MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu: Việc bảo lãnh tín dụng DNNVV không có gì ưu đãi mà còn phức tạp, mất thời gian hơn

23-05-2017 - 15:47 PM | Tài chính - ngân hàng

Việc bảo lãnh tín dụng cho DNNVV dựa trên tài sản đảm bảo, chứng từ có giá, phương án SXKD khả thi, cũng cần xem lại vì không có gì ưu đãi hay thuận lợi thậm chí còn phức tạp hơn bởi lẽ còn thêm thủ tục, thêm thời gian, không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được không nhanh chóng bằng việc vay vốn trực tiếp từ các TCTD.

Một số ý kiến cho rằng cần có cơ chế mạnh hơn để DNNVV tiếp cận được nguồn vốn tín dụng vì nội dung dự thảo Luật còn chung chung, chưa khuyến khích được các tổ chức tín dụng cho vay vốn, khó khả thi trong thực tế.

Trước vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết Dự thảo Luật đã tiếp thu bỏ các quy định mang tính áp đặt, can thiệp trực tiếp đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, không phù hợp nguyên tắc thị trường, cụ thể là bỏ quy định về cung cấp khoản vay với lãi suất và thời hạn vay vốn phù hợp với khả năng thanh toán của DNNVV và tình hình tài chính của ngân hàng; điều chỉnh quy định trong từng thời kỳ, Chính phủ sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện cấp bù lãi suất để hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Dự thảo Luật quy định: Trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định chính sách hỗ trợ các tổ chức tín dụng tăng cho vay đối với DNNVV; bổ sung quy định các tổ chức tín dụng cho vay đối với DNNVV dựa trên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và biện pháp phù hợp khác. Bên cạnh đó, dự thảo Luật bổ sung quy định khuyến khích thành lập các tổ chức tư vấn độc lập để xếp hạng tín nhiệm DNNVV.

Để từng bước hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, dự thảo Luật đã bổ sung giao trách nhiệm cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng hệ thống thông tin phục vụ xếp hạng tín nhiệm DNNVV.

Đồng thời, trên thực tế DNNVV thường khó tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng vì năng lực quản trị hạn chế; tài sản bảo đảm ít, phương án, dự án kinh doanh, vay vốn xây dựng không bài bản; hệ thống sổ sách tài chính, kế toán thiếu minh bạch; tiềm lực tài chính yếu; dễ bị rủi ro. Do vậy, bổ sung quy định DNNVV được hỗ trợ nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng thông qua các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ DNNVV để xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp để nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng.

Đại biểu Hà Sĩ Đồng (đoàn Quảng Trị) nhận định nội dung việc hỗ trợ tiếp cận tín dụng quy định tại Dự thảo còn chung chung.

"Ví dụ, DNNVV được hỗ trợ nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng thông qua các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ DNNVV để xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp để nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng; các quy định này rất khó xác định cụ thể DNNVV được hỗ trợ như thế nào và ra sao, đơn vị nào hỗ trợ, do đó tôi đề nghị đưa ra xem xét tiêu chí cụ thể hơn, khả thi hơn, áp dụng được trên thực tế", ông Đồng nêu ý kiến.

Thêm nữa, đối với DN bảo lãnh tín dụng cho DNNVV dựa trên tài sản đảm bảo (TSĐB), chứng từ có giá, phương án SXKD khả thi, cũng cần xem lại. Theo đó, việc bảo lãnh tín dụng DNNVV, dựa trên chính sách hỗ trợ, không có gì ưu đãi, ưu việt hay thuận lợi cho DNNVV thậm chí còn phức tạp hơn bởi lẽ còn thêm thủ tục, thêm thời gian, không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được không nhanh chóng bằng việc vay vốn trực tiếp từ các TCTD, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bỏ bớt các điều kiện như điều kiện về TSĐB, bởi theo quy định của pháp luật thậm chí các TCTD cấp tín dụng không bắt buộc trường hợp cho vay có TSBĐ.

Mai Ngọc - Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên