Đại dịch Covid-19 kéo theo tâm lý khủng hoảng, bỏ cuộc của nhiều cá nhân, đơn vị môi giới
Từ đầu năm 2021 đến nay, đại dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề chưa từng có trong lịch sử. Đặc biệt, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã khiến hàng loạt sàn giao dịch đóng cửa, phá sản.
Ngay từ khi đợt dịch đầu tiên diễn ra, nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản Việt Nam đã lập tức hứng chịu hàng loạt khó khăn, thiệt hại nghiêm trọng bởi các quy định giãn cách xã hội và phòng chống dịch. Dịch bệnh đã khiến hàng nghìn nhà môi giới bất động sản rơi vào tình cảnh thất nghiệp và con số này đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Sàn giao dịch và môi giới bất động sản vượt khó do ảnh hưởng Covid 19: Giải pháp và kiến nghị", ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho biết: "Từ khó khăn về kinh tế, đại dịch Covid-19 còn kéo theo tâm lý khủng hoảng, bỏ cuộc của nhiều cá nhân, đơn vị môi giới. Đặc biệt, trong đợt dịch lần thứ 4 đang diễn ra, đây là đợt dịch ảnh hưởng nặng nề nhất đến nền kinh tế, thị trường bất động sản và các sàn giao dịch".
Cũng theo ông Hà, trong suốt gần 4 tháng vừa qua, thị trường bất động sản đã gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tại các tỉnh thành có dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid 19 lần thứ 4, nhiều dự án phát triển bất động sản đã phải ngừng xây dựng, hoạt động mở bán – tiếp xúc – tư vấn khách hàng không thể thực hiện. Hệ quả là doanh nghiệp không có doanh thu từ các giao dịch mua bán.
"Nhiều sàn môi giới bất động sản đã buộc phải cho nhân viên nghỉ việc do không có kinh phí để trả lương, nộp bảo hiểm xã hội, tiền thuê văn phòng và khoản chi phí khác", ông Hà cho biết.
Còn theo ông Phạm Lâm - Tổng giám đốc DKRA Việt Nam hiện nay rất nhiều sàn giao dich gặp khó khăn, đặc biệt là những sàn tại TPHCM khi họ đã sống chật vật trong suốt 2 tháng giãn cách vừa qua. Nếu không có sự hỗ trợ, rất có thể thị trường bất động sản sẽ chứng kiến hàng loạt giao dịch phá sản, đặc biệt là những sàn giao dịch yếu.
"Hiện nay 50% các đơn vị BĐS có nguy cơ, 30% doanh nghiệp đặc biệt khó khăn và 20% sàn giao dịch đang đứng trên bờ vực phá sản. Cũng giống như chúng ta, hiện các sàn đang rất cần oxy để có thể tiếp tục sống", ông Lâm nhấn mạnh.
Trước những khó khăn rất lớn của các doanh nghiệp chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản và cá nhân nhà môi giới, tại tọa đàm bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land cũng nhận định: "Hiện nay, đối mặt với đại dịch lần này các sàn MG BĐS bị thiệt hại nặng nề do đa số các sàn vừa và nhỏ, nguồn lực mỏng không đủ dự phòng khi thị trường ngưng trệ kéo dài không có sản phẩm để bán dẫn đến doanh thu không có trong khi các chi phí duy trì hoạt động như trả lương nhân viên, chi phí mặt bằng, điện nước và các chi phí khác vẫn phải chi".
Số lượng nhân viên càng lớn thì áp lực chi phí duy trì hoạt động càng cao vì vậy nhiều sàn môi giới BĐS buộc phải chọn giải pháp thu gọn quy mô, đóng cửa tạm thời, tạm dừng hoạt động để chờ đợi cơ hội thị trường phục hồi. Tuy nhiên thiệt hại là không tránh khỏi vì ít nhất có khoảng 30% các sàn môi giới còn lại sau những đợt phá sản trước sẽ không trụ nổi trong đợt đại dịch lần thứ 4 này.
Cũng theo bà Hương không chỉ các sàn môi giới mà các doanh nghiệp bất động sản cũng gặp phải nhiều khó khăn. Các chủ đầu tư dự án đều phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh giảm từ 30% thậm chí cao hơn do các hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ vì dịch bệnh. Doanh thu bán hàng sụt giảm nghiêm trọng trong khi chi phí đầu vào tăng dẫn đến hiệu quả hoạt động sẽ bị giảm sâu. Năm nay doanh nghiệp đạt được 50% kế hoạch đề ra là sự nỗ lực không đơn giản.
"Các sự kiện bán hàng bị tạm dừng: hình thức bán hàng truyền thống của các doanh nghiệp bất động sản thông qua các sự kiện bán hàng là chính. 2 đợt dịch xảy ra liên tiếp vào đầu năm nay làm cho các sự kiện bán hàng không thể tổ chức theo dự kiến. Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã đầu tư cho nền tảng bán hàng trực tuyến, nhưng những nền tảng này lại chỉ phù hợp với các thương hiệu lớn, uy tín. Tuy nhiên thói quen giao dịch truyền thống và yêu cầu khắt khe về pháp lý là rào cản chưa mang lại hiệu quả cao cho hình thức giao dịch mới này", bà Hương cho biết.
Các chuyên gia tại tọa đàm cho rằng, với tình hình khó khăn rất lớn của các DN BĐS như đã nêu ở trên, cấp thiết cần sự lắng nghe và các giải pháp trợ lực kịp thời cho các DN vượt qua được giai đoạn căng thẳng hiện nay với hy vọng vào quá trình phục hồi nhanh chóng và hiệu quả hơn sau đại dịch. Qua đó các DN BĐS sẽ tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của thị trường BĐS và sự phát triển kinh tế chung của cả nước.