Đại biểu Quốc hội: “'Người dân mất đất nông nghiệp là mất sinh kế, chỉ đền bù bằng nhà ở là chưa đủ"
Ảnh minh họa.
Đó là phát biểu của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương tại phiên Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 21/6.
- 20-06-2023Phường nhỏ nhất tại Việt Nam có giá nhà đất tới cả tỷ đồng/m2 nhưng vẫn được cho là “giá hữu nghị”
- 20-06-2023Chủ tịch HoREA: “Cần khẳng định nhà ở xã hội không phải nhà rẻ tiền”
- 20-06-2023Thị trường bất động sản đang giống 10 năm trước?
Cụ thể, góp ý về nguyên tắc đền bù, tái định cư đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, theo Tờ trình của Chính phủ, mục 7.1 giải thích về Điều 90 dự thảo Luật về nguyên tắc bồi thường tái định cư đã bỏ nội dung “người dân sau khi đền bù thì có điều kiện cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước”.
Tờ trình giải rằng, việc bỏ nội dung này là do còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo đại biểu, cách giải thích như trên chưa thuyết phục, hiểu chưa đúng tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW. Nghị quyết 18-NQ/TW đã nêu rõ, cuộc sống của người dân được nhận đền bù bằng hoặc tốt hơn trước, không có nghĩa đen là người dân phải có nhà to hơn hay đường vào nhà rộng hơn, hoặc là lương cao hơn,…
Cuộc sống tốt hơn có nhiều chỉ số để đánh giá, một trong phương pháp để đánh giá được vấn đề này là phỏng vấn, ghi nhận ý kiến của người dân. Nếu hiểu theo nghĩa đen thì sẽ bị vướng trong công tác đền bù và có nhiều ý kiến trái chiều, không xác định được như nào là người dân có cuộc sống tốt hơn.
Vị đại biểu cho rằng, do hiểu chưa đúng về vấn đề này nên dẫn tới Điều 95 quy định thu hồi đất nông nghiệp sau đó đền bù bằng nhà ở. Có thể thấy, quy định trong dự thảo mới chỉ quan tâm tới thu nhập cụ thể chứ chưa quan tâm đến cuộc sống, sinh kế của người dân bị ảnh hưởng.
“Người dân mất đất nông nghiệp là mất sinh kế, nếu được đền bù bằng nhà ở thì người ta có thể cho thuê kiếm tiền nhưng công việc hàng ngày thì không có. Thành ra cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng sẽ kém đi, đến một lúc nào đó họ bán nhà đi để lấy tiền tiêu thì cuối cùng sẽ thành vô gia cư”, vị này nói.
Góp ý về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại Chương 7, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, dự thảo Luật đất đai chưa có quy định khái niệm xác định thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất; khái niệm bồi thường chưa chuẩn xác, không có quy định bồi thường thiệt hại về tài sản khác khi Nhà nước thu hồi đất,…
Về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại Điều 86, dự thảo luật bổ sung nguyên tắc chung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thay vì các quy định riêng. Các nguyên tắc cho hoạt động bồi thường, hỗ trợ như nguyên tắc bồi thường về đất, bồi thường về tài sản và nguyên tắc hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất theo Luật Đất đai 2013.
Theo đó, ông Bình đề nghị cần tiếp tục bổ sung việc bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với đất phải theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự để vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân và vừa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự 2015.
Đại biểu cũng đề nghị xem xét bổ sung nguyên tắc tại Điều 86 dự thảo Luật Đất đai về trách nhiệm giải trình đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư.
Nhịp sống thị trường