MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Phạm Tri Thức: Lê-nin khẳng định nếu không tìm được người đủ tài, đức thì phải ưu tiên đức. Bác Hồ cũng nói cán bộ lấy đức làm gốc

Tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm tới quy định chọn người tài vào bộ máy.

Trong vai trò người điều phối phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là dự án luật quan trọng để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng trong các nghị quyết Trung ương về tiếp tục đổi mới công tác xây dựng, quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, khắc phục những hạn chế trong quy định của pháp luật hiện hành được cử tri và đại biểu quan tâm.

Trong quá trình thảo luận trước đó, một số vấn đề tiếp tục còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có chính sách đối với những người có tài năng. Đây cũng là một trong những vấn đề mà Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các đại biểu quốc hội tập trung cho ý kiến.

Bày tỏ cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi hai luật, đại biểu Trương Thị Hoa Ry của đoàn Bạc Liêu cũng đóng góp một số ý kiến để hoàn thiện luật. Nhấn mạnh sự cần thiết có chính sách đối với người tài năng để thu hút họ vào trong các hoạt động công vụ, và Ry cho rằng luật cần chi tiết hóa các quy định để có thể áp dụng được trong thực tiễn.

Bà Ry lưu ý rằng cần có tiêu chí định người có tài năng trong hoạt động công vụ chứ không chỉ là người tài năng được phát hiện trong tuyển dụng vào cơ quan nhà nước. Như vậy những đối tượng đang hoạt động công vụ mà có tài năng, cống hiến cũng nên được coi là người tài.

Đại biểu Phạm Tri Thức: Lê-nin khẳng định nếu không tìm được người đủ tài, đức thì phải ưu tiên đức. Bác Hồ cũng nói cán bộ lấy đức làm gốc - Ảnh 1.

Ngoài ra, về tiêu chí, tiêu chuẩn dành cho người tài năng, bà Ry cho rằng người tài không chỉ giỏi về chuyên môn mà cần đảm bảo hài hòa về đức độ, tài năng mới có thể cống hiến và phục vụ tốt cho đất nước. Ngoài ra, chính sách cũng cần linh hoạt để phù hợp với đặc thù của từng vùng miền trên cả nước, nhất là những khu vực còn khó khăn. Song song với đó, cần có cơ chế để chống việc lạm dụng chính sách này.

Đại biểu Hà Thị Minh Tâm của Hà Nam đề nghị cần có khung tiêu chí để xác định người tài năng và những chính sách cơ bản quy định ngay trong luật vừa để phân bổ hợp lý nguồn nhân lực, vừa giữ chân người tài trong bộ máy và không gây lãng phí, thiếu nhân lực làm việc.

Đại biểu Phạm Trí Thức của Thanh Hóa dẫn những bài học lịch sử cho rằng: "Ông cha ta đã nói ‘Hiền tài là nguyên khí quốc gia’ chứ không nói người tài năng là nguyên khí quốc gia. Chủ nghĩa Mác Lê-nin cũng theo nguyên lý như vậy. Lê-nin khẳng định nếu không tìm được người đủ tài, đức thì phải ưu tiên đức. Bác Hồ cũng nói cán bộ lấy đức làm gốc".

Đại biểu Phạm Văn Hòa của Đồng Tháp thì cho rằng: "Cần quy định cụ thể những nguyên tắc chung về tuyển dụng người tài thực sự như sinh viên, chuyên gia trong nước, ngoài nước, có tiêu chuẩn cụ thể để phòng ngừa không phải là người tài mà vẫn được ưu ái, ưu đãi như người tài sẽ không công bằng với các đối tượng khác".

Nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự cần thiết phải làm rõ thế nào là người tài để có sự phân biệt, phòng ngừa tuyển tràn lan, không thông qua thi tuyển sẽ không công bằng với các đối tượng khác. Việc tiếp nhận cũng cần đảm bảo tính hợp lý với vị trí việc làm.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên