MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại dịch Covid-19 đang khiến cho dự trữ ngoại tệ các nước mới nổi giảm nhanh chóng

29-06-2020 - 07:17 AM | Tài chính - ngân hàng

Tại 32 nền kinh tế mới nổi không tính Trung Quốc, dự trữ ngoại hối giảm 50 tỷ USD trong tháng 4/2020.

Đại dịch Covid-19 đe dọa khiến cho dòng vốn rời khỏi nhóm các nước mới nổi. Xuất khẩu suy giảm và việc không có khách du lịch tiềm ẩn rủi ro khiến cho dự trữ ngoại tệ sụt giảm.

Trong khi đó, các đồng tiền địa phương sụt giảm mạnh về giá trị không khỏi khiến cho việc hoàn thành các nghĩa vụ nợ nước ngoài ngày một khó khăn hơn.

Theo Nikkei, ảnh hưởng của nhiều yếu tố tiêu cực đã khiến cho thị trường tài chính phải theo dõi chặt chẽ xem liệu nhóm các nền kinh tế một thời từng tăng trưởng nhanh có thể đương đầu được với khoảng thời gian tăng trưởng suy giảm kéo dài.

Nhóm các nền kinh tế mới nổi đang thu về ít ngoại tệ hơn rất nhiều trong năm nay. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), thâm hụt tài khoản vãng lai trung bình của 141 nước mới nổi, không tính Trung Quốc, dự kiến khoảng 2% GDP.

Dự trữ ngoại hối, dự trữ giúp đảm bảo cho khả năng trả nợ của một nước, hiện đang giảm nhanh trong nhóm nền kinh tế đang phát triển. Khoảng 60% dự trữ này được thực hiện bằng đồng USD.

Tại 32 nền kinh tế mới nổi không tính Trung Quốc, dự trữ ngoại hối giảm 50 tỷ USD trong tháng 4/2020, hiện dự trữ thấp hơn nhiều so với mốc 2,8 nghìn tỷ USD ở thời điểm cuối năm ngoái.

Tình trạng này đã đảo ngược xu thế tăng dự trữ ngoại tệ trong những năm gần đây. Tăng trưởng kinh tế tại nhóm nước mới nổi đã giúp dự trữ ngoại hối các nước này tăng khoảng 10%/năm.

Tuy nhiên trong năm nay, tính theo năm, dự trữ ngoại hối của các nước mới nổi ước tính có thể giảm đến 150 tỷ USD và như vậy ghi nhận mức suy giảm sâu nhất trong 2 thập kỷ qua.

Theo kết quả khảo sát của Bloomberg thực hiện với nhóm nước mới nổi, với khoảng 32 nước được khảo sát, 20 nước công bố dự trữ ngoại tệ giảm. Dự trữ ngoại tệ tại Thổ Nhĩ Kỳ giảm sâu nhất, mức giảm lên đến 27 tỷ USD.

Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ, trong nỗ lực bảo vệ đồng lira, đã có động thái vay ngoại tệ của các ngân hàng địa phương. Dự trữ ngoại tệ của Thổ Nhĩ Kỳ hiện ở mức khoảng 50 tỷ USD, thấp hơn mức nợ ngắn hạn bên ngoài và đang ở ngưỡng không ổn định.

Dự trữ ngoại tệ của Indonesia giảm sâu trong tháng 2 và tháng 3/2020 khi mà Ngân hàng Trung ương nhiều nước can thiệp vào thị trường nhằm ngăn sự suy giảm của đồng rupiah so với đồng USD. Khả năng cạn dự trữ ngoại tệ, đặc biệt hết USD, đã khiến cho chính phủ và Ngân hàng Trung ương buộc phải can thiệp.

Ngành du lịch đóng cửa đã lấy đi nguồn cung ngoại tệ quý giá của nhóm nước mới nổi. Bộ trưởng Phát triển Indonesia, ông Suharso Monoarfa, trong cuộc điều trần trước nghị viện Indonesia cho biết nguồn thu lợi nhuận từ du lịch sẽ giảm xuống ngưỡng từ 3,3 tỷ USD đến 4,9 tỷ USD trong năm nay, giảm rất nhiều so với ngưỡng 19,7 tỷ USD vào năm 2019.

Theo Trung Mến

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên