MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Dương Trung Quốc: Tại sao báo cáo trước Quốc hội lại phải né tránh gọi tên Trung Quốc?

"Người dân chúng ta nghĩ thế nào, dân Trung Quốc nghĩ thế nào về điều này? Rồi về sau khi con cháu chúng ta đọc lại về sử thì sẽ nghĩ gì?", đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) đặt một loạt câu hỏi tại nghị trường sáng 31/10.

Phát biểu tại nghị trường sáng nay, đại biểu Dương Trung Quốc đặt ra một số vấn đề đáng suy nghĩ dù bức tranh kinh tế, xã hội Việt Nam được xem là sáng sủa.

Thứ nhất là lòng tin của người dân với chính quyền. Ông đã liệt kê ra rất nhiều vụ việc như BOT trầy trật không chịu thay đổi, câu giờ để kiếm lời dù Chính phủ đang thôi thúc, coi cách mạng 4.0 như là một đột phá.

"Lợi ở đây không chỉ nhà đầu tư mà cả nhóm lợi ích, không loại trừ những người trong bộ máy chính quyền", ông Quốc nói.

Hay những vụ việc như lừa đảo bất động sản ảo của doanh nghiệp Alibaba, cháy Rạng Đông, ô nhiễm nước sạch ở Hà Nội... khiến cho người dân cảm thấy sự quản lý của chính quyền có phần tắc trách, chưa sâu, sát.

"Những điểm tối tuy không che lấp được bức tranh sáng sủa của những thành tựu tích cực mà Chính phủ, nhân dân phấn đấu nhưng nó khoét sâu vào niềm tin vốn chưa được phục hòi của dân về năng lực Nhà nước – được định nghĩa là của dân, do dân và vì dân", ông nói.

Thứ hai là về vấn đề sân bay Long Thành. Ông Quốc bày tỏ nỗi lo đại dự án có thể bị chậm trễ vì cán bộ thu mình cuối nhiệm kỳ. Theo ông, từ giờ đến hết nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ - giữa năm 2021- lại là cao điểm của nhiệm vụ gian nan là giải phóng mặt bằng, tái định cư vùng dự án.

"Vào thời điểm chuyển giao bộ máy quyền lực giữa 2 nhiệm kỳ, bộ máy công quyền dễ rơi vào thu mình, đóng băng, bất động, vì bắt nguồn từ mục tiêu an toàn, để giữ vững hoặc cải thiện vị thế trong bộ máy quyền lực. Điều đó làm phương hại đối với việc chỉ đạo, dịch vụ công liên quan đến dự án, người dân", ông Quốc nói.

Theo ông, với dự án lớn, nếu không khắc phục được điều đó, nếu không có sự năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì việc xây dựng sân bay Long Thành khó hoàn thành.

Điểm cuối cùng mà được ông nhắc đến và gọi đó là "hạt sạn mang vị đắng" là việc tại sao không chỉ đích danh Trung Quốc – chủ thể của những hành vi vi phạm trên biển Đông, trong bản báo cáo mà Chính phủ trình ra Quốc hội tại kỳ họp.

Nói về bản báo cáo của Chính phủ trình bày trước Quốc hội trong kỳ họp này về công tác đối ngoại trong đó có vấn đề về biển Đông, ông Quốc cho rằng các đại biểu đã cảm nhận được lòng tin dù theo ông đây là nội dung chẳng cần họp kín mà nên công khai để cho dân được biết.

Ngay trong bản báo cáo của Chính phủ mà Quốc hội đang thảo luận, theo ông Quốc đã có những nội dung đầy khích lệ về vấn đề này khi khẳng định: Đảng và Nhà nước ta nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định phát triển của đất nước.

"Nhưng hạt sạn đắng mà tôi nói tới là trước đoạn trích trên lại là mệnh đề thiếu ngữ pháp khi báo cáo trên không nói rõ chủ ngữ của hành động vi phạm nghiêm trọng trong các vùng biển Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế trái với tuyên bố DOC và thoả thuận cấp cao là ai. Tại sao trước đó Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã nói rõ việc Trung Quốc là nước gây bất ổn ở biển Đông trước bàn dân thiên hạ, trước quốc tế mà khi báo cáo đọc  trước Quốc hội, lại né tránh quốc danh của một quốc gia văn minh nhưng đáng lên án vì những việc làm trái với luật pháp quốc tế và lợi ích của chúng ta?"

Tại diễn đàn Quốc hội cũng vậy, cũng có nhiều đại biểu né tránh chỉ đích danh Trung Quốc, thay thế bằng khái niệm rất mơ hồ là nước ngoài. Dân ta nghĩ thế nào, người Trung Quốc nghĩ thế nào? Sau này con cháu chúng ta đọc lại sử thì nghĩ gì?", ông Dương Trung Quốc nói.

T.Công

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên