MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại diện UBCKNN: Khẩn trương đưa vào vận hành hệ thống KRX trong năm 2022, mục tiêu phát triển thị trường theo hướng bền vững

Đại diện UBCKNN: Khẩn trương đưa vào vận hành hệ thống KRX trong năm 2022, mục tiêu phát triển thị trường theo hướng bền vững

Về những giải pháp trước mắt, UBCKNN sẽ trình Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 với mục tiêu chính là phát triển thị trường theo hướng bền vững thông qua việc nâng cao chất lượng hàng hóa và nền tảng cơ sở của thị trường.

Trong những ngày đầu năm 2022, TTCK Việt Nam tiếp tục có những diễn biến tích cực và đạt mức đỉnh lịch sử mới. Tuy nhiên, ngay sau đó, trước những diễn biến kinh tế - chính trị phức tạp, thị trường đã trải qua nhịp điều chỉnh giảm mạnh kể từ đầu tháng 4 tới nay, hiện đã giảm so với mức đỉnh được thiết lập đầu tháng 4 là hơn 20%. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.339 nghìn tỷ đồng, giảm 18,4% so với cuối năm 2021, tương đương 75,5% GDP.

Trao đổi trong buổi tọa đàm ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH 2022 - CHUYÊN ĐỀ II: CƠ HỘI TRONG BIẾN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN được Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 29/6, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ phát hành Thị trường UBCK Nhà nước đánh giá, diễn biến biến động của TTCK Việt Nam trong thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả trong và ngoài nước.

Đại diện UBCKNN: Khẩn trương đưa vào vận hành hệ thống KRX trong năm 2022, mục tiêu phát triển thị trường theo hướng bền vững - Ảnh 1.

Toạ đàm ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH 2022 - CHUYÊN ĐỀ II: CƠ HỘI TRONG BIẾN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Trên thế giới, tình hình kinh tế - chính trị tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro tác động đến TTCK. Căng thẳng Nga – Ukraine, chính sách phong toả nghiêm ngặt nhằm đối phó với Covid-19 của Trung Quốc. Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã có các động thái thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, tiếp tục làm tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá, trực tiếp ảnh hưởng tới TTCK.

Trong nước, trong bối cảnh căng thẳng quốc tế và áp lực lạm phát gia tăng, nhà đầu tư chuyển sang tâm lý thận trọng hơn trong đầu tư, sẵn sàng tâm lý chốt lời nhằm bảo vệ thành quả, tạo nên áp lực bán trên thị trường. Trước áp lực lạm phát gia tăng, nhà đầu tư cũng lo ngại lãi suất khó có thể duy trì ở mức thấp như hiện nay. Tuy Ngân hàng Nhà nước hiện vẫn đang giữ nguyên mức lãi suất điều hành nhưng mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại đã gia tăng trong thời gian qua, thu hút dòng tiền quay trở lại hệ thống ngân hàng. 

Ngoài ra, việc kiểm soát các hoạt động đầu cơ trên TTCK, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát chặt chẽ dòng tiền vào các lĩnh vực có tính đầu cơ như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ tuy sẽ giúp thị trường phát triển theo hướng ổn định, lành mạnh, bền vững hơn nhưng cũng tác động đến dòng tiền vào thị trường trái phiếu, TTCK trong ngắn hạn.

Song, về trung và dài hạn, TTCK Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng khi một số yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì. Dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt, các yếu tố nền tảng vĩ mô vẫn vững, các hoạt động kinh tế được khôi phục, tiêu dùng nội địa phục hồi, hoạt động du lịch quốc tế được mở cửa trở lại. 

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc. Trong quý 1/2022, 86% số công ty niêm yết và đại chúng quy mô lớn đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM đã thực hiện báo cáo có lãi, cao hơn so với mức 83% của cùng kỳ năm 2021. Tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp trong Quý I/2022 cũng tăng 33,7% so với cùng kỳ 2021. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới liên tục gia tăng trong thời gian qua, đến nay đạt gần 5,7 triệu tài khoản và hiện mới chiếm khoảng 5% dân số cũng cho thấy TTCK Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước. Ngoài ra, mức định giá của TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá là hợp lý so với các thị trường trong khu vực.

Đại diện UBCKNN: Khẩn trương đưa vào vận hành hệ thống KRX trong năm 2022, mục tiêu phát triển thị trường theo hướng bền vững - Ảnh 2.

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ phát hành Thị trường UBCK Nhà nước

Đến năm 2030, mục tiêu chính là phát triển thị trường theo hướng bền vững

Bàn về các giải pháp điều hành thị trường trong thời gian tới, bám sát các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, và định hướng tại Chiến lược Tài chính đến năm 2030, UBCKNN trong thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì công tác điều hành thị trường theo hướng đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Về những giải pháp trước mắt, UBCKNN sẽ trình Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 với mục tiêu chính là phát triển thị trường theo hướng bền vững thông qua việc nâng cao chất lượng hàng hóa và nền tảng cơ sở của thị trường, tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý và điều hành thị trường, đặc biệt là trong công tác giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm trên TTCK.

Song song với đó, bà Bình cho biết UBCKNN sẽ khẩn trương đưa hệ thống công nghệ thông tin KRX vào vận hành, bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, liên tục, an toàn, hiệu quả. Rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc, nhất là các quy định về minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, thành viên thị trường, các chế tài xử phạt vi phạm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, từ đó khôi phục niềm tin và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của TTCK.

Đồng thời, chuẩn bị nền tảng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm phát triển một thị trường thứ cấp minh bạch, an toàn, tăng cường khả năng quản lý, giám sát, giảm thiểu rủi ro. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thị trường, tăng cường công tác giám sát, rà soát, nhận diện các mã cổ phiếu có giao dịch bất thường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên TTCK như thao túng chứng khoán, công bố thông tin không đúng sự thật, các hành vi tái phạm, cố tình vi phạm nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin nhằm đảm bảo TTCK phát triển theo hướng minh bạch và bền vững.

Về dài hạn, đẩy mạnh công tác tái cấu trúc TTCK, nâng cao sức canh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường thông qua việc tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiến hành rà soát, phân loại, kiểm tra tại chỗ, xây dựng phương án đối với từng công ty để có biện pháp xử lý phù hợp.

Đồng thời, tăng cường sự tham gia của các định chế đầu tư chuyên nghiệp để đảm bảo TTCK phát triển bền vững, hướng tới việc nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian sớm nhất.

Quyết tâm đưa hệ thống KRX vào vận hành chính thức trong năm 2022

Trả lời trong phần tham luận, đối với câu hỏi về thời điểm chính thức vận hành hệ thống công nghệ thông tin cho Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) ký với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX), bà Bình cho biết, gói thầu đang đi vào giai đoạn kiểm thử cuối cùng, tức là giai đoạn kiểm tra thử với các thành viên trong quá trình đấu nối để tìm ra lỗi sai sót. "Theo kế hoạch, trong năm 2022, chúng tôi sẽ đưa vào hệ thống công nghệ thông tin mới này đi vào vận hành", đại diện UBCKNN cho biết.

Đối với câu hỏi hạn chế vi phạm của người nội bộ trong giao dịch cổ phiếu khi nhiều hành vi vi phạm đã được thanh tra và xét xử trong thời gian gần đây, bà Bình cho biết luật Chứng khoán đã bao gồm đầy đủ những chế tài để xử lý những vi phạm. Trong thời gian tới, UBCKNN sẽ siết chặt việc rà soát và xử lý nghiêm minh những trường hợp như vậy, đồng thời nghiên cứu những giải pháp mới về mặt kỹ thuật để có thể hạn chế những vi phạm ngay từ những bước nhen nhóm ban đầu

https://cafef.vn/dai-dien-ubcknn-khan-truong-dua-vao-van-hanh-he-thong-krx-trong-nam-2022-muc-tieu-phat-trien-thi-truong-theo-huong-ben-vung-20220629172137649.chn

Phương Linh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên