Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Hai khu đất cạnh nhau nhưng đền bù chênh lệch rất lớn
Đó là bất cập được đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân nêu ra khi thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
- 15-09-2022Vướng đền bù cho chủ đất, một dự án bất động sản "đứng hình" 20 năm
- 22-08-2022TPHCM đền bù gần 1 tỷ đồng/m2 khi thu hồi đất
- 15-05-2022Hà Nội: Đất nhiều gia đình ở khi thu hồi sẽ đền bù mỗi hộ một suất tái định cư
Ngày 3-11, tiếp tục kỳ họp thứ 4, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tại tổ TP HCM, có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật.
Góp ý về quy định hội đồng thẩm định giá đất, đại biểu Tô Thị Bích Châu cho biết Điều 166 tại dự thảo luật đã quy định UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng thẩm định bảng giá đất bao gồm nhiều thành phần, trong đó có tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất, chuyên gia về giá đất và các thành viên khác do UBND cấp tỉnh quyết định.
Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu
Tuy nhiên, theo đại biểu Tô Thị Bích Châu, cơ quan soạn thảo cần quy định rõ như thế nào là chuyên gia về giá đất, bởi không phải ai cũng làm chuyên gia được. "Cần có tiêu chí, điều kiện cụ thể để xác định chuyên gia về giá đất, bảo bảo sự nghiêm minh, đúng đắn khi triển khai thẩm định giá"- bà Châu nói.
Phát biểu thảo luận sau đó, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Đất đai là rất cần thiết. Theo ông Hoàng, những bất cập trong lĩnh vực đất đai trên thực tế đã rất rõ. "Cán bộ chúng ta bị xử lý kỷ luật cũng vì đất đai, người dân bất an cũng vì đất đai, điểm nghẽn không thể phát triển được cũng vì đất đai"- vị đại biểu nhấn mạnh.
Về vấn đề chung của dự thảo Luật, đại biểu đoàn TP HCM cho rằng quá trình sửa đổi phải thể hiện được quyền và nghĩa vụ của công dân với đất đai, đặc biệt là quyền lợi của người dân với đất đai, cần ứng xử như thế nào trong dự thảo để phù hợp nhất.
Đối với Điều 86 quy định về việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng cho rằng dự thảo luật chỉ mới liệt kê, mà chưa làm rõ được thế nào là vì lợi ích quốc gia, cộng đồng. Với những quy định chưa rõ ràng đó, đại biểu lo ngại khó triển khai trên thực tế, khó đảm bảo thu hồi đất đúng mục đích.
Cũng theo đại biểu Hoàng, tại dự thảo Luật có tới trên 80 điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Trong dự thảo luật mà có số lượng lớn cần phải quy định chi tiết như vậy có thể dẫn đến "va chạm" quyền lợi giữa người dân, doanh nghiệp, nhà nước. Do đó, cơ quan soạn thảo cần xem xét để quy định chi tiết hơn trong dự thảo luật.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân
Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) đánh giá cao ban soạn thảo thời gian qua đã tổ chức nhiều phiên thảo luận, hội thảo ở nhiều địa phương trong quá trình xây dựng dự thảo. Ông Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo cần tổ chức thêm các cuộc tiếp xúc với người dân thông qua mặt trận tổ quốc để ghi nhận thêm ý kiến về đất đai từ thực tiễn.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng bày tỏ băn khoăn về quy định thu hồi đất trong dự thảo luật và đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí đối với từng trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Theo ông Ngân, việc thu hồi đất trên thực tế vừa qua đã gây bức xúc trong người dân liên quan đến vấn đề giá bồi thường.
Ông Trần Hoàng Ngân dẫn chứng một khu đất của người dân quy hoạch làm công viên, thì chúng ta thu hồi đất, đến bù với giá thấp hơn. Trong khi đó, một khu đất kế bên được quy hoạch sử dụng cho mục đích xây dựng nhà ở thương mại, thì đền bù mức giá cao hơn.
"Hai khu đất gần nhau, nhưng quy hoạch mục đích sử dụng khác nhau, có mức giá đền bù chênh lệch rất lớn, thiệt cho người dân có đất"- ông Trần Hoàng Ngân nói và đề xuất có thể đưa ra một mặt bằng giá để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Người lao động