Đại biểu Quốc hội: "Một số ngân hàng đang là con tin của các Tập đoàn lớn"
Theo đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh, thời gian qua, Chính phủ đã thành lập VAMC mua bán nợ xấu của các TCTD, mặc dù đã quyết liệt thực hiện nhưng VAMC mới chỉ xử lý được 14,5% còn 85,5% tồn đọng do đó thực chất chỉ là "đánh bùn sang ao".
Đại biểu Đỗ Văn Sinh đoàn Quảng Trị, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã nhấn mạnh ý kiến cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây nên nợ xấu theo quy định pháp luật, tránh hợp thức hóa các sai phạm do chủ quan gây ra.
Theo ông, nợ xấu xảy ra chủ yếu do nguyên nhân khách quan như hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh, tình hình SXKD gặp khó khăn, biến động thị trường.... Nhiều năm qua, nợ xấu không được xử lý kịp thời do nhiều nguyên nhân như hành lang pháp lý chưa đầy đủ, chưa đồng bộ; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tổ chức trong xử lý nợ xấu chưa nhịp nhàng,...khiến nợ xấu thêm chồng chất.
"Thời gian qua, Chính phủ đã thành lập VAMC mua bán nợ xấu của các TCTD, mặc dù đã quyết liệt thực hiện nhưng VAMC mới chỉ xử lý được 14,5% còn 85,5% tồn đọng do đó thực chất chỉ là đánh bùn sang ao", đại biểu Đỗ Văn Sinh phát biểu.
Tính đến 31/12/2016, nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu chiếm trên 10% tổng dư nợ cho vay, nếu so với GDP thì bằng khoảng 18% GDP. Vì mô hình tăng trưởng kinh tế chúng ta chủ yếu dựa vào nguồn vốn ngân hàng cung ứng vì vậy Quốc hội ban hành Nghị quyết là hết sức cần thiết kịp thời phá tan khối nợ xấu. Mặt khác, các TCTD sẽ giảm trích lập dự phòng, có điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế.
Thêm nữa, nếu Quốc hội chỉ cho phép nợ xấu xử lý đến 31/12/2016 thì giá trị và hiệu quả của Nghị quyết sẽ bị hạn chế. Mục tiêu tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% là rất khó khả thi. Bởi vì, theo đà tăng trưởng tín dụng hàng năm khoảng 15-18%, nợ xấu phát sinh 1,3% trong khoảng 5 năm tới tỷ lệ nợ xấu sẽ khoảng 7,15%. Số nợ xấu đó không được áp dụng các quy định trong Nghị quyết để xử lý kịp thời thì đến tháng 7/2022 lại xuất hiện một đống nợ xấu to hơn hiện nay.
"Vì vậy tôi đồng tình việc cho phép xử lý các khoản nợ xấu đã và sẽ xảy ra đến hết thời hạn hiệu lực của Nghị quyết trong vòng 5 năm", đại biểu nêu quan điểm.
Ngoài ra, đại biểu Sinh đề nghị cho phép các TCTD được quyền thu giữ TSBĐ nhưng không được phép chuyển giao quyền hành cho các tổ chức, cá nhân khác bởi trong trường hợp các TCTD ký hợp đồng với các tổ chức thu nợ để họ dùng mọi hình thức thu giữ và siết nợ sẽ xảy ra những hệ lụy không ổn.
Về TSBĐ liên quan nhiều đến BĐS, đề nghị Quốc hội bổ sung giao trách nhiệm cho Bộ xây dựng hướng dẫn, tháo gỡ thủ tục các dự án liên quan đến BĐS.
"Một số ngân hàng đang là con tin của các tập đoàn lớn, đây là một vấn nạn hiện nay vì vậy để phát triển hệ thống chính trị cần chung tay xử lý nợ xấu, đặc biệt không có vùng cấm cho các tổ chức, cá nhân vi phạm, thao túng gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế", đại biểu Sinh nhấn mạnh.