MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu lo 2 triệu tỷ đồng vay cấp bù lãi suất "chảy" vào lĩnh vực rủi ro

09-06-2022 - 18:47 PM | Tài chính - ngân hàng

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) - Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) - Ảnh: Quốc hội

Với quy mô gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách hỗ trợ ngành ngân hàng, tương đương khoảng 2 triệu tỷ đồng được giải ngân, đại biểu lo ngại dòng tiền có thể "chảy" vào các lĩnh vực rủi ro và đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói về giải pháp kiểm soát dòng vốn.

Đặt vấn đề gói hỗ trợ lãi suất vay 2% trị giá khoảng 40.000 tỷ đồng của ngành ngân hàng, tức là sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng được giải ngân từ chương trình vay này, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng về giải pháp để kiểm soát dòng vốn này, tránh tình trạng "chảy" vào các lĩnh vực rủi ro.

Đại biểu cũng muốn Thống đốc làm rõ việc sau đại dịch, có nhiều doanh nghiệp đang còn có khoản vay đang phải hoãn giãn, chưa phải trả nợ và không có tài sản đảm bảo thêm nữa để thế chấp. Những doanh nghiệp này có phương án kinh doanh tốt, thuộc nhóm cần được phục hồi. Vậy làm thế nào để doanh nghiệp này tiếp cận được gói hỗ trợ?

Trả lời câu hỏi, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, đây là gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân rất quan tâm. Trong quá trình xây dựng Nghị định 31, NHNN đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Chính phủ tổ chức các cuộc họp cho ý kiến để làm sao thiết kế ra các quy định đảm bảo được việc triển khai thuận lợi, nhất là hạn chế những cái khó khăn, vướng mắc.

Để đảm bảo được các đối tượng rõ ràng, tại Nghị quyết 11 của Chính phủ cũng đã nêu rất rõ đối với hai nhóm đối tượng. Thứ nhất là nhóm đối tượng có nhu cầu vay vốn thuộc một số ngành kinh tế đã được quy định tại Quyết định số 27 của Thủ tướng Chính phủ về phân ngành kinh tế. Từ trước đến nay, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người dân đều có sự phân ngành kinh tế theo chuẩn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thứ hai là nhóm đối tượng vay mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ. Vấn đề này do Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương rà soát và công bố danh mục đến có cơ sở rõ ràng.

Đại biểu lo 2 triệu tỷ đồng vay cấp bù lãi suất chảy vào lĩnh vực rủi ro - Ảnh 1.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội - Ảnh: Quốc hội

Bên cạnh đó, Thống đốc cho biết, để thiết kế một cách công bằng, công khai, cần có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan trong khâu dự toán, thực hiện dự toán cũng như quyết toán. Đặc biệt, trong nghị định này cũng có quy định sự tham gia của Kiểm toán Nhà nước đối với các khoản cho vay trước khi Bộ Tài chính thực hiện quyết toán khoản vay này.

Đối với biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp có khoản nợ cũ không có tài sản đảm bảo tiếp cận được gói hỗ trợ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, từ khi bàn thảo, trình Quốc hội và Quốc hội đã cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng họp một số phiên để xem xét về vấn đề này, trong đó thấy rằng gói này hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, đối tượng ở đây là phải là các doanh nghiệp có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi.

Như vậy, trong Nghị định và Thông tư hướng dẫn của NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng cho vay đúng đối tượng, các đối tượng, các doanh nghiệp thuộc các ngành được hỗ trợ nhưng vẫn phải đảm bảo khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi mới được cho vay. Nếu trong quá trình thẩm định, đánh giá, các tổ chức tín dụng đánh giá là doanh nghiệp không đủ điều kiện vay, thực sự các doanh nghiệp cũng không tiếp cận được chương trình này. 

Theo Thống đốc, trên thực tế, trong thời gian vừa qua đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị tác động bởi đại dịch COIVD-19 chứ không nằm trong chương trình này.

Trước đó, chiều 08/6, trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) về tiến độ triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách hỗ trợ ngành ngân hàng và khả năng tiếp cận gói hỗ trợ này với doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh điều hành lãi suất và giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân là nhiệm vụ trọng tâm của NHNN.

Thống đốc cho biết thêm, trong Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, quan điểm của Chính phủ là thực hiện chương trình phục hồi kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, trong điều hành lãi suất, NHNN cũng cần điều hành trên cơ sở tổng thể với tất cả công cụ khác. NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí trong hoạt động để giảm lãi suất và hỗ trợ các doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn.

Cũng theo Thống đốc NHNN, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế. Khối doanh nghiệp này có nhiều điều kiện hạn chế như tài chính, khả năng quản trị, thương hiệu hàng hóa... nên độ xếp hạng tín nhiệm chưa cao. Khi vay vốn, các tổ chức tín dụng phải đánh giá tín nhiệm để đưa ra mức lãi suất, lãi cho doanh nghiệp tín nhiệm thấp phải cao hơn so với doanh nghiệp có độ tín nhiệm cao.

Thống đốc cho biết, trong thời gian dịch bệnh, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện giảm lãi suất cho doanh nghiệp và người dân. Trong hai năm, tổng lãi suất giảm là khoảng 47.000-48.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp nhỏ và vừa có hạn chế nên nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn các ngân hàng. Các tổ chức tín dụng cũng phải thực hiện nguyên tắc khi cho vay thì khách hàng phải đảm bảo có khả năng trả nợ, vì tiền cho vay cũng là huy động của người dân.

Ngoài ra, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có quỹ bảo lãnh tín dụng, hiện cả nước có khoảng 29 quỹ tín dụng quỹ bảo lãnh tín dụng ở địa phương, Thống đốc cho biết và khẳng định thời gian tới, ngân hàng sẽ phối hợp với các bộ, ban, ngành tháo gỡ khó khăn trong vấn đề tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo Hoàng Hà

Nhịp sống doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên