Đại dịch COVID: ‘Máy bay nằm nhà còn không có chỗ đậu’
“Bất kỳ khi nào thị trường có khả năng bay, các hãng hàng không đều cho máy bay hoạt động và đưa ra giá vé chủ yếu để đỡ hỏng máy bay, giá vé còn thấp hơn chi phí xăng dầu của một chuyến bay”, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airline Đặng Ngọc Hòa bày tỏ.
- 27-09-2021Founder hãng luật Baker McKenzie Vietnam: Đằng sau câu chuyện Trung Quốc xin gia nhập CPTPP và thách thức của Việt Nam trước ‘gorilla nặng nghìn pound’
- 27-09-2021Cập nhật mức đóng BHXH bắt buộc, BHTN, BHYT từ tháng 10/2021
- 20-09-2021Kiến nghị cho phép nhập khẩu máy bay Boeing 737 Max vào Việt Nam
Giá vé thấp vẫn phải bay
Chủ tịch HĐQT Vietnam Airline Đặng Ngọc Hòa khẳng định, với đặc tính phương tiện vận tải hiện đại, linh hoạt, ngành hàng không có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là trong và sau đại dịch.
Năm 2020 và đặc biệt năm 2021, với 8 tháng đầu năm nay, ông Hoà cho biết, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ còn 1,3% so với năm 2019, nhưng chủ yếu là khách hồi hương và một số chuyên gia rất đặc biệt mới được vào. Còn khách nội địa giảm 80% so với cùng kỳ 2019. Như vậy, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế du lịch.
“Đối với chúng tôi, năm 2020 thì rất khó khăn. Năm 2021, làn sóng dịch bệnh thứ 3 và thứ 4, từ tháng 4 trở lại đây ảnh hưởng rất lớn. Trong tháng 3/2020, thực tế trên bầu trời của Việt Nam chỉ có 3 chuyến bay thôi. Đến tháng 7 và tháng 8/2021, thậm chí không có chuyến bay nào.
Chúng tôi chỉ được bay duy nhất một chuyến là đi Sài Gòn đón bà con ra Hà Nội, sau đó dừng, không bay chuyến nào. Các chuyến bay chủ yếu vận chuyển hơn 11.000 y bác sĩ ở khắp đất nước, cũng như vận chuyển miễn phí 250.000 tấn trang thiết bị y tế để chống dịch”, ông Hoà bày tỏ.
Đại diện Vietnam Airline thông tin, với dịch COVID-19 đang diễn ra đã có 44 hãng hàng không khu vực và thế giới phá sản hoặc trong diện bảo hộ phá sản. Còn Vietnam Airline được Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm, đã có gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng vào năm 2020. Năm 2021, tình hình ảnh hưởng nặng nề hơn rất nhiều. Trong 6 tháng đầu năm Vietnam Airline đã lỗ 7.000 tỷ, theo báo cáo của các hãng hàng không khác, đã lỗ khoảng 3.000 tỷ.
“Chúng tôi đánh giá, việc phục hồi phát triển kinh tế - xã hội hiện nay là rất quan trọng, đi cùng nó là việc tiêm vắc xin, thay đổi chính sách “Zero COVID” sang an toàn, linh hoạt… là chính sách rất lớn”, ông Hoà cho hay.
Cũng theo lãnh đạo Vietnam Airline, hiện tất cả các hãng hàng không đều không bay được. Toàn bộ hãng hàng không của Việt Nam có 250 máy bay đang đậu tại tất cả các sân bay ở Việt Nam, thậm chí bây giờ còn không có chỗ đậu.
“Chính vì thế, bất kỳ khi nào thị trường có khả năng bay, các hãng hàng không đều cho máy bay hoạt động và đưa ra giá vé chủ yếu để đỡ hỏng máy bay, giá vé còn thấp hơn chi phí xăng dầu của một chuyến bay. Tuy nhiên vẫn phải hoạt động, vì nếu không bay thì không có chỗ đậu, không bay thì gọi là máy bay hỏng, và có ít dòng tiền để trợ giúp hãng hàng không” ông Hoà bày tỏ.
Chấp nhận tỷ lệ bội chi ngân sách cao hơn?
Theo TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, trong bối cảnh phân bổ vắc xin trên thế giới không đồng đều, nếu chúng ta không chủ động và không có chiến lược vắc xin hợp lý thì khả năng khôi phục kinh tế sẽ xa vời.
Trước tác động của đợt dịch lần thứ 4, ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng, doanh số bán lẻ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng, chuyên gia khuyến cáo, nếu không mở cửa bán tự động nền kinh tế, cho phép giao thương và đi lại thì “nguy cơ nền kinh tế bị đứt gãy, sụp đổ rất lớn”.
Nếu công nghiệp Việt Nam tăng trưởng vẫn tốt tới tháng 5, chậm lại một chút trong tháng 6 thì tới tháng 7 không có tăng trưởng, và bắt đầu giảm mạnh vào tháng 8. Điều này cho thấy, động lực trụ cột của nền kinh tế đang suy giảm. Nếu chúng ta không có giải pháp cấp bách thì động lực này sẽ tiếp tục suy giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ ngân sách, xuất nhập khẩu và các chỉ số khác”, TS. Vũ Thành Tự Anh khuyến cáo.
Vị chuyên gia này cho rằng, mặc dù gói hỗ trợ tài khóa đã được ban hành nhưng quy mô còn quá nhỏ, hiệu lực thấp. Vì vậy, ưu tiên tới đây, làm thế nào để giải ngân hiệu quả nhất gói an sinh xã hội và các gói hỗ trợ, phê chuẩn triển khai ngay gói miễn giảm thuế; khởi động lại các dự án đầu tư công.
“Vào năm 2022, ngân sách quan trọng, tôi nghĩ Quốc hội nên kiên quyết trong việc chấp nhận có một gói hỗ trợ nền kinh tế và kích cầu cao hơn nhiều so với năm 2021, chấp nhận tỷ lệ bội chi ngân sách cao hơn”, TS. Vũ Thành Tự Anh nêu quan điểm.
Chuyên gia kiến nghị ba chính sách khác cần tập trung:
Thứ nhất là chính sách bảo trợ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, chính sách cho nhóm yếu thế - đây là nhóm chịu tác động nhiều nhất và rất khó gượng lại được.
Thứ 2, là chính sách y tế và tổ chức y tế, chúng ta nói nhiều đến khám bệnh điện tử nhưng gần như chưa làm được.
Thứ 3, là chính sách giáo dục, cần nền giáo dục và chính sách giáo dục khác. “Nếu tiếp tục hệ thống giáo dục và chính sách giáo dục như hiện nay thì một mặt không tận dụng được cơ hội của cuộc cách mạng 4.0, không tận dụng được cơ hội chuyển đổi số, mặt khác không có lợi thế cạnh tranh về nguồn nhân lực, và chất xám trong giai đoạn tới”, chuyên gia nêu.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, có ít nhất bốn điều chúng ta đã bàn từ năm ngoái nhưng quá trình thực thi quá chậm và cũng không ai đau đáu với nó. Trong đó, theo ông Thành là cách hỗ trợ, sự phối hợp giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ.
Chuyên gia lưu ý, gói hỗ trợ cho chương trình phục hồi hai năm tới phải bảo đảm yếu tố vượt khó, bắt nhịp đà phục hồi kinh tế thế giới và bắt nhịp với những xu thế lớn của thế giới. “Như TP.HCM, phải mất 2 năm mới có thể quay lại như trước khi có dịch”, ông Thành nhận định. Trong lúc “nước sôi lửa bỏng” này, chuyên gia kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ khi ra nghị quyết, cố gắng đưa ra giải pháp luôn.
Qua làm việc hàng tuần với các doanh nghiệp TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ bị ảnh hưởng nặng nhất, TS Thành cho biết, có ba vấn đề lớn nhất doanh nghiệp quan tâm khi quay lại sản xuất là: khuôn khổ khống chế dịch, lao động - vấn đề “đại sự” cho cả trước mắt cũng như lâu dài, và vấn đề thứ ba là dòng tiền. Cần đặc biệt lưu ý để có giải pháp hiệu quả cho từng vấn đề.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Trần Thị Hồng Minh lưu ý đến việc đẩy mạnh lộ trình tiêm vắc xin gắn với lộ trình mở cửa nền kinh tế phù hợp. Qua đó, hệ lụy xấu đối với nền kinh tế, đặc biệt là các trung tâm kinh tế, có thể được giảm bớt.
Theo Viện trưởng CIEM, nếu tư duy chính sách lồng ghép hiệu quả việc tìm kiếm những mô hình, không gian kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn… thay vì chỉ “bó” vào kích thích tài khóa – tiền tệ thì kinh tế Việt Nam sẽ có thêm điều kiện để phục hồi, nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu và sức cạnh tranh trong tương lai. Trên cơ sở đó, chuyên gia kiến nghị sớm xây dựng và thực hiện chương trình tổng thể về phục hồi, phát triển kinh tế trong và sau dịch COVID-19.
Tiền phong