề "đỏ lửa"
Các cơ sở làm nghề ép chuối khô trên địa bàn huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) cũng đang tất bật tăng gia để đáp ứng đơn hàng của tiểu thương khắp nơi. Nguồn nguyên liệu chính là chuối xiêm được các cơ sở thu mua trên địa bàn đem về ủ chín khoảng 2 ngày; sau đó lột sạch vỏ, phơi nắng khoảng 1 ngày hoặc đưa vào lò sấy khoảng 6 giờ. Lúc này, đem chuối trái đã khô cho vào khuôn ép mỏng rồi đưa vào lò sấy khoảng 12-15 giờ hoặc phơi nắng 2 ngày thì được chuối khô thành phẩm.
Anh Trần Duy Thanh (ngụ ấp 10B, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) chia sẻ: "Gia đình tôi đã 3 thế hệ làm nghề này. Gần đây, do tôi đầu tư máy sấy nên chỉ mất khoảng 12 giờ là xong một mẻ chuối với sản lượng khoảng 400-450 kg, không còn phụ thuộc vào các cơ sở bên ngoài, sản phẩm cũng khô đều, chất lượng tốt và đẹp mắt hơn, bán được giá cao". Trung bình mỗi tháng, gia đình anh Thanh xuất bán từ 7-10 tấn chuối khô với giá dao động từ 15.000-20.000 đồng/kg. Do gần Tết nên sản lượng có thể tăng thêm từ 30%-50%. Sau khi trừ các chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm.
Một đặc sản khác ở miền Tây là bánh tráng Thuận Hưng, xuất xứ làng Thuận Hưng (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) với danh tiếng trên 200 năm làm bánh tráng theo kiểu truyền thống. Thuận Hưng có hơn 100 hộ dân làm bánh tráng, trong đó khoảng một nửa chỉ sản xuất vào vụ Tết. Vào mùa Tết, các lò hoạt động cả ngày lẫn đêm, gấp chục lần so với ngày thường, với 4 loại bánh: mặn (bánh dịu, có pha muối), lạt (bánh giòn), tráng nem (khổ nhỏ) và tráng dừa (loại để nướng, có thêm dừa và mè). Công việc mùa vụ này mang lại cho các gia đình nguồn thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày. Riêng những người làm công cũng kiếm bình quân từ 120.000-150.000 đồng/ngày.
Theo chia sẻ của người dân trong làng, muốn cho bánh thơm ngon, không dai, bở, để được lâu phải chọn lúa cấy tại vùng Thốt Nốt nhưng không được lấy loại mới cắt hay để quá lâu ngày. Bà Trương Thị Sậm (ngụ tại địa phương) nói: "Năm nay, nguyên liệu đầu vào như: gạo, củi đều tăng chút đỉnh nên các loại bánh tráng có lên giá. Nhà tôi có 4 người, mỗi ngày làm gần 3.000 cái bánh lạt nhưng vẫn không kịp giao cho thương lái khắp các tỉnh miền Tây".
Người lao động