MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại diện Eurocham, JCCI đề xuất thời gian tới, để doanh nghiệp tự chủ hơn trong chống dịch, nếu có F0 thì chỉ khoanh vùng tối thiểu

Đại diện Eurocham, JCCI đề xuất thời gian tới, để doanh nghiệp tự chủ hơn trong chống dịch, nếu có F0 thì chỉ khoanh vùng tối thiểu

Sáng 19/10, tại hội trường Thành ủy Hà Nội, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị "Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố trong bối cảnh dịch COVID-19".

Phó Chủ tịch Eurocham đề xuất để DN tự chủ hơn trong chống dịch thời gian tới

Tại đây, ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Eurocham bày tỏ, trong những ngày qua, cộng đồng doanh nghiệp rất vui mừng vì đã có nhiều bước nới lỏng trong hoạt động xã hội và sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Theo đó các biện pháp phòng, chống dịch được quy định cụ thể, áp dụng thống nhất trên toàn quốc tùy theo cấp độ dịch của từng khu vực. Song, ở khu vực quy mô nhỏ cấp xã, phường, ngành Y tế có thể đánh giá độ rủi ro ở từng khu vực để doanh nghiệp và người dân biết.

Hà Nội đã mở cửa trở lại, doanh nghiệp hy vọng đường bay từ Hà Nội đến các địa phương khác và quốc tế được mở, đồng thời mở cửa trường học để người lao động yên tâm trở lại làm bình thường. Đại diện Eurocham đề xuất, thời gian tới doanh nghiệp được tự chủ hơn hơn về phương án chống dịch, tránh vì 1 ca nhiễm mà đóng cửa toàn bộ nhà máy...

Ông Nguyễn Hải Minh phát biểu: "Chúng tôi tin rằng, đầu tư từ châu Âu sang Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Đặc biệt, Hà Nội là điểm đến tiềm năng của doanh nghiệp châu Âu. Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung tiếp tục cải cách như năm qua sẽ là điểm đến của dòng FDI chất lượng cao từ doanh nghiệp châu Âu".

Đại diện JCCI đề xuất nếu có F0 tại nhà máy, thì khoanh vùng phạm vi cần thiết tối thiểu

Cũng tại hội nghị, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI), ông Inoue cho hay, đợt dịch lần thứ 4 bùng phát đã khiến hoạt động sản xuất của nhiều nhà máy phải tạm dừng, tỷ lệ hoạt động giảm sút do áp dụng quy định nghiêm ngặt.

Từ đó, ông Inoue đề xuất, trong trường hợp dịch bùng phát sau này, cho phép người lao động có chứng nhận tiêm phòng vaccine từ 1 mũi trở lên hoặc có chứng nhận kết quả âm tính được phép đi làm từ nhà, bất kể đó là vùng dịch hay không. Cùng với đó, chỉ yêu cầu xét nghiệm với một số lượng người nhất định (5-10% tổng số người đi làm); gia hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính khoảng 2 tuần.

Đại diện JCCI đưa ra 3 đề xuất trên quan điểm "Duy trì hoạt động kinh tế một cách hiệu quả và năng suất trên cơ sở thích ứng với dịch bệnh Covid-19", "phát triển kinh tế Hà Nội hơn nữa", "duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh về đầu tư với các nước láng giềng" trong trường hợp nếu đại dịch bùng phát trong tương lai.

Cụ thể, ông Inoue kêu gọi Thành phố thống nhất tiêu chí áp dụng tại những khu vực trên địa bàn và thực hiện thủ tục cấp phép theo các tiêu chí, qua đó đẩy nhanh quy trình hành chính. Trong trường hợp phát sinh ca nhiễm F0 tại nhà máy thì có thể khoanh vùng cho dây chuyền sản xuất trong phạm vi cần thiết tối thiểu.

Thứ hai, liên quan đến nới lỏng quy định vận tải hàng hoá, ông đề xuất nới lỏng tần suất xét nghiệm PCR với lái xe nếu họ đã tiêm vaccine và cho phép lưu thông qua khu vực thực hiện giãn cách trên tuyến đường lưu thông có điểm đầu và cuối là địa phương không thuộc diện giãn cách.

Thứ ba, nới lỏng quy định về hoạt động bán hàng. Ông Inoue lý giải, ngành sản xuất kinh doanh theo nhu cầu trong nước không thể trở lại hoạt động trừ khi đảm bảo hoạt động bán hàng. Vì vậy, việc thiếu đồng bộ trong việc xác định loại dịch vụ bán hàng được phép hoạt động giữa các khu vực đang áp dụng biện pháp chống dịch, cũng như mất thời gian thực hiện thủ tục cấp phép hoạt động trở lại sau khi gỡ bỏ Chỉ thị 16.

Vấn đề lớn trong kinh doanh của doanh nghiệp FDI

Đáng chú ý, một vấn đề lớn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp FDI là thuế và hải quan. Các DN FDI thông tin, trong quá trình thực thi vẫn còn một số điểm cần lưu ý về cách diễn giải các quy định thuế hoặc có một số trường hợp hồ sơ hoàn thuế bị kéo dài….

Tại đây, công ty TNHH BizConsult đề xuất giãn thời hạn đóng bảo hiểm và một số chính sách liên quan đến bảo hiểm để giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp.

Thêm vào đó, công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để duy trì nguồn vốn, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh. Vấn đề giảm chi phí quản lý cơ sở hạ tầng khu công nghiệp cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm, với khoảng 50 trong tổng số gần 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp đề xuất.

Đại diện Bệnh viện Việt Pháp phát biểu, trước tình trạng thiếu chuyên gia để cung cấp những dịch vụ chất lượng cao, bệnh viện mong muốn có giải pháp cấp phép nhanh hơn để các chuyên gia được vào làm việc; ngoài ra, tiếp tục các chính sách gia hạn thuế giúp các doanh nghiệp hồi phục kinh doanh sau đại dịch.

Một ý kiến chung khác của các đại diện doanh nghiệp là việc rút ngắn thời gian xin cấp phép cho chuyên gia nước ngoài, bởi hiện nay chuyên gia phải chờ từ 1 đến 2 tháng mới hoàn thiện thủ tục vào làm việc.

Bên cạnh đó, cần lập ra một đơn vị giải quyết những khó khăn cho các doanh nghiệp FDI, tránh để doanh nghiệp phải đi đến quá nhiều bộ, sở, ngành mà không biết đơn vị nào sẽ giải quyết. Đồng thời, tạo cơ chế về thuế suất, các quy chế được giản đơn, hấp dẫn, dễ kiểm soát, tạo sự cạnh tranh không chỉ trong nước mà cả quốc tế; giảm thuế, miễn thuế nhưng không nên dùng cơ chế giãn thuế vì doanh nghiệp đang đuối sức thì việc giãn thuế không hỗ trợ được doanh nghiệp; khi doanh nghiệp phục hồi có lãi vẫn được áp dụng chính sách miễn, giảm thuế.

Cuối cùng, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, ông Mai Sơn kết luận, trên cơ sở các ý kiến của doanh nghiệp đưa ra, Cục Thuế Hà Nội nghiên cứu, kiến nghị Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính để thời gian tới có giải pháp căn cơ, phù hợp, sát thực tiễn. Dự kiến, trong tháng 11, Cục Thuế Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị với các doanh nghiệp FDI triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Hà Trần

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên