Đại biểu tiếp tục nêu quan điểm không nên để xe ở tầng hầm chung cư
Xe máy có thể chấp nhận được đỗ ở tầng hầm chung cư cao tầng nhưng xe ôtô thì không nên...
Với các chung cư thì khuyến khích có thể xây dựng khu vực đậu đỗ xe riêng, còn cao từ 40 tầng hoặc cao hơn thì không nên đậu xe ở trong tầng hầm.
Đó là quan điểm của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) tại phiên thảo luận sáng 27/11 của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Không cấm ngay mà có lộ trình
Theo đại biểu Phương thì cần bổ sung quy định đảm bảo tuyệt đối công tác phòng cháy, chữa cháy vào điều 4 về nguyên tắc cơ bản của hoạt động đầu tư xây dựng.
Ông Phương đề nghị, các khu chung cư cao tầng hiện đã được phê duyệt, đã được hoàn thiện thì cần rà soát, bổ sung quy định để hạn chế tối đa sự cháy nổ. Còn các dự án mới ra đời sau khi luật có hiệu lực thì tùy theo mức độ công trình, dự án mà khuyến khích các dự án có quy hoạch khu vực đậu đỗ xe riêng.
"Đặc biệt với các khu chung cư cao tầng không quy hoạch đậu đỗ xe ở tầng hầm, lộ trình thực hiện là do Chính phủ quy định", đại biểu Phương nhấn mạnh.
Sau đó, vị đại biểu Quảng Bình lưu ý, quan điểm của ông là khi luật sửa đổi này có hiệu lực thì các dự án chung cư cao tầng được khuyến khích xây dựng khu vực đậu đỗ xe riêng. Còn các khu chung cư cao từ 40 tầng hoặc cao hơn thì không nên đậu xe ở trong tầng hầm.
"Điều này thì khi giám sát về phòng cháy, chữa cháy tôi đã có ý kiến. Có một số báo chí đưa tin rất tốt nhưng cũng có một số báo chí đưa tin là đại biểu Quốc hội cấm đậu đỗ xe ở khu vực tầng hầm. Cho nên có nhiều phản ứng của người dân và tôi cũng bị ném đá về chuyện này", ông Phương chia sẻ.
Đại biểu nói rõ hơn là ông yêu cầu là trong sửa đổi luật thì quan tâm chứ không phải là yêu cầu cấm đỗ xe ở tầng hầm chung cư ngay thời điểm hiện tại.
Về sự cần thiết của quy định này, đại biểu Phương cho rằng, có những người lái xe mới lái, chưa thành thạo nên gây va chạm và các sự cố cháy nổ trên đường giao thông như thế nào thì dưới tầng hầm cũng có thể xảy ra như thế. Vì vậy, xe máy có thể chấp nhận được đỗ ở tầng hầm nhưng xe ôtô thì không nên.
Cũng tham gia về quy định phòng cháy, chữa cháy, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM) cho rằng vấn đề quan trọng là phải quy định một cách nghiêm khắc các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy và phải được tiền kiểm, hậu kiểm chu đáo.
Còn chuyện bãi đậu xe ở đâu là yếu tố đi theo. Bởi vì ở nhiều nước có thể có những thành phố sâu xuống đất mấy chục mét hoặc có nhiều bãi đậu xe nằm ở trên nóc chứ không phải nằm ở dưới hầm cho nên chuyện bãi đậu xe để đâu để phục vụ cho cư dân là do điều kiện cụ thể, làm ở chỗ nào thì chỉ cần công bố cho công dân biết.
Ông Nghĩa cho rằng không nên gắn bãi đậu xe với điều kiện phòng cháy, chữa cháy, chỉ yêu cầu phải bảo đảm phòng cháy, chữa cháy, nếu không được thì không cho xây dựng, không cho triển khai dự án.
Chuyển hẳn việc cấp phép cho địa phương
Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh một số điểm mới của lần sửa đổi này.
Như, việc thực hiện đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính cũng đã được thể hiện thông qua việc tích hợp một số nội dung của thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở với việc cấp phép xây dựng, đã giảm tổng thời gian thẩm định, cấp phép xây dựng công trình từ 70 ngày giảm xuống còn 20 ngày đối với công trình cấp 1 và từ 60 ngày xuống còn 20 ngày đối với công trình cấp 2, cấp 3.
Việc cấp phép xây dựng tất cả các công trình xây dựng đều đã được phân cấp cho địa phương, tức là các bộ không cấp bất cứ giấy phép xây dựng nào, Bộ trưởng Hà cho biết.
Về ý kiến hồ sơ đưa về Cục Quản lý hoạt động xây dựng của Bộ Xây dựng thẩm định quá nhiều, ông Hà nói nghị định số 42 sửa đổi một số nội dung của nghị định số 59 hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng năm 2014 đã thể hiện tính phân cấp rất rõ và sau đó đã giảm khoảng 30% tới 40% hồ sơ chuyển về Cục này thẩm định.
Bộ trưởng thông tin thêm là khoảng tháng 12 sẽ sửa đổi, ban hành thông tư về phân cấp công trình xây dựng. Theo phân cấp này, một số công trình trước đây là cấp 1 thì bây giờ sẽ là cấp 2 và như thế là tăng cường phân cấp cho địa phương. Khi đó số lượng hồ sơ mang về Cục Quản lý hoạt động xây dựng của Bộ Xây dựng thẩm định sẽ giảm 70% so với trước đây.
"Chúng tôi cũng nhận định tuy không thực hiện trực tiếp một số việc thẩm định nhưng cũng phải tăng cường công tác quản lý về hoạt động xây dựng cơ bản, đó là chức năng chính của các cơ quan nhà nước", Bộ trưởng phát biểu.
Hồi âm một số ý kiến còn băn khoăn về việc hiện nay vẫn đang thực hiện đồng thời song song hai thủ tục là thẩm định thiết kế và cấp phép, Bộ trưởng nêu rõ quan điểm sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm sao để đơn giản nhất, thuận tiện nhất cho các tổ chức, người dân, doanh nghiệp, nhưng đồng thời phải bảo đảm yêu cầu chặt chẽ về quản lý chất lượng xây dựng công trình.
Theo hướng này và ở mức độ nghiên cứu bây giờ, trong dự thảo luật đã có đề xuất về việc tích hợp một số nội dung ở trong công tác cấp phép thẩm định để giảm thời gian và thủ tục, Bộ trưởng cho biết.
Vneconomy