Đại biểu Quốc hội: “Thao túng, làm giá bất động sản nguy hiểm không kém gì hành vi thao túng chứng khoán”
Trong phiên thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), theo đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, hiện nay thao túng trong thị trường kinh doanh bất động sản rất tinh vi, tình trạng bong bóng, giá trên trời so với thực tế.
Theo đại biểu Trịnh Xuân An, tại Luật Nhà ở, Điều 57 quy định về phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, việc bán, cho thuê, mua các loại nhà được quy định trong luật này hoặc Luật Kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản không đề cập đến nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ cho cá nhân. Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, việc cho thuê hoặc kinh doanh cũng cần điều chỉnh trong Luật Kinh doanh bất động sản.
Liên quan đến các điều cấm tại Điều 18 của dự thảo Kinh doanh bất động sản, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị vấn đề này cần tiếp tục được quy định và làm rõ hành vi cấm, thao túng, làm giá đối với thị trường bất động sản.
Vì đại biểu cho rằng, hành vi thao túng trong thị trường bất động sản nguy hiểm không kém gì hành vi thao túng trong thị trường chứng khoán. Hiện nay thao túng trong thị trường kinh doanh bất động sản rất tinh vi, tình trạng bong bóng, giá trên trời so với thực tế. Do đó, đại biểu đề nghị cần cấm hành vi này trong luật và có quy định để loại trừ.
Tham gia ý kiến về dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho biết, về công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh, khoản 1, Điều 6 của dự thảo luật quy định, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải công khai đầy đủ, trung thực và chính xác thông tin quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này trước khi đưa vào kinh doanh trên Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định của Luật này và trang thông tin điện tử của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (nếu có).
Đại biểu cho rằng quy định như vậy chưa chặt chẽ, nếu doanh nghiệp chưa có trang thông tin điện tử thì không cần phải công khai thông tin, trường hợp này dẫn đến không đảm bảo bảo vệ hiệu quả quyền lợi của người dân trong giao dịch. Đại biểu nhấn mạnh cần sửa đổi điều khoản này cho chặt chẽ hơn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dễ dàng với các thông tin cần thiết.
Về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu đề nghị bổ sung quy định cấm hành vi thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản, trong đó có việc cấu kết trong đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá nhằm thổi giá đất ở các khu vực xung quanh. Vì thực tế thời gian qua, hành vi này diễn ra phổ biến, làm giá đất tăng cao, người dân thật sự có nhu cầu về nhà ở, bất động sản không thể mua đất và xây dựng nhà ở.
Ngoài ra, về bảo lãnh trong bán, cho thuê, mua nhà ở hình thành trong tương lai, cần quy định rõ phạm vi bảo lãnh. Khoản 1 Điều 26 hiện đang quy định, nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng mua, thuê mua nhà ở khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo cam kết với khách hàng trong hợp đồng mua, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai bao gồm số tiền chủ đầu tư đã nhận ứng trước từ khách hàng và khoản tiền khác (nếu có) theo thỏa thuận tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai đã ký mà chủ đầu tư có nghĩa vụ phải trả cho khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo cam kết.
Đại biểu đề nghị làm rõ số tiền chủ đầu tư đã nhận ứng trước từ khách hàng là khoản tiền nào, có phải tiền đặt cọc hay không, khoản tiền khác là tiền gì. Đại biểu đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể về nội dung này.
Nhịp sống thị trường