MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại diện UBCKNN: Nới room ngoại là gốc rễ, các sản phẩm kỹ thuật chỉ là giải pháp tình huống

Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng chỉ nên hạn chế tỷ lệ sở hữu của khối ngoại ở các ngành nghề thực sự cần thiết, dần mở room lên 100%. Trong quá trình này các sản phẩm kỹ thuật sẽ được cân nhắc.

Trao đổi với Người Đồng Hành bên lề sự kiện về tăng khả năng tiếp cận vốn của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã chia sẻ về việc nâng trần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp, các sản phẩm mới sẽ được nghiên cứu triển khai, và những thay đổi trong luật chứng khoán sửa đổi để phù hợp với bối cảnh thị trường.

- Sẽ cần thực hiện những giải pháp nào để kích thích dòng vốn ngoại tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam?

- Thứ nhất là chúng ta nên rà soát lại giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại, NĐTNN), sẽ chỉ giới hạn tham gia trong những lĩnh vực thực sự cần thiết, tác động đến an ninh quốc phòng hoặc tài chính, còn lại thì sẽ mở room đến 100%. Đấy là gốc rễ của vấn đề.

Mặt khác, các thủ tục hành chính đối với nhà đầu tư nước ngoài chúng tôi cũng sẽ rà soát cắt giảm, tăng khả năng tiếp cận. Trung tâm lưu ký (VSD) đã có thủ tục cấp mã số giao dịch (trading code) online và các thủ tục rà soát tài liệu sẽ chuyển thành khâu hậu kiểm để rút ngắn thời gian mở tài khoản. Nếu đúng theo thủ tục chỉ cần 1 ngày để NĐTNN hoàn tất mở tài khoản trên thị trường Việt Nam.

Đại diện UBCKNN: Nới room ngoại là gốc rễ, các sản phẩm kỹ thuật chỉ là giải pháp tình huống - Ảnh 1.

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Ảnh: NLD.

Thứ hai là những công cụ kỹ thuật, chúng tôi cho rằng chỉ là giải pháp mang tính tình huống, không thể giải quyết gốc rễ. Tuy nhiên, trong trường hợp quá trình giải quyết vấn đề cốt lõi là nới room cần thời gian thì chúng ta có thể cân nhắc đề nghị những sáng kiến kỹ thuật.

Hiện nay chúng tôi đang trong quá trình sửa đổi luật chứng khoán. Quy định các loại hình chứng khoán được phép phát hành và giao dịch trên thị trường, chúng tôi có một số điểm mở để cho phép những loại sản phẩm mới nghiên cứu và giao dịch trên thị trường.

Những sản phẩm như cổ phiếu và chứng chỉ quỹ không có quyền biểu quyết (NVDR) sẽ tiếp tục được cân nhắc và xem xét, có những điều chỉnh phù hợp về mặt kỹ thuật với thực tế các vùng miền trong trường hợp chúng ta áp dụng, đây cũng là những giải pháp hiệu quả với thị trường.

- Việc bỏ hạn chế của NĐTNN trong những lĩnh vực nên nới room kế hoạch sẽ như thế nào?

- Đây là vấn đề mà chúng tôi nhiều lần ý kiến nhưng vẫn chưa giải quyết được vì ngoài khả năng quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Hiện nay những lĩnh vực bị hạn chế nằm rải rác ở những ngành khác nhau. Ví dụ như ngành vi tính, hóa mỹ phẩm… đều có những quy định riêng về vấn đề hạn chế đối với NĐTNN. Việc rà soát tôi cho rằng Bộ Kế hoạch Đầu tư phải là đầu mối vì đây là Bộ tham mưu chính về vấn đề sở hữu và đầu tư với doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam.

Những ngành không thật sự cần thiết hạn chế thì chúng ta cân nhắc nới lỏng dần, cũng như những nước trong khu vực đều đi theo lộ trình giảm bớt hạn chế đối với NĐTNN theo lộ trình, dần dần chỉ giữ lại hạn chế với những ngành thật sự cần thiết.

- Đối với những sản phẩm kỹ thuật như NVDR, vướng những khó khăn nào cho tổ chức phát hành tại Việt Nam?

- NVDR là một sản phẩm khá độc đáo của thị trường Thái Lan,. Hầu hết các nước khác áp dụng cơ chế cổ phiếu không có quyền biểu quyết như Nhật Bản, Malaysia. Chúng tôi cũng đang cân nhắc về điều này bởi vì muốn làm được như của Thái Lan chúng ta cần phải có một định chế là tổ chức đứng ra phát hành NVDR. Hiện nay Sở GDCK TP HCM chưa có căn cứ pháp lý để thành lập một công ty con đảm nhận việc phát hành NVDR.

Nhưng tôi muốn nhắc lại là giải pháp này chỉ mang tính tạm thời. Gốc rễ vấn đề không phải ở đó.

Đại diện UBCKNN: Nới room ngoại là gốc rễ, các sản phẩm kỹ thuật chỉ là giải pháp tình huống - Ảnh 2.

NVDR là sản phẩm độc đáo của thị trường Thái Lan. Ảnh minh họa.

- Về vấn đề biểu quyết của tổ chức phát hành NVDR trong phiên họp đại hội thường niên của doanh nghiệp có thể làm ảnh hưởng đến tỷ lệ biểu quyết của nhà đầu tư nội - ngoại, bà đánh giá như thế nào?

- Theo cá nhân tôi thì đây là vấn đề cần phải nghiên cứu kỹ bởi vì thực tế không đơn giản, đặc biệt là trong quá trình triển khai tổ chức họp đại đồng cổ đông. Đồng thời, việc biểu quyết sẽ ảnh hưởng đến quyền quyết định các cổ đông và điều này có mâu thuẫn với quyền cổ đông trong Luật Doanh nghiệp hay không thì chúng ta phải cân nhắc.

Mở rộng nhà đầu tư chuyên nghiệp sang cá nhân

- Sắp tới Luật chứng khoán sửa đổi sẽ được Quốc hội đưa ra thảo luận, các quy định về huy động vốn qua trái phiếu và cổ phiếu sẽ thay đổi như thế nào?

- Trong luật chứng khoán sửa đổi lần này có quy định rõ về điều kiện chào bán trái phiếu sẽ khác biệt với cổ phiếu để phù hợp với tính chất của 2 loại hình này trên thị trường tài chính. Đặc biệt, phát hành trái phiếu riêng lẻ thì chúng tôi cũng giới hạn chỉ cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Luật sửa đổi lần này cũng mở rộng phạm vi các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, mở rộng sang nhà đầu tư cá nhân nếu họ đáp ứng đủ điều kiện tiêu chí về chuyên môn nghiệp vụ và khả năng tài chính.

- Hiện nay, điều kiện phát hành cổ phiếu ra công chúng đối với doanh nghiệp là vốn điều lệ trên 30 tỷ đồng. Điều này được cho là khắt khe, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất khát vốn, ý kiến của bà như thế nào?

- Chúng ta phải phân ra 2 thành phần chào bán ra công chúng và chào bán riêng lẻ. Với chào bán riêng lẻ thì thành phần là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, do đó họ có đủ khả năng để chịu trách nhiệm rủi ro, cũng như có đầy đủ thông tin và khả năng ra quyết định. Trong trường hợp này, điều kiện chào bán có thể thấp hơn.

Tuy nhiên, khi chào bán ra công chúng, thì chúng ta phải bảo vệ về quyền lợi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Trước đây điều kiện là 300 tỷ đồng, Tuy nhiên, chúng tôi đã điều chỉnh giảm xuống còn 30 tỷ đồng để phù hợp với mặt bằng chung trong bối cảnh hiện nay.

- Dự thảo luật chứng khoán sửa đổi đề cập đến việc tăng thẩm quyền cho UBCKNN, xuất phát từ thực tế như thế nào phát sinh những ý kiến này?

- Trong luật chứng khoán đề cập đến tăng thẩm quyền của UBCKNN, đặc biệt trong việc thanh tra và xử lý các vi phạm. Rõ ràng trong thời gian qua, khó khăn lớn nhất của các cơ quan quản lí là xác định, làm rõ hành vi vi phạm và xử lý nghiêm minh. Luật chứng khoán sửa đổi do đó có bổ sung một số quyền của Ủy ban trong việc xử lý số liệu hoặc được phép cung cấp dữ liệu về điện thoại và tài khoản của nhà đầu tư, tạo điều kiện tốt hơn trong việc xử lí vi phạm.

Theo Lê Hải

Người đồng hành

Trở lên trên