MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại dịch Covid-19 ở Anh: Địa ngục thực sự với người nghèo mới chỉ bắt đầu

27-03-2020 - 20:00 PM | Tài chính quốc tế

Vài tuần qua đã chứng minh rằng ngay cả những người giàu có và quyền lực nhất thế giới cũng có khả năng nhiễm virus như bất kỳ ai khác. Tuy nhiên, sự chú ý lại bị ít đặt lên những đối tượng dễ bị tổn thương nhất - những người nghèo, những người cực kỳ nghèo và những người vô gia cư.

Vấn đề này gần như đã trở thành một "khủng hoảng" ở Anh, nơi mà trong tuần này đã bắt đầu có những động thái mạnh mẽ đáp trả lại sự bùng phát của virus. Các kho thực phẩm từ thiện mà đã cứu trợ một phần nhỏ trong số 14 triệu người nghèo đang cạn kiệt tình nguyện viên. Rất nhiều tình nguyện viên đã buộc phải tự cách ly, và cũng trong tình trạng thiếu thực phẩm trầm trọng sau những đợt dự trữ đồ điên cuồng của mọi người.

Tình hình cũng ảm đạm không kém đối với những người vô gia cư ở Anh, ước tính vào khoảng 320.000 người. Không thể làm theo chỉ định của chính phủ để tự cách ly, họ phải đối mặt với một cú đánh kép khi các dịch vụ cứu sống họ buộc bị đóng cửa khi họ cần nhất.

Những người làm việc trong các nhà tạm trú cho người vô gia cư chia sẻ với CNN rằng cơn ác mộng tồi tệ nhất của họ đã trở thành sự thật, với ít nhất một cơ sở buộc phải đóng cửa sau khi một trong những người vô gia cư trú tại đó chết vì COVID-19. Hầu hết những người trong nơi trú ẩn đó hiện đang ngủ ngoài đường và có khả năng tiếp xúc rất cao với những người mắc bệnh.

Shelter, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ cho người vô gia cư của Vương quốc Anh, ước tính số người ngủ trên đường phố đã tăng 165% kể từ năm 2010.

Đó là những ngày tháng đặc biệt. Đó là năm Vương quốc Anh đi từ một chính phủ Lao động trung tả sang một chính quyền lãnh đạo bảo thủ hữu tả. Và sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, chính phủ đã bắt tay vào thực hiện các chính sách cắt giảm triệt để chi tiêu nhà nước. "Thông điệp rất rõ ràng ... chúng tôi cần cắt giảm để cân bằng tình hình kinh tế", Garry Lemon, giám đốc chính sách của Trussell Trust, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ các kho thực phẩm từ thiện ở Anh cho biết. "Có rất nhiều các hình thức hỗ trợ, nhưng hàng tỷ bảng Anh đã được dùng để hỗ trợ cộng đồng trên diện rộng."

Tuy nhiên các nhà phê bình tin rằng các chính sách của chính phủ trong thập kỷ qua đã khiến hệ thống an sinh xã hội phải thỏa hiệp nhiều lần. "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tác động kết hợp của các chính sách đó lên tới trung bình 3.000 bảng Anh mỗi năm (3.560 USD) đối với người nghèo nhất", Clare McNeil từ nhóm nghiên cứu IPPR nói.

Lemon nói thêm rằng nghiên cứu của tổ chức của ông đã chỉ ra mối liên hệ giữa các chính sách này và sự gia tăng "tình trạng vô gia cư và nhu cầu sử dụng kho thực phẩm từ thiện".

Kho thực phẩm từ thiện hiện là một chủ đề nóng, đặc biệt trong bối cảnh virus corona bùng phát và cách nó ảnh hưởng đến những người nghèo khó nhất trong xã hội. "Phần lớn các tình nguyện viên của chúng tôi đã nghỉ hưu. Một số người thậm chí sức khỏe còn không tốt vì đã trên 70 tuổi rồi", Allison, một trong bảy tình nguyện viên tại một kho cứu trợ thực phẩm độc lập ở Anh nói.

"Chúng tôi cũng cho phép các tình nguyện viên khác tránh tụ tập lại và tuân theo những quy định của chính phủ. Nhưng có một vấn đề rất lớn. Bây giờ, nếu một thành viên trong gia đình ho, họ sẽ nghỉ ngay lập tức."

Lemon chỉ ra rằng đây không phải là vấn đề duy nhất mà các kho thực phẩm cứu trợ phải đối mặt. "Với việc các doanh nghiệp đóng cửa và tình trạng an sinh xã hội như hiện tại, chúng ta phải đối mặt với sự gia tăng nhu cầu. Chúng tôi cũng phải đối mặt với trách nhiệm duy trì nguồn cung thực phẩm của mình."

Hoảng loạn tích trữ hàng hóa đã khiến các kệ hàng ở Anh trống rỗng, buộc các siêu thị phải phân phối số lượng cố định mà cá nhân có thể mua. Đối với các kho thực phẩm nhỏ như Allison, đó là một vấn đề thực sự. "Mua tích trữ đồng nghĩa với việc các siêu thị phải ra hạn mức mua sắm, vì vậy mọi người không thể mua dư thừa để quyên góp. Đối với những người phải sử dụng thức ăn trong kho dự trữ, cuộc sống của họ vốn đã rất khó khăn. Và bây giờ thậm chí còn không có đồ ăn."

Nguồn cung về tình nguyện viên và thực phẩm là một vấn đề quan trọng. Đáng nói thêm, nghiêm trọng hơn cả là tình trạng thể chất của những người liên quan. "Những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, bà mẹ đơn thân, người khuyết tật ... những người này đều phụ thuộc quá nhiều vào các kho cứu trợ", Lemon nói.

Tiến sĩ Onkar Sahota, thành viên của Hội đồng Luân Đôn và là bác sĩ gia đình tại Cơ quan Y tế Anh, nói rằng "những người nghèo dễ bị nhiễm bệnh bởi trong nhiều trường hợp, sức đề kháng của họ sẽ không tốt bằng những người giàu có hơn". Trong bối cảnh đại dịch hiện nay, ông nói rằng "hệ thống miễn dịch của họ có thể kém hơn nữa bởi họ ít được tiếp cận với thực phẩm và khó duy trì lối sống lành mạnh".

Sahota tiếp tục giải thích rằng trong một số trường hợp, người nghèo sẽ gặp khó khăn trong việc tự cách ly - đặc biệt là trong trường hợp người vô gia cư".

Matt Downie, giám đốc chính sách cho Crisis, một tổ chức từ thiện ở tuyến đầu ở Anh, giải thích: "Nếu bạn ở trong một nhà tạm trú vào ban đêm, bạn đang ở trong một không gian chung, ngủ bên cạnh những người khác trên sàn nhà, nơi bạn phải chia sẻ các thiết bị vệ sinh. Lời khuyên mà chính phủ đưa ra là nên tự cách ly và giữ cho bản thân sạch sẽ là vô ích đối với những người trong tình huống đó. "Bạn có nguy cơ mắc các vấn đề hô hấp nghiêm trọng gấp ba lần nếu bạn vô gia cư và độ tuổi tử vong trung bình là 44 nếu bạn vô gia cư, "ông nói thêm.

McNeil tin rằng cuộc khủng hoảng vô gia cư của Vương quốc Anh đã bị làm trầm trọng thêm bởi các biện pháp thắt lưng buộc bụng. "Những người vô gia cư đã bị ảnh hưởng vì sự tài trợ cho chính quyền địa phương đã bị cắt giảm, vì vậy những dịch vụ hỗ trợ địa phương đã phải đóng cửa," cô nói. 

Những thách thức mà tầng lớp dễ bị tổn thương nhất trong xã hội phải đối mặt không có gì mới. Các nhà vận động hy vọng rằng cuộc khủng hoảng này ít nhất sẽ khiến xã hội có nhận thức rõ ràng hơn về tình trạng khốn khó của những người nghèo và vô gia cư. "Covid-19 phơi bày những vết nứt trong xã hội - những người có thế chấp và thu nhập thường xuyên có thể đột nhiên thấy mình phải đối mặt với những vấn đề tương tự như những người thuộc tầng lớp dưới của xã hội", Sahota nói.

McNeil chỉ ra rằng những người đã quen với việc có thu nhập an toàn có thể thấy mình dựa vào nhà nước. Và cô ấy nghĩ rằng chính phủ có thể phải làm cho những lợi ích này trở nên hào phóng hơn, với sự đổ bộ đột ngột của những người đã quen với một cách sống nhất định.

"Những người có thu nhập trung bình, những người đột nhiên thấy mình cần an sinh xã hội, không thể chịu được việc sống dưới 100 bảng Anh mỗi tuần," cô nói. Tất nhiên, điều đó sẽ gây áp lực rất lớn cho chính phủ để tăng chi tiêu cho phúc lợi đất nước - 10 năm sau chính sách cắt giảm mạnh tay của chính phủ.

Tất cả những điều đó đưa chúng ta trở lại với vấn đề chính trị. Đến một lúc nào đó, cuộc khủng hoảng này sẽ lắng dịu. Và khi điều đó xảy ra, chúng ta sẽ sống trong một trật tự bình thường mới. Chính phủ bảo thủ hiện tại sẽ phải trợ cấp cho các doanh nghiệp và cá nhân. Sahota tin rằng nó sẽ chứng minh rằng "thắt lưng buộc bụng là một quyết định mang tính chính trị, hơn là lời bào chữa cho việc chúng ta không có lựa chọn nào khác."

Có thể là khi tất cả được nói và làm, những người sống trong thoải mái trước đây đột nhiên buộc phải nhìn thẳng vào sự đói nghèo, sẽ đồng ý với Sahota và không thể chấp nhận rằng sự thận trọng về kinh tế quan trọng hơn việc chăm sóc cuộc sống của đồng bào.

Sự bùng phát này sẽ thay đổi nhiều thứ, và không rõ có bao nhiêu trong số đó sẽ trở lại như cũ khi tất cả đã kết thúc. Thế giới sẽ đi về đâu vẫn là một điều tất cả chúng ta đều tò mò. Nhưng, nếu những dự đoán hiện tại là đúng, phương Tây mới chỉ đang ở giai đoạn đầu của những biến chuyển."

Tham khảo CNN

    
        Đại dịch Covid-19 ở Anh: Địa ngục thực sự với người nghèo mới chỉ bắt đầu - Ảnh 2.     
    

Mỹ Linh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên