Đại diện Decathlon: Chi phí nhập khẩu phân phối tại Việt Nam cao hơn 1,5 lần so với Thái Lan
Đại diện DHL Global Forwarding nói: "Chi phí logistic Việt Nam đúng là cao. Tuy nhiên, trong một cái nhìn tổng quát thì chúng ta vẫn có thể tối ưu được chi phí. Khó khăn là cơ hội cho doanh nghiệp để có thể phát triển tại thị trường này".
Được thành lập ở Lille (Pháp), Decathlon hiện là chuỗi bán lẻ sở hữu nhiều thương hiệu thể thao độc quyền từ năm 1976. Tính đến giữa năm 2019, Decathlon có hơn 95.000 nhân viên đến từ hơn 80 quốc gia, làm việc tại 57 đất nước. Riêng tại Việt Nam hãng chính thức gia nhập từ năm 1995, chủ yếu về hoạt động sản xuất. Đến nay, Decathlon Việt Nam có hơn 400 nhân viên làm việc tại hơn 100 nhà máy trên toàn quốc.
Ngoài trang bán hàng trực tuyến (decathlon.vn) được ra mắt vào năm 2017, Decathlon Việt Nam đã mở 2 cửa hàng tại Hà Nội (27/4/2019) và Tp.HCM (1/6/2019) với quy mô lần lượt là 4.300m2 và hơn 2.500m2, đem đến các mặt hàng của hơn 70 môn thể thao khác nhau tại mỗi cửa hàng.
Việt Nam hiện là nơi sản xuất lớn thứ hai của Decathlon, sau Trung Quốc
Được biết, Việt Nam hiện là một trong những thị trường có vị trí chiến lược quan trọng của Decathlon với khối lượng sản xuất lớn thứ hai, sau Trung Quốc. Trong đó, Việt Nam chủ yếu sản xuất áo quần, chiếm 50% số lượng sản phẩm, chiếm tỷ trọng thứ hai với 36% là mặt hàng giày dép. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Decathlon Việt Nam là Pháp với hơn 68% cùng 13 thị trường khác.
Năm 2018, Decathlon xuất khẩu 14.520 container hàng, tăng 9% so với năm trước. Hãng đặt kế hoạch năm 2019 sẽ xuất 15.252 container, tăng 4% sản lượng, con số cho năm 2020 và 2021 lần lượt dự xuất 16.840 và 19.095 container.
"Việt Nam có sự cân bằng giữa chi phí và kỹ năng người lao động, sự ổn định về kinh tế vĩ mô và chính trị, sự phát triển bền vững trong các quyết sách gần đây của Chính phủ, tiềm năng vô cùng to lớn của thị trường bán lẻ Đông Nam Á và Việt Nam", bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Trưởng bộ phận Thu mua và Logistics, Decathlon Việt Nam chia sẻ.
Chưa kể, thị trường logictis Việt Nam còn đang hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, đi kèm với nhiều hiệp định thương mại vừa được ký kết. Đáng chú ý, với việc thị trường xuất khẩu chủ yếu là châu Âu – cụ thể ở Pháp, đại diện Decathlon bày tỏ sự phấn khởi đặc biệt trước hiệp định EVFTA.
Mới đây, Decathlon đã chính thức phối hợp với DHL Global Forwarding - nhà cung cấp hàng đầu thế giới với các dịch vụ đường hàng không, đường biển và đường bộ - cung cấp một chuỗi cung ứng quốc tế toàn diện. Trong đó, DHL Global Forwarding sẽ hỗ trợ giám sát tất cả những lô hàng của Decathlon bằng đường hàng không, đường biển và đường bộ từ các nhà máy tại Việt Nam và Đài Loan đến các nơi trên thế giới như Brazil, Canada, Trung Quốc, Colombia, Châu Âu, Ấn Độ, Malaysia, Ma-rốc và Singapore.
Chi phí logistic Việt Nam đang khá cao so với mặt bằng chung
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn tính đến hiện tại, so sánh tỷ trọng đóng góp hoạt động của Decathlon Việt Nam còn khá nhỏ trong bức tranh tổng thể của doanh nghiệp. Một trong số vấn đề tồn đọng chính là chi phí logistic nước ta còn khá cao so với mặt bằng chung của thế giới cũng như khu vực.
Không phủ nhận điều này, bà Thảo cho biết chi phí nhập khẩu phân phối của Decathlon thống kê ở Việt Nam đang cao hơn 1,5 lần so với Thái Lan. Đây là khó khăn hãng xác định trong việc mang hàng hóa về Việt Nam, đồng thời hướng đến đối tượng tất cả các khách hàng nói chung, không riêng một phân khúc nào.
Đồng tình, đại diện DHL Global Forwarding nói: "Chi phí logistic Việt Nam đúng là cao. Tuy nhiên, trong một cái nhìn tổng quát thì chúng ta vẫn có thể tối ưu được chi phí. Khó khăn là cơ hội cho doanh nghiệp để có thể phát triển tại thị trường này".
Riêng với Decathlon, đại diện hãng cho biết đang cắt giảm đường vận chuyển hàng không nhằm tuân thủ cam kết giảm lượng khí thải CO2 ra môi trường. Mặt khác, việc giảm tải hàng không cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí vận chuyển, thay thế hãng đang có chiến lược khai thác đường tàu hoả, song song với phương tiện đường thuỷ.
"Ngày nay, các nhà bán lẻ đòi hỏi chuỗi cung ứng cần phải nhanh nhạy và sáng tạo hơn để có thể phục vụ thế hệ khách hàng mới, những người đòi hỏi sự hài lòng một cách nhanh nhất, đồng thời gia tăng cơ hội của nhà bán lẻ tại các thị trường mới nổi. Với phạm vi ngày càng được mở rộng trong dịch vụ logistics và chuyên môn về ngành bán lẻ, DHL Global Forwarding có lợi thế rất lớn để hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp tại đây", ông Archer Fu, Phó Chủ tịch, Trưởng Bộ phận Phát triển Kinh doanh tại DHL Global Forwarding, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho biết thêm.
Vị này cũng nhấn mạnh, Việt Nam đang đón một cơ hội lớn từ các FTAs cũng như dòng vốn chuyển dịch trước căng thẳng thương mại, và DHL Global Forwarding đã sẵn sàng đón nhận tin vui này.