Đại bảo tháp Boudhanath và những điều huyền diệu
Trong số những việc dưới đây, các bạn đã thực hiện được những việc gì? Hãy điểm lại một chút để cân bằng thêm nếu thấy cần!
Nepal là một điểm đến, nơi tham quan hấp dẫn không chỉ dành riêng cho những người yêu thích du lịch, trải nghiệm và khám phá thiên nhiên hùng vỹ nơi đây, mà còn là xứ sở với nền văn hóa- tôn giáo đa dạng của hơn 100 dân tộc sinh sống.
Nơi đây còn là điểm dừng chân tâm linh của những đệ tử hành hương về nơi Đức Phật đản sinh-Lumbini (Lâm-Tì-Ni) hay các thánh tích Phật giáo linh thiêng như Bảo Tháp Boudhanath- nằm ở vùng ngoại ô phía Đông Bắc thủ đô Kathmandu.
Đại Bảo Tháp hiện ở Bodha, nằm giữa thung lũng Kathmandu, nơi được bao quanh bởi các rặng núi. Nhìn từ trên cao xuống Bảo Tháp là một Mạn đà la ba chiều giống như cung điện. Boudhanath cao 36m, đường kính trên 100m, là một trong những ngôi tháp lớn nhất thế giới.
Vào năm 1979, Boudhanath được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Không ai biết là Đại Bảo Tháp đã có từ khi nào, chỉ biết Bảo Tháp được xây dựng trên tuyến đường thương mại cổ đại từ Nepal đến Tây Tạng, nơi các thương nhân, du tăng, khất sỹ, hành giả, học giả … hay dừng chân để nghỉ ngơi và làm lễ cầu nguyện được an toàn khi vượt dãy Hy Mã Lạp Sơn, hoặc đi qua những thung lũng đầy giặc cướp.
Ảnh minh họa.
Huyền thoại từ người đàn bà nuôi gà…
Huyền thoại Đại Bảo Tháp là một truyền thuyết của Tây Tạng, vô cùng quan trọng và là nguồn cảm hứng bất tận.
Khi nghe truyện kể, mỗi người trong chúng ta sẽ thực sự hiểu được Bảo Tháp tượng trưng cho điều gì, quá trình xây dựng bảo tháp, sự linh thiêng của Bảo Tháp qua những lời cầu nguyện được linh ứng, những lợi ích của việc đi nhiễu xung quanh Bảo Tháp, cúng dường, dọn dẹp hay làm sạch Bảo Tháp…
Thực chất, huyền thoại về Đại Bảo Tháp được coi là một Terma- mật tự- văn bản ghi những lời của Đức Liên Hoa Sanh kể ra theo sự thỉnh cầu của vị Vua Tây Tạng Trisondetsen (Tri-sông-đê-xen), sau khi được hoàn tất, mật tự này được vị thiên nữ -Yeshey Tsogyal cất giấu.
Sau này, chúng được một nữ tu sĩ tìm thấy bên trong pho tượng Phật Đại Nhật Như Lai ở tầng trên của chùa Samye Ling. Đó là cách huyền thoại về Bảo Tháp được lưu giữ và tương truyền đến ngày nay.
Câu chuyện được ghi lại trong mật tự như sau:
Trong vô số kiếp trước, Đức Bồ Tát Ma-ha-tát Quán Thế Âm lập đại nguyện dưới chân vị thầy của Ngài, Đức Phật A Di Đà, rằng Ngài sẽ giải thoát chúng sinh khỏi sự đau khổ của thế gian này.
Và sau khi đã giải thoát vô số chúng sinh, Ngài lên đứng trên nóc cung Điện Potala, nghĩ rằng chúng sinh tất cả không ngoại trừ đều đã được giải thoát.
Nhưng trông xuống sáu cõi luân hồi, Ngài thấy vẫn còn nhiều chúng sinh đang trôi lăn sinh tử trong các cõi thấp như ruồi trên đống rác.
Nghĩ rằng không thể giải thoát tất cả chúng sinh khỏi biển khổ của thế gian này, Ngài khóc, và dùng ngón trỏ quệt hai giọt nước mắt, Ngài cầu nguyện rằng cả hai giọt nước mắt này cũng có thể giúp đỡ chúng sinh trong tương lai để họ thoát khổ.
Lời cầu nguyện được trở thành sự thật, hai giọt nước mắt biến hóa và đầu thai làm hai người con gái của Vua Trời Đế Thích: nữ thần Purna (Viên Mãn) và Apurna (Không Viên Mãn).
Một lần, Apurna hái trộm mấy bông hoa, vi phạm luật của các vị thần và bị phạt phải tái sinh vào cõi người, ở quận Maguta, xứ Nepal, làm con gái của người nuôi gà Ansu và vợ là Purna. Người con đó tên là Shamvara.
Lớn lên Shamvara ở cùng với bốn người đàn ông đều thuộc giai cấp hạ tiện, với mỗi người đàn ông bà sinh ra một người con trai.
Người con trai thứ nhất là của người nuôi cừu, người con trai thứ hai là của người nuôi heo, người con trai thứ ba là của người nuôi chó, và người con trai thứ tư là của người nuôi gà.
Nhờ nghề nuôi gà, Shamvara đã dành dụm được nhiều tiền của để nuôi các con tử tế, trở thành những người có học.
Khi đã giàu có, bà nghĩ mình nên giúp đỡ mọi người bằng cách xây một Đại Bảo Tháp, nơi chứa Tâm của chư Phật, nơi chiêm bái cho vô số chúng sinh và là nơi giữ xá lợi của các Đấng Như Lai.
Với mong muốn như vậy, bà đến yết kiến Nhà Vua rồi quỳ xuống, chắp tay cầu xin Nhà Vua cho phép bà cùng các con của mình được xây một Đại Bảo Tháp bằng chính số tiền dành dụm của bản thân.
Nhà Vua nghe xong lời thỉnh cầu, suy nghĩ và chấp thuận, cho phép người đàn bà nuôi gà xây Tháp.
Jarungkhasor, mọi trở ngại đều có thể được khắc phục…
Shamvara cùng với bốn người con trai, một lừa, một voi bắt đầu việc xây dựng Đại Bảo Tháp. Họ mang đất đá tới địa điểm, đổ nền, xây tường lên đến tầng thứ ba. Lúc này dân Nepal kéo tới, họ ganh ghét bởi một người đàn bà nuôi gà thấp hèn lại có thể xây một cái Tháp như vậy.
Họ đến gặp nhà Vua và xin nhà Vua cho ngừng việc xây Tháp, bắt người đàn bà nuôi gà mang đất đá về chỗ cũ. Nhưng Vị Vua vĩ đại coi đây là một công trình tuyệt diệu và vẫn để Shamvara tiếp tục làm công việc xây dựng.
Có nhiều người khác cũng cản trở việc xây tháp, nhưng không thành công. Cũng bởi vậy Đại Bảo Tháp này được gọi là Jarungkhasor, nghĩa là khi đã được phép xây dựng thì mọi trở ngại đều có thể được khắc phục.
Việc xây dựng được tiến hành trong bốn năm, cả mùa hè lẫn mùa đông, cho đến khi Tháp được làm đến phần cổ thì người mẹ qua đời (khi bà trút hơi thở cuối cùng, chiêng trống được đánh lên và các vị thần hóa hiện một cơn mưa những bông hoa, bầu trời xuất hiện ánh sáng cầu vồng.
Do công hạnh xây Đại Bảo Tháp, bà đã đắc quả Phật.) và bốn người con trai tiếp tục hoàn thiện nốt phần trên của Bảo tháp theo như di nguyện của người mẹ.
Họ dùng voi và lừa để tải gạch đá tiếp tục công việc trong ba năm nữa, như vậy tổng cộng tất cả là bảy năm để hoàn thiện việc xây dựng. Chính giữa Tháp được đặt một cây Sự Sống- có chứa Xá lợi bất hoại của Cổ Phật Đại Ca Diếp.
Sau khi lễ dâng Tháp đã được tổ chức long trọng với những bông hoa cúng rải khắp nơi, Đức Phật Đại Ca Diếp cùng với các Bồ Tát tháp tùng.
Ngài xuất hiện trên các tầng trời ở trước Đại Bảo Tháp. Vây quanh họ là chư Phật, Bồ Tát mười phương và vô số các La Hán, Ngũ Trí Như Lai, các Thiên Vương ba cõi (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới), các vị thần hiền hòa cũng như phẫn nộ, đông như hoa mè không thể kể xiết xuất hiện để rải hoa, tôn vinh cho buổi lễ bằng sự hiện diện quý báu của họ.
Chiêng được đánh lên, các vị thần rải một trận mưa hoa, hương thơm tỏa ra khắp nơi. Đất rung chuyển ba lần. Hào quang vô lượng của trí huệ thiêng liêng từ thân của chư Phật làm mờ ánh mặt trời và chiếu sáng ban đêm trong năm ngày liên tiếp.
Chư Phật hợp nhất và thành tựu mọi ước nguyện….
Trước cảnh sắc diệu kỳ đó, đại tập hội chư Phật và Bồ Tát đồng thanh nói với các thí chủ và tín đồ rằng:
Do tấm lòng thanh tịnh bởi ý nguyện xây Đại Bảo Tháp này, vật chứa Pháp Thân bất khả phân với Tâm của các Đấng Chiến Thắng trong đời quá khứ, hiện tại và vị lai, do việc làm tốt này, bất cứ lời cầu nguyện nào của các người cũng được thành tựu hoàn hảo.
Nghe vậy, bốn người con trai đều phát khởi những nguyện ước lớn. Khi họ cầu nguyện, tất cả các chư Phật mười phương và chư Bồ Tát tan hòa rồi nhập vào trong Đại Bảo Tháp. Từ đó về sau Bảo Tháp được người thế gian gọi là “Chư Phật Hợp Nhất”.
Người con trưởng, con của người chăn cừu, nguyện tái sinh làm vua Bảo Hộ Giáo Pháp ở Tây Tạng, nơi xứ Tuyết, người đó là Vua Trisondetsen. Con của người nuôi heo nguyện tái sinh làm một Sư trưởng, đó là Bồ Tát Tịch Hộ.
Con trai của người nuôi chó cầu nguyện cho mình được tái sinh làm một hành giả Mật giáo, đó là Sư trưởng xứ O-Gien, Đạo sư Liên Hoa Sanh. Con của người nuôi gà nguyện tái sinh làm một viên quan mộ đạo là vua xứ Yarlung hiện tại.
Đại Bảo Tháp- nơi nhận Phật Tâm của các vị Phật quá khứ, hiện tại và vị lai
Sau khi chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai đã thực sự đã thực sự nhập vào Bảo Tháp mãi mãi, Tháp đã trở thành Viên Ngọc Như Ý - bất cứ lời cầu xin hay khấn nguyện nào trước Tháp này, cũng sẽ được ban cho thành tựu tức khắc…
Chúng sinh bất cứ ai là người phàm tục hay chư Thiên, các vị thần với tâm thanh tịnh phục lạy trước Đại Bảo Tháp, nhiễu quanh Tháp và chiêm bái Tháp sẽ đạt lợi ích và phước huệ vô lượng không thể nghĩ bàn, vượt trên cả mọi sự diễn tả.
Một số điều về cấu trúc Bảo Tháp và các hình ảnh ở Bảo Tháp.
Bảo Tháp được xây dựng theo mô hình cổ điển, hình vòm. Mỗi phần của Bảo Tháp đều có ý nghĩa tượng trưng nhất định. Trên bốn phía của Bảo Tháp nhìn ra bốn hướng chính là đôi mắt của Đức Phật- được vẽ rất lớn.
Phía trên của đôi mắt là hình tượng con mắt thứ ba, biểu trưng cho trí tuệ giác ngộ. Ở phía dưới, giữa của đôi mắt trông giống như chiếc mũi, nhưng thực chất đó là biểu tượng số "Một" của người Nepal, với ý nghĩa là sự hợp nhất.
Ảnh minh họa.
Thân tháp là khối hình vuông, phía trên thân là đỉnh tháp với hình kim tự tháp có mười ba bậc, dẫn đến chiếc lọng tinh xảo- biểu trưng cho lộ trình tu tập dẫn đến sự giác ngộ, giải thoát. Và trên đỉnh tháp là một mái vòm mạ vàng, bên trên đó là hình chóp nón mạ vàng.
Cái lọng ở trên đỉnh tháp là biểu tượng của hoàng gia. Một điều đặc biệt là mái vòm phía dưới thân tháp được nhuộm màu bởi nước hồng hoa (hoa nghệ tây) và khi nó được tạo thành trông giống như những lá sen.
Đường viền chạy quanh tháp còn có 108 hộc nhỏ, mỗi cái được đặt một bức tượng Phật trong thế ấn thiền định, hay xúc địa và các thế ấn khác, đó là hình tượng hóa thân của Bồ Tát Quan Thế Âm, vị Bồ Tát gắn liền với lịch sử của Bảo Tháp.
Câu chú của Ngài- Om Mani Padme Hum - cũng được khắc trên những chiếc kinh luân gắn trên tường Bảo Tháp.
Từ cổng chính đi bộ vào Bảo Tháp, chúng ta sẽ bước vào biển cờ cầu nguyện Tây Tạng.
Những dây cờ này được kéo từ đỉnh tháp và chăng xung quanh Bảo Tháp, trên mỗi lá cờ đã in dấu những câu minh chú, khi có gió thổi đến những lời cầu nguyện và những câu minh chú này sẽ lan tỏa khắp không gian mang những thiện lành, tình yêu thương đối với tất cả chúng sinh.
Những lá cờ cầu nguyện có 5 màu, tượng trưng cho 5 nguyên tố cơ bản: màu vàng tượng trưng cho đất, xanh lá tượng trưng cho nước, đỏ tượng trưng cho lửa, trắng tượng trưng cho gió, xanh da trời tượng trưng cho không gian.
Ảnh minh họa.
Ngày nay, tại Bảo Tháp Boudhanath có rất nhiều khách hành hương tới thực hành nghi lễ theo truyền thống tôn giáo của mình, nổi bật hơn cả là người Tây Tạng.
Sau năm 1959 người dân Tạng đã di cư sang và phát triển khá lớn mạnh ở nơi đây, theo đó là sự phát triển của Phật giáo Tây Tạng, nhiều tu viện và các trung tâm nghiên cứu Phật giáo Tây Tạng được thành lập.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.
Vào những ngày linh thiêng trong tháng, ngày trăng tròn hay trăng non… từ sáng tinh mơ, Bảo Tháp đã ngập tràn màu sắc: sắc hoa tươi, sắc áo của người dân địa phương, của du khách hành hương, nhưng đặc biệt là sắc áo đỏ của tăng ni.
Mọi người cùng đi Kora- nhiễu quanh Bảo Tháp theo chiều kim đồng hồ, họ vừa đi vừa đọc chú, lễ lạy, quay kinh luân, và hát những bài hát cầu nguyện.
Khắp nơi vang lên tiếng trống, tiếng chuông và phảng phất trong gió là mùi thơm của hương gỗ bách, trầm… cúng dường lên mười phương Chư Phật.
Buổi tối, Bảo Tháp được trang hoàng bởi dây đèn ngũ sắc, và hàng nghìn ngọn đèn bơ được thắp sáng rực rỡ, xua tan sự vô minh, mê mờ của chúng sinh. Ánh sáng đó rọi tỏa trong đêm như là niềm tin cho những nguyện ước của chúng sinh được viên thành.
Nguyện điều tốt lành phổ tràn khắp các cõi!
Bài viết tham khảo nhiều nguồn
Trí thức trẻ