MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Vũ Tiến Lộc: Nhiều đô thị lớn vẫn “ôm vào mình” những ngành giá trị gia tăng thấp, dùng nhiều lao động

Đại biểu Vũ Tiến Lộc: Nhiều đô thị lớn vẫn “ôm vào mình” những ngành giá trị gia tăng thấp, dùng nhiều lao động

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, cần phát triển kinh tế một cách cân bằng, an toàn, hiệu quả, để người dân không phải ly hương, mà có thể ly nông vẫn có việc làm, làm giàu trên quê hương mình.

Ý kiến trên được đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (đoàn đại biểu TP.Hà Nội) nêu ra trong phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 diễn ra sáng 8/11.

"Người dân không phải ly hương mà có thể ly nông"

Đưa ra góc nhìn về vấn đề phân bố kinh tế rút ra từ đại dịch COVID-19, đại biểu Vũ Tiến Lộc bày tỏ, không phủ nhận vai trò của các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM và các khu công nghiệp tại Đông Nam bộ trong việc thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong những năm qua

Tuy nhiên, ông cho rằng các đô thị lớn vẫn "ôm vào mình" các ngành công nghiệp mà chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều lao động thủ công.

"Điều này một mặt sẽ tiếp tục gây quá tải cho các đô thị trung tâm. Mặt khác, lại chèn lấn, thu hút đầu tư phát triển của các địa phương khác đang nghèo hơn và chủ yếu mưu sinh bằng nông nghiệp", ông Lộc nói.

Ngoài ra, theo ông mô hình này cũng không đảm bảo sự phát triển bền vững, bao trùm và khó khả năng chống chịu trước những biến cố sẽ xảy ra trong tương lai.

Do đó, ông Lộc đề xuất cần xây dựng nhiều trung tâm, chuỗi đô thị tại các vùng kinh tế khác nhau, để tạo ra nhiều cực tăng trưởng mới, chia lửa cho Thủ đô Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Từ đó, có thể lan tỏa sự phát triển đến các vùng nông thôn và các tỉnh, thành phố khác để chúng ta có thể phát triển một nền kinh tế cân bằng, an toàn, hiệu quả, để người dân không phải ly hương mà có thể ly nông, có việc làm, làm giàu trên quê hương mình.

Cũng theo ông Lộc, để thúc đẩy quá trình tái khởi động và phục hồi nền kinh tế trong hai năm tới, bên cạnh các chính sách về tài khóa, tiền tệ, về an sinh xã hội, Chính phủ cần áp dụng một giải pháp phi tài chính như các cơ chế về các thủ tục đặc thù để thúc đẩy cho sản xuất kinh doanh, đầu tư toàn xã hội.

Đặc biệt là rút gọn các thủ tục quản trị rủi ro, chuyển sang hậu kiểm, hạn chế thanh, kiểm tra; không ban hành thêm bất cứ một chính sách nào có thể làm phát sinh các thủ tục và chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Trong bối cảnh, cảnh báo về tình trạng áp lực lạm phát và nợ xấu đang gia tăng khiến dư địa chính sách tiền tệ là không còn nhiều, ông Lộc cho rằng, biện pháp tiếp máu cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay chỉ có thể là sự cộng hưởng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trong đó chính sách tài khóa phải đóng vai trò chủ đạo.

Về phân bổ đầu tư công, đại biểu Vũ Tiến Lộc bày tỏ lo ngại, mặc dù nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng là rất lớn và rất cấp thiết, nhưng việc phân bố dàn trải cũng như quyết tâm đẩy nhanh giải ngân bằng mọi giá có thể dẫn tới hệ lụy là dòng vốn đầu tư sẽ chảy vào những dự án kém hiệu quả.

Ông đề xuất nên dồn vốn cho dự án trọng điểm quốc gia, có sự giám sát của Quốc hội. Phần còn lại đề nghị dành cho bổ sung vào quỹ hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế và đề nghị thúc đẩy hình thức đối tác công tư nhà nước.

Ngoài ra, ông Lộc cho rằng nhiệm vụ trọng tâm lúc này là phải tiếp tục đẩy mạnh các cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để phát huy được sức mạnh toàn dân để nền kinh tế nước ta không lỡ nhịp với thế giới.

“Chính niềm tin vào những cải cách thể chế mạnh mẽ và thực chất chứ không phải là các gói hỗ trợ về tiền bạc sẽ định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam", ông Lộc nhấn mạnh.

Cần quan tâm hơn đến hậu quả về mặt tâm lý với người lao động

Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho rằng để phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, cần đặc biệt quan tâm tới công nhân lao động, tạo động lực cho người lao động quay trở lại làm việc.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc: Nhiều đô thị lớn vẫn “ôm vào mình” những ngành giá trị gia tăng thấp, dùng nhiều lao động - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) - Ảnh: VGP

Theo ông Khải, giai đoạn giãn cách vừa qua, "chúng ta quan tâm nhiều tác động về khía cạnh kinh tế nhưng hậu quả về mặt tâm lý cũng là vấn đề nghiêm trọng". Lực lượng lao động bị sang chấn tinh thần là điều chưa từng xảy ra và sẽ để lại di chứng lâu dài, cần nhiều thời gian để khắc phục.

"Với lao động đã về quê, động lực lớn nhất để họ quay trở lại nơi làm việc là khả năng tìm được công việc bằng hoặc tốt hơn trước đây trong môi trường an toàn", ông nói.

"Đây là thời điểm người lao động là động lực tăng trưởng, bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là đóng góp vào động lực tăng trưởng của đất nước", ông nhấn mạnh và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc thông qua việc đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động; kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn...

Cùng với đó, cần triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cũng như một số các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn về bảo vệ sức khỏe phù hợp, giúp tạo tâm lý yên tâm quay trở lại làm việc cho người lao động.

Bên cạnh đó, ông Khải cho rằng Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa để đảm bảo nhà ở cho người dân, đặc biệt là người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu; đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp.

"Chính phủ có thể phải cân nhắc đến việc bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường để giải quyết các tình huống bất thường. Lúc này hỗ trợ người lao động cũng chính là giúp cho động lực tăng trưởng của đất nước", ông Khải nói.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) nhắc đến thực trạng hai năm qua số lượng lao động thiếu việc làm rất lớn, do vậy Chính phủ đẩy nhanh tiêm chủng cho người dân, có gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa hình thức trợ cấp để ổn định an sinh xã hội.

"Cần giải quyết việc làm cho người lao động về quê trong đợt dịch muốn bám trụ tại quê nhà", bà Tâm nói.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, đại dịch COVID-19 đã tác động đến 9,1 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 1/2021 tăng dần lên 12,2 triệu người trong quý 2/2021 và tính riêng trong quý 3/2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người chịu ảnh hưởng.

Trong tổng số hơn 28,2 triệu người bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19, có 4,7 triệu người bị mất việc, chiếm 16,5%; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 51,1%; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 42,7% và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 67,2%.

Tiền lương thu nhập giảm, lương bình quân của người lao động giảm còn 5,2 triệu đồng/lao động, đã giảm 877.000 đồng so với quý 2/2021 và giảm 603.000 so với 2020. Tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, tỷ lệ thiếu việc làm trong quý 3 là 4,46%, tương đương hơn 1,8 triệu người tăng 1,86% so với quý trước.

Trên phạm vi toàn quốc, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 3/2021 là hơn 1,7 triệu người, tăng 532.200 người so với quý trước và tăng 449.600 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 3 là 3,98%, tăng 1,36% so với quý trước và tăng 1,25% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 5,54%.

Trong quý 3, có sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, về các tỉnh, lao động giảm làm lượng lao động bị dịch chuyển từ các vùng bị hạn chế đã làm cho thị trường lao động bị chia cắt cục bộ, gây ra nguy cơ thiếu lao động ở một số vùng, ngành, lĩnh vực.

Theo Hoàng Hà

BizLive

Trở lên trên