Đại biểu tỉnh Quảng Bình: Formosa, đến nay chưa có ai nhận trách nhiệm!
“Đến nay chưa ai đứng ra nhận trách nhiệm cho việc xả thải trái phép của Formosa hoặc chúng ta chưa chỉ ra ai là người chịu trách nhiệm”.
- 27-10-2016Bộ Công Thương đề nghị hải quan cho Formosa nhập khẩu than
- 23-10-2016Những ngư dân đầu tiên nhận bồi thường của Formosa do sự cố môi trường biển
- 21-10-2016Đề nghị sớm hoàn thiện thủ tục hải quan nhập khẩu than của Formosa
- 13-10-2016Giàn cẩu Formosa mắc kẹt ở Hòn La sẽ được đưa về Trung Quốc
Đây là những chia sẻ của đại biểu Trần Công Thuật của tỉnh Quảng Bình tại nghị trường sáng nay (2/11).
Là đại diện của một tỉnh miền Trung chịu nhiều thiệt hại sau sự cố ô nhiễm môi trường do Formosa gây nên, ông Thuật đã mang nhiều tâm tư của cử tri tỉnh nhà đến cuộc họp.
“Hành động của Formosa đã huỷ hoại nghiêm trọng đến sự sống của biển miền Trung. Đời sống, an ninh, trật tự của người dân đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đấy là hành vi vi phạm luật hình sự nhưng lại đang được xem xét xử phạt hành chính, bồi thường kinh tế...”, ông Thuật cho hay.
Đối với số tiền 500 triệu USD được bồi thường, đại diện cho cử tri tỉnh, ông đặt ra câu hỏi đấy là khoản tiền dựa trên thiệt hại thực tế hay nhờ đàm phán thoả thuận mà có. Và nếu số tiền ấy không đủ thì ai sẽ đứng ra bù đắp hay người dân và địa phương phải tự khắc phục.
Vấn đề thứ 2 ông chỉ ra là trách nhiệm thuộc về ai. Bởi theo ông, cho đến thời điểm hiện tại chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm cho việc xả thải trái phép của công ty này, cũng như chưa chỉ ra ai là người chịu trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước.
“Có 58 lỗi kỹ thuật biểu hiện của sự gian dối ở đây”, vị đại biểu Quốc hội này nhấn mạnh từng từ.
Do đó, ông đề xuất nhất định phải làm rõ những vấn để liên quan đến Formosa, “phải minh bạch, nghiêm túc, nếu chúng ta không xem xét xử lý một cách rốt ráo thì ai sẽ trả lời?”, ông đặt ra vấn đề.
Vấn đề thứ 3 được cử tri rất quan tâm, muốn biết là nhà máy xả thải hoạt động như thế nào, các chất thải lỏng hoặc rắn được xử lý ra sao. “Cần phải rõ ràng, có cơ sở khoa học cũng như trách nhiệm cao của các cơ quan nhà nước.”, ông nói.
Ngoài ra, việc Formosa cam kết không tái phạm theo ông Thuật cũng phải làm rõ là tái phạm như thế nào, mức độ vi ra sao. Lấy ví dụ về vụ việc chôn chất thải rắn của Formosa, ông đề nghị phải xem xét đấy có phải là tái phạm không. Còn quan điểm của cử tri là nếu chưa khắc phục hậu quả cũng như không thực hiện cam kết thì “kiên quyết không cho Formosa hoạt động”.
“Tâm tư và nguyện vọng của cử tri rất đáng quan tâm, chúng ta không thể làm ngơ, không thể không hiểu cho sự lo lắng của hàng vạn đồng bào, nhất là những người dân ven biển hay những doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực này”, vị đại biểu đến từ miền Trung tha thiết.
Mặc dù đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc tính toán, đền bù cho hơn 7.000 đối tượng nhưng ông Thuật vẫn đề nghị mở rộng thêm các đối tượng được đền bù như là những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi “sự cố này đã làm tan nát, điêu đứng ngành du lịch”; “Bà con cũng cần được cân nhắc, tính toán cho thoả đáng hơn, để đỡ thiệt thòi”, ông nói.
Bởi lẽ, theo ông, nếu chỉ nghĩ là bồi thường cộng thêm vài biện pháp khắc phục thì đấy là sự suy nghĩ chưa thấu đáo. “Cả một nền kinh tế suy kiệt, huỷ hoại, không thể khắc phục trong một sớm, một chiều”, ông nhấn mạnh.
Mặt khác, ông cũng thể hiện sự phản đối mạnh mẽ đối với những đối tượng cố tình lợi dụng sự cố Formosa để làm phức tạp thêm tình hình, gây rối, ảnh hưởng an ninh trật tự.