MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Quốc hội: Phục hồi thị trường trái phiếu và chứng khoán để gỡ “nút thắt” vốn

01-11-2022 - 06:26 AM | Tài chính - ngân hàng

Đánh giá tỷ lệ đòn bẩy tín dụng đã cao, khả năng nới room tín dụng không lớn, đại biểu Quốc hội đề nghị cần sớm có giải pháp phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán, khơi thông vốn.

Phát biểu ý kiến tại diễn đàn Quốc hội chiều 28/10, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đặt vấn đề về một thực tiễn hiện nay: Các doanh nghiệp đang thực sự khát vốn, nỗ lực tăng trưởng kinh tế từ đầu năm đến nay nguy cơ đứt gãy khi tín dụng trên GDP đã cao và Ngân hàng Nhà nước khó nới thêm “room”; cùng lúc, thị trường trái phiếu doanh nghiệp khó khăn, chứng khoán suy giảm khiến các kênh dẫn vốn thêm tắc nghẽn. Trong khi trong dân, tiền nhàn rỗi vẫn còn nhiều. Kênh gửi tiết kiệm chỉ hấp thụ phần nào nguồn vốn trong dân.

Đại biểu Quốc hội: Phục hồi thị trường trái phiếu và chứng khoán để gỡ “nút thắt” vốn - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ, đề nghị các cơ quan nhà nước và các tổ chức có liên quan cần đưa ra những thông điệp và cam kết mạnh mẽ hơn để ổn định tâm lý của nhà đầu tư. (Ảnh: Quochoi.vn)

“Nút thắt” vốn từ nhiều phía

Đặt ra thực tế trên, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng khơi thông dòng vốn để phục hồi và phát triển kinh tế là một trong những điểm nghẽn và là thách thức lớn đặt ra trong tình hình hiện nay, đòi hỏi sớm có những giải pháp tháo gỡ.

Về các cân đối vĩ mô, theo phân tích của đại biểu, thị trường và các doanh nghiệp kỳ vọng ở các động lực hỗ trợ từ Nghị quyết 43 của Quốc hội, diễn biến lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức thấp, chỉ 2,73% trong 9 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ 2021 và triển vọng kiểm soát dưới mốc 4% mà Quốc hội đề ra, tăng trưởng tín dụng năm nay dự kiến cao hơn những năm gần đây theo tính toán dự kiến mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra gần đây.

Song, ngược lại, các kênh dẫn vốn và các thị trường hỗ trợ đã thay đổi nhanh chóng. Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nêu cụ thể: “Trên thực tế, doanh nghiệp đang thực sự khát vốn, nhiều dự án đang bị đình trệ vì không thể tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng. Đại biểu Hùng dẫn thêm thực tế rằng, trong quý 3, dư nợ tín dụng chỉ tăng trưởng trung bình khoảng 0,18-0,2%/tháng (9 tháng tăng 10,27%), đồng thời gói hỗ trợ lãi suất 2% vẫn triển khai chậm khi cung vốn càng trở nên hạn hẹp, khiến nhiều dự án không thể tiếp tục triển khai do thiếu vốn, các cơ hội kinh doanh bị bỏ lỡ.

Vừa qua, một số ý kiến chuyên gia cho rằng NHNN cần xem xét nới thêm room tín dụng cho năm nay. Triển vọng này lại vấp phải những rào cản, như tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đã cao, lên tới 124%, trong khi lạm phát đã và đang leo thang tại các nền kinh tế lớn cũng như gia tăng áp lực đối với lạm phát tại Việt Nam. Theo đó, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nhận định triển vọng nới thêm room tăng trưởng tín dụng năm nay là hết sức khó khăn. Trong khi đó, thị trường chứng khoán và trái phiếu sụt giảm do thiếu niềm tin, chứ không phải các doanh nghiệp hay nền kinh tế có vấn đề.

Kỳ vọng khơi thông kênh trái phiếu

Như trên, kênh tín dụng đã chật hẹp tăng trưởng thêm trong năm nay, chi phí vay vốn đang đứng trước áp lực lãi suất gia tăng, và những yếu tố này có thể làm đứt gãy nỗ lực tăng trưởng kinh tế từ đầu năm.

Đại biểu Quốc hội: Phục hồi thị trường trái phiếu và chứng khoán để gỡ “nút thắt” vốn - Ảnh 2.

Triển vọng nới room tín dụng đang vấp phải những rào cản, như tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đã cao, trong khi lạm phát đã và đang leo thang, nên cần khơi thông nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Doanh nghiệp khát vốn và thiếu vốn, để giải tỏa bớt những áp lực trên, vị đại biểu Quốc hội đến từ đoàn Cần Thơ cho rằng, trước hết các tổ chức tín dụng cần chia sẻ với khó khăn chung của nền kinh tế, chấp nhận thu hẹp biên lãi ròng (NIM) bằng cách nâng cao năng lực quản trị tài chính, đẩy mạnh đầu tư công nghệ thông tin và chuyển đối số, cắt giảm các chi phí trung gian để giữ ổn định lãi suất cho vay và nghiên cứu giảm lãi suất cho vay ở một số lĩnh vực ưu tiên.

Cùng đó, cần tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả các gói về chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, đẩy nhanh hơn tiến độ gói hỗ trợ lãi suất 2%, giúp nguồn vốn từ chương trình này sớm phát huy hiệu quả và giảm thiểu độ trễ.

Đặc biệt, khi tín dụng rất khó nới thêm room như trên, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh cần sớm có giải pháp để phục hồi và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán - kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Theo đánh giá của đại biểu này, Bộ Tài chính đã rất kịp thời ban hành Nghị định số 65 sửa đổi Nghị định số 153 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, các cơ quan nhà nước và các tổ chức có liên quan cần đưa ra những thông điệp và cam kết mạnh mẽ hơn để ổn định tâm lý của nhà đầu tư, tăng cường giám sát để doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết khi huy động vốn và đảm bảo tính khả thi khi thực hiện dự án.

Đại biểu Hùng cũng kiến nghị các cơ quan quản lý cần sớm có giải pháp, cơ chế để bảo vệ các doanh nghiệp hoạt động lành mạnh và làm ăn chân chính, ngăn chặn kịp thời các hành vi lũng đoạn thị trường và các biểu hiện chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền lợi của nhà đầu tư để thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán tiếp tục đóng vai trò là nơi cung ứng ổn định vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp thời gian tới.

Theo M. Lêê

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên