Đại biểu Quốc hội: "Người dân cần phải biết đâu là tài sản công"
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh), việc quản lý các tài sản công hiện nay còn thiếu chặt chẽ do vậy việc ban hành luật quản lý, sử dụng tài sản công là hết sức cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước.
- 28-10-2016Công khai Báo cáo tài chính Nhà nước: Cơ hội giám sát tài sản công?
- 11-10-2016Trục lợi tài sản công
- 11-10-201610 triệu tỷ đồng tài sản công: Quản thế nào?
Bên lề kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14 diễn ra sáng nay (31/10), đại biểu Trần Hoàng Ngân đã có một số chia sẻ với báo chí nhằm làm rõ hơn các nội dung liên quan đến dự thảo luật này.
- Ông có nhận xét gì về luật quản lý, sử dụng tài sản công mà Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Một vấn đề nóng được Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp này liên quan đến việc quản lý tài sản nhà nước hiện sửa đổi lại là quản lý tài sản công.
Như chúng ta biết, việc quản lý các tài sản công hiện nay còn thiếu chặt chẽ, đặc biệt hơn là tính minh bạch các tài sản công. Đôi khi người dân không còn thấy được tài sản đó là của nhà nước hay của tư nhân bởi vì chúng ta xã hội hóa rồi, các cơ quan quản lý tài sản công sử dụng nó để đưa vào dịch vụ, từ đó dẫn tới thất thoát trong việc sử dụng hiệu quả các tài sản này.
Một điểm nữa theo tôi là cần đánh giá một cách cụ thể để thấy được hiệu quả trong việc sử dụng tài sản công đó.
Ví dụ như, trụ sở của một cơ quan Bộ quản lý nhưng trụ sở đó không cần thiết đem cho thuê, trong khi các trường học, các cơ sở giáo dục và cơ sở y tế đang thiếu trụ sở thì chúng ta có thể điều chuyển các cơ sở này về những nơi đang cần để có thể tiết kiệm vì không phải tăng cường đầu tư công cũng như có thêm nguồn phục vụ cho thu ngân sách cũng như chi trả các khoản nợ đến hạn.
Trong bối cảnh nợ công đang tăng cao cộng với áp lực trả nợ hàng năm, đòi hỏi sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, của các đại biểu Quốc hội, của toàn xã hội và các tỉnh thành trong việc quản lý chặt chẽ và sử dụng tài sản công một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất, đây cũng là đòi hỏi được đưa ra trong luật Quản lý, sử dụng tài sản công lần này.
- Ngoài cơ chế chính sách để quản lý chặt tài sản công này, theo ông có cơ chế để xử lý trách nhiệm những người sử dụng tài sản công này không?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Luật đầu tư công có hiệu lực từ năm 2015 cũng đã có những quy định về trách nhiệm của người ra quyết định chủ trương đầu tư, nếu dự án đó không phát huy hiệu quả thì người đó phải chịu trách nhiệm.
Cũng như vậy, để nâng cao hiệu quả sử dụng các tài sản công, điều cần thiết là phải đem các nguồn thu đang phân tán rải rác không hiệu quả đó tập trung vào nguồn ngân sách của nhà nước.
Tuy nhiên, có một điểm tôi thấy là cần thiết trong việc xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập. Đơn cử với một bệnh viện nào đó, nếu chúng ta đẩy họ xã hội hóa và bản thân người giám đốc là bác sỹ thì chắc chắn việc quản trị dự án cũng như vấn đề về kinh doanh sẽ hạn chế hơn vì bác sỹ chỉ giỏi chuyên môn.
Do vậy cần hết sức thận trọng trong việc thúc đẩy quá trình xã hội hóa các lĩnh vực sự nghiệp, khuyến khích nhưng phải có bước đi cụ thể và có chính sách cũng như những tổ hỗ trợ cụ thể để giúp cho việc xã hội hóa thành công mà không đẻ thêm các khoản nợ.
- Vậy theo ông cần có quy định như thế nào để tăng tính minh bạch trong việc quản lý, sử dụng tài sản công hiện nay?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Đúng vậy, vấn đề quản lý tài sản công, tài sản nhà nước phải làm sao để minh bạch, thông qua đó mà cả hệ thống chính trị, người dân, Mặt trận Tổ quốc, Quốc hội có thể giám sát được và nhìn vào tài sản đó có thể biết được đâu là tài sản công.
Để làm được việc này, chúng ta phải niêm yết công khai giúp người dân biết việc sử dụng tài sản đó như thế nào. Cũng như vấn đề chống tham nhũng, chỉ có vấn đề minh bạch mới có thể giải quyết được triệt để.
- Hiện vấn đề nợ của các doanh nghiệp nhà nước rất lớn trong bối cảnh nợ công căng thẳng hiện nay, ông có kiến nghị cụ thể nào không?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Đối với doanh nghiệp nhà nước phải mạnh dạn giải thể, cho phá sản các doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả.
Tiếp đến phải tiến hành thoái vốn, cổ phần hóa các doanh nghiệp mà chúng ta không cần phải nắm giữ vị trí chủ lực, then chốt.
Đặc biệt, chúng ta có thể dùng những chỉ tiêu của thị trường để quản lý doanh nghiệp nhà nước giống như các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp cá thể khác, có như vậy hiệu quả quản lý nhà nước sẽ được nâng lên.
- Xin cảm ơn ông./.
Vietnam+