Đại dịch Covid-19 đã khiến nguồn cầu BĐS công nghiệp Việt Nam tăng đột biến
Tính đến hết năm 2019, Việt Nam có khoảng 326 khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập, với tỉ lệ lập đầy đạt 70% - 80%. Nguồn cầu này tăng đặc biệt khi có đại dịch Covid-19 xuất hiện và Trung Quốc là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nguồn cầu trong thị trường bất động sản công nghiệp luôn ở mức cao kể từ cuối năm 2019 và đang trở nên sôi động trong thời điểm hiện tại với sự tham gia của các nhà đầu tư trong khu vực và quốc tế. Việt Nam được đánh giá là sự lựa chọn lý tưởng so với các quốc gia khác trong khu vực nhờ chi phí ở mức hấp dẫn, cùng với sự phát triển của cơ sở hạ tầng và các chính sách hỗ trợ đến từ Chính phủ.
Tính đến hết năm 2019, Việt Nam có khoảng 326 khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập, với tỉ lệ lập đầy đạt 70% - 80%. Thị trường trong nước cũng chứng kiến nguồn cầu gia tăng do các tập đoàn đa quốc gia có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh ra bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc và chọn Việt Nam là điểm đến thay thế. Nguồn cầu này tăng đặc biệt khi có đại dịch Covid-19 xuất hiện và Trung Quốc là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Năm 2020, thị trường bất động sản công nghiệp được đánh giá là phân khúc có nhiều lợi thế khi nền kinh tế phát triển ổn định, Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại, và sự xuất hiện liên tục của các chính sách hỗ trợ như miễn giảm, ưu đãi thuế của Chính phủ đối với các nhà đầu tư.
Mới đây, trong khuôn khổ Diễn đàn Bất động sản Công nghiệp Việt Nam 2020 (Hà Nội), nhận định về sự phát triển của thị trường, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết: "Có thể nói, nguồn cầu về bất động sản công nghiệp vẫn luôn có, nhưng dịch Covid-19 và việc kiểm soát dịch bệnh thành công của Việt Nam là lực kéo quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại vào Việt Nam đồng thời thúc đẩy nhà đầu tư chuyển hướng mạnh vào thị trường trong nước. Đây cũng là một trong số các lý do khiến Diễn đàn Bất động sản Công nghiệp 2020 năm nay có lượng người tham dự lớn".
"Các nhà đầu tư trong khu vực đang rất muốn gia nhập vào thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. Chúng tôi đang làm việc với một số nhà đầu tư đến từ châu Á - Thái Bình Dương, Úc, Anh và Mỹ. Savills đang liên tục mở rộng danh mục khách hàng Việt Nam và quỹ đất. Sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư khu vực và quốc tế đã khẳng định tốc độ phát triển mạnh mẽ của thị trường Việt Nam không chỉ tại lĩnh vực bất động sản công nghiệp, mà ở trong các những lĩnh vực khác có liên quan", ông Powell nhấn mạnh.
Nhu cầu của nhà đầu tư trong thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đang phụ thuộc phần lớn vào cấu trúc và ngân sách của từng doanh nghiệp. Việt Nam đang chứng kiến nguồn cầu bứt tốc ở chuỗi giá trị; theo đó cũng dẫn đến những yêu cầu đòi hỏi hơn với công nghệ cao và chất lượng sản phẩm. Cũng có không ít có nhà đầu tư coi trọng kết nối giữa bất động sản công nghiệp đến các cảng chính và trình độ cơ sở hạ tầng tại địa phương. Đáng chú ý, lực lượng lao động có chất lượng với chi phí hợp lý là yếu tố rất cần được tính đến.
Theo ông Powell, khoảng mười năm trước, ngành may mặc hiện diện phần lớn ở khu vực miền Bắc Việt Nam, nhưng hiện nay lĩnh vực này lại tập trung nhiều ở miền Trung vì thị trường may mặc công nghiệp hiện đang phát triển bứt tốc tại khu vực này. Việt Nam là một lựa chọn hợp lý nhất so với các quốc gia khác trong khu vực. Chi phí đang ở mức rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, cùng với sự thuận tiện của cơ sở hạ tầng và sự hỗ trợ lý tưởng đến từ Chính phủ.
Cùng quan điểm này, ông John Campbell, Trưởng bộ phận Bất động sản Công nghiệp, Savills Việt Nam cho biết: "Có không ít các công ty Mỹ và Nhật Bản dần rời khỏi thị trường Trung Quốc, và Việt Nam được cho là lựa chọn hàng đầu thay thế cho sự chuyển đổi này".
"Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng Việt Nam là sự lựa chọn hợp lý và rõ ràng nhất ở khu vực Đông Nam Á. Song, có một số yếu tố trong lĩnh vực công nghiệp cần được nâng cấp và cải thiện, như cơ sở hạ tầng, hậu cần, giá đất. Giá đất cũng đã và đang tăng nhanh trong vài năm qua do nhiều quốc gia quyết định chuyển hướng vào thị trường Việt Nam. Đang có không ít các chủ đầu tư nỗ lực chuyển đổi đất nông nghiệp sang sử dụng cho công nghiệp, giúp tăng quỹ đất hiện tại và nguồn cung thứ cấp nói chung. Chúng ta có thể kỳ vọng vào các nguồn cung mới đến từ các vùng trọng điểm ở miền Bắc như Bắc Ninh, và ở miền Nam như Bình Dương và Đồng Nai".
Việt Nam được đánh giá cao nhờ sở hữu những nền tảng tốt cho thị trường bất động sản công nghiệp, vì vậy một trong những việc cần thiết ở thời điểm hiện tại là thúc đẩy quảng bá về đất nước và tăng tính khác biệt của thị trường trong nước so với nước ngoài. Việt Nam cũng đang sở hữu một khung pháp lý hoàn thiện và các dự án bất động sản có chất lượng tốt, đây chính là lý do để nguồn cầu liên tục tăng mạnh trong khoảng thời gian vừa qua và thị trường bất động sản công nghiệp hứa hẹn còn tăng trưởng khởi sắc trong thời gian tới.