Đại diện Bộ Xây dựng khẳng định không có chuyện "sốt" đất, "bong bóng" bất động sản
Khi nhiều người đặt vấn đề "sốt" đất thời gian qua, đại diện Bộ Xây dựng khẳng định rằng, không có chuyện "sốt" đất, "bong bóng" bất động sản, dù có điểm sốt nhưng không phải tất cả các tỉnh miền Bắc, Nam đều sốt và sốt cao so với thời điểm năm 2008.
- 15-04-2022"Gà đẻ trứng vàng" condotel vẫn tăng giá dù thanh khoản "lẹt đẹt"
- 14-04-2022"Siết" cho vay bất động sản và phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phụ thuộc vào vốn vay sẽ gặp nhiều thách thức
- 14-04-2022Xuống tiền tỷ đầu tư đất nền lúc "sốt", nào ngờ chôn vốn hơn năm, giờ “tiến không được, lùi cũng không xong”
Giá bất động sản ngược chiều với nguồn cung
Tại buổi Hội thảo với chủ đề Tạo đà phục hồi thị trường bất động sản phía Nam do Nhà đầu tư tổ chức chiều 15/4, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận định, trong 2 năm qua, giá bất động sản ngược chiều với câu chuyện nguồn cung, trong đại dịch chi phí các cái khác giảm nhưng giá bất động sản lại tăng tại những khu vực có dự kiến nâng cấp, nâng loại đô thị, dự kiến nhập vào các thành phố, đặc biệt có một số dự kiến quy hoạch phát triển xã hội.
“Nhiều người đặt vấn đề sốt đất, nhiều nơi tăng cao nhưng xin khẳng định rằng, không có chuyện sốt đất, bong bóng bất động sản, dù có điểm sốt nhưng không phải tất cả các tỉnh miền Bắc, Nam đều sốt và sốt cao so với thời kỳ cách đây 2008”, ông Khởi nhấn mạnh.
Vị này cho biết thêm, giá bất động sản tăng chủ yếu do cung ít cầu cao. Bên cạnh đó, dòng tiền đổ vào bất động sản do không tin tưởng vào đầu tư kinh doanh thời Covid-19. Đến năm 2022, khi thị trường chứng khoán, trái phiếu nằm trong sự kiểm soát cao thì dòng tiền vẫn đổ vào kênh an toàn - bất động sản bên cạnh đó một phần đổ vào sản xuất kinh doanh do chúng ta mở cửa nền kinh tế.
Một phần là thủ tục pháp lý chưa được tháo gỡ, có dự án 3-4 năm, tình trạng này xảy ra khi chưa có Covid-19, dẫn tới tồn đọng dự án. Nguồn tài chính cho thị trường bất động sản chưa đa dạng và bền vững vẫn phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, trái phiếu, cộng với tiền ứng trước của khách hàng. Hiện, vấn đề cổ phiếu, trái phiếu siết chặt trong khi nguồn vốn doanh nghiệp không có, vậy lấy tiền đâu ra để làm dự án. Điều này đang được đánh giá lại xem sẽ ảnh hưởng bao lâu tới thị trường; nguồn cung càng ít, giá càng cao, không cẩn thận dẫn đến méo mó thị trường.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng).
Ông Khởi đưa ra một điểm lạ thị trường bất động sản trong 2 năm qua là thị trường nguồn cung ngày càng giảm, nhu cầu ngày càng tăng nhưng dòng vốn đầu tư có vấn đề, đặc biệt tình hình phát hành trái phiếu vào bất động sản. Tăng phát hành nhưng đầu tư vào bất động sản giảm, số lượng dự án giảm, số lượng căn hộ đưa ra giao dịch giảm. Ông Khởi đặt ra câu hỏi tại sao trái phiếu huy động lại tăng?
Nguyên nhân khiến bất động sản phía Nam tăng
Riêng với thị trường bất động sản phía Nam, ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam cho biết, trong hai năm 2020 - 2021, thị trường bất động sản khá trầm lắng cả về nguồn cung và lượng tiêu thụ. Tuy nhiên, có một nghịch lý là giá bất động sản ở thị trường sơ cấp lại tăng đáng kể tại hầu hết các phân khúc và địa phương. Mức tăng trung bình khoảng 10% - 15% so với giai đoạn mở bán trước (6 - 8 tháng), cục bộ ở một số dự án mức tăng có thể lên đến 30% - 35%.
Ông Thắng cho hay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến mặt bằng giá bất động sản tăng. Cụ thể, quỹ đất dùng để phát triển dự án, đặc biệt là khu vực nội đô thành phố ngày càng hạn hẹp. Những nút thắt pháp lý, cấp phép dự án mới chưa được tháo gỡ, thời gian triển khai dự án kéo dài làm tăng chi phí hồ sơ thủ tục, lãi vay để phát triển dự án.
Nguồn cung mới mở bán ra thị trường ngày càng khan hiếm. Theo nghiên cứu của DKRA Vietnam, tính riêng phân khúc căn hộ, nguồn cung mới năm 2021 chỉ bằng khoảng 1/3 so với năm 2017. Phần lớn các sản phẩm mở bán ra thị trường đều được chủ đầu tư trau chuốt, định vị ở phân khúc cao cấp.
Các cơn sốt đất, thậm chí là “sốt ảo” cục bộ tại một số địa phương trong thời gian ngắn đã đẩy giá bất động sản lên mặt bằng giá mới, vượt ngoài khả năng của người mua có nhu cầu ở thực.
Mặt khác, việc tăng giá bán sơ cấp còn do các chủ đầu tư áp dụng nhiều chính sách kích cầu (đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh) như giãn tiến độ thanh toán, hỗ trợ ân hạn nợ gốc và lãi vay, thậm chí phối hợp cùng ngân hàng hỗ trợ cho vay đến 80% - 100% giá trị sản phẩm.
Ngược lại, đối với thị trường thứ cấp, ghi nhận sự sụt giảm đáng kể ở nhiều phân khúc. Trong thời điểm giãn cách xã hội, mức giảm ghi nhận cục bộ ở một số phân khúc tại một số địa phương lên đến 10% - 15% so với giai đoạn trước khi dịch bùng phát. Đối với phân khúc căn hộ, tại thị trường TP.HCM trong Quý 3/2021, mức giá bán thứ cấp sụt giảm trung bình từ 3% - 5% so với giai đoạn đầu năm 2021. Sự sụt giảm chủ yếu tập trung ở những dự án căn hộ sắp bàn giao hoặc đang bàn giao.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm trên, trong đó nguyên nhân chính là do dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng nền kinh tế, nhiều khách hàng có sử dụng đòn bẩy tài chính, thu nhập bị ảnh hưởng nên chấp nhận cắt lỗ, giảm giá, giảm lợi nhuận để bán thu hồi vốn, giảm áp lực lãi vay.