Đại dự án 8.000 tỷ đắp chiếu, hết tiền không lối thoát
Dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2 vẫn nằm đắp chiếu. Nếu gánh nặng này không sớm được dỡ bỏ, Công ty CP gang thép Thái Nguyên sẽ gặp nhiều khó khăn.
- 09-07-2019Bộ Công thương "tiễn" 11/12 dự án thua lỗ của ngành sang Siêu Uỷ ban
- 27-05-2019Năm 2020, xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ nghìn tỷ
- 19-05-2019“Đội sổ” trong danh sách đen 12 đại dự án thua lỗ, các dự án của PVN giờ ra sao?
Gánh nặng dự án dở dang
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) có vốn đầu tư hơn 8.100 tỷ đồng. Dự án được khởi công từ tháng 9/2007 nhưng đã phải tạm dừng từ quý I/2013. Dự án dở dang do gặp khó khăn trong việc thu xếp vốn khi dự án kéo dài và tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng cao. Trong khi đó, hợp đồng EPC ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu Trung Quốc phát sinh tranh chấp chưa giải quyết được.
Tại thời điểm chuyển giao trọng trách xử lý 11 dự án yếu kém sang Ủy ban quản lý vốn cách đây không lâu, báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ: Hiện chưa có hướng giải quyết dứt điểm những phát sinh tranh chấp, vướng mắc với nhà thầu MCC. Từ khi dừng thi công vào tháng 6/2012 đến nay, phía TISCO đã trải qua 12 lần đàm phán với nhà thầu MCC.
Một góc dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2
Chia sẻ với PV. VietNamNet về tình trạng dự án này, đại diện Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) cho hay: Tổng số thiết bị đã lắp đặt ở dự án chiếm khoảng 20-30%, riêng lò cao đã lắp đặt được trên 60%. Những thiết bị chi tiết hơn của dự án vẫn để trong kho bảo quản. Những thiết bị cần máy lạnh vẫn có để bảo quản. Điều quan trọng là dự án này chưa nghiệm thu, chưa hoàn thành cho nên về cơ bản nhiều thiết bị vẫn chưa được nhà thầu bàn giao cho TISCO.Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, việc thanh quyết toán với 14 nhà thầu phụ trong nước vẫn chưa hoàn tất do nhiều khối lượng thi công dở dang không đủ điều kiện nghiệm thu, thanh toán theo hợp đồng đã ký 3 bên TISCO, MCC và nhà thầu phụ.
Một nguyên thứ trưởng Công Thương cho rằng: Đây là dự án có tỷ lệ vay 90%, trong đó 45% vay ưu đãi của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, còn lại vay thương mại. Khi đã đi vay 90% thì dù gì đi nữa cũng phải tính chuyện trả vì không ai trả thay cả. Ngân hàng là người cho vay phải tính toán, thẩm định. Nếu dự án không hiệu quả, khả năng trả nợ kém thì họ không cho vay.“Điểm khó nhất của dự án là thiếu vốn để tiếp tục thi công”, đại diện VnSteel cho biết.
Công ty CP Gang thép Thái Nguyên: Dự án giai đoạn 2 vẫn dừng thi công và Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam một số nguyên cán bộ lãnh đạo chuyên môn của TISCO và Vnsteel. Điều này đã ảnh hưởng đến tư tưởng của đội ngũ, làm giảm mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp, tác động tiêu cực đến việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của công ty.
“Sau khi tính điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 8.100 tỷ thì dự án vẫn được đánh giá có hiệu quả. Tổng công ty tư vấn xây dựng Việt Nam của Bộ Xây dựng thẩm định và đưa ra con số tính toán, cả 3 phương án vay đều cho thấy dự án có hiệu quả, tỷ lệ hoàn vốn nội bộ IRR từ 16-17,1%. Như vậy dự án có khả năng trả nợ”, vị này cho biết.
Nói về lý do dự án chưa thể hoàn thành, vị này cho rằng: Yếu tố chủ quan là năng lực Ban quản lý dự án kém. Ngoài ra, sau khủng hoảng tài chính năm 2007, mặt bằng giá thay đổi, giá vật tư nguyên liệu lên mặt bằng mới. Những quy định liên quan đến tiền lương, tỷ giá ngoại tệ,... cũng thay đổi. Sau khi điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự án vẫn không thu xếp được vốn nên phải tạm dừng.
"Ngoài ra, tổng thầu Trung Quốc tại dự án này có nhiều điểm rất không ổn", vị này cho hay.
Cách duy nhất: Thoái hết vốn nhà nước khỏi TISCO
Ngoài dự án mở rộng giai đoạn 2 đang đắp chiếu, TISCO vẫn tiếp tục hoạt động sản xuất.
Báo cáo mới nhất của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên cho thấy, dù đang phải mang trên vai gánh nặng từ dự án mở rộng giai đoạn 2 nằm đắp chiếu, nhưng 6 tháng đầu năm TISCO vẫn đạt doanh thu gần 5.500 tỷ đồng, nộp ngân sách 115 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất 46 tỷ đồng.
Bên trong kho chứa thiết bị chưa lắp đặt của dự án. |
“Trong điều kiện dự án giai đoạn 2 chưa có tiến triển, ngân hàng Vietinbank bán nợ của TISCO sang Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), tình hình tài chính gặp nhiều khó khăn do các ngân hàng chuyển nhóm nợ đối với công ty. Công ty tiếp tục chủ động làm việc với các ngân hàng, các đối tác cung cấp nguyên vật liệu và nhà phân phối, lập kế hoạch sản xuất đảm bảo có hiệu quả trong từng thời kỳ để lo vốn phục vụ sản xuất kinh doanh”, báo cáo của TISCO cho biết.
Đại diện Tổng công ty Thép Việt Nam cho hay, hiện TISCO vẫn giữ được sản xuất và tiêu thụ, 4 năm qua sản xuất và tiêu thụ đều tăng trưởng. Thị phần gang thép chiếm khoảng 8-10%. Họ vẫn đảm bảo tiền lương trung bình 8,5 triệu đồng cho gần 5.000 lao động, đóng góp ngân sách.
“4 năm qua công ty đều có lãi. 6 tháng đầu năm nay cũng lãi mấy chục tỷ đồng”, lãnh đạo VnSteel cho biết.
Nói về lối thoát của dự án này, lãnh đạo VnSteel cho rằng: Thoái vốn là giải pháp tốt nhất cho dự án. Khi đã thoái vốn thì theo quy định pháp luật, thông qua đấu giá, đảm bảo tính thị trường, công khai, minh bạch và công bằng cho tất cả.
Nếu Gang thép Thái Nguyên không thoái vốn nhanh thì khó khăn càng thêm chồng chất. Mặc dù TISCO đang sản xuất có lãi nhưng gánh nặng từ dự án mở rộng giai đoạn 2 đắp chiếu khiến việc vay vốn ngắn hạn càng thêm khó. Chưa kể, lãi mẹ đẻ lãi con ở dự án mở rộng giai đoạn 2 sẽ khiến TISCO càng để lâu càng mất thêm tiền.
“Thoái vốn sớm có nhà đầu tư mới vào, có năng lực tài chính, bơm nguồn tài chính vào vừa giải quyết dự án vừa nâng cao sản xuất”, đại diện VnSteel nhận định.
Phương án xử lý dự án mở rộng gang thép Thái nguyên giai đoạn 2 theo Đề án ban hành theo Quyết định 1468 ngày 29/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ là thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu lại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Trường hợp phương án này không thành công sẽ xem xét lựa chọn các phương án: Một là bán dự án; hai là kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư góp vốn đầu tư dự án.
Vietnamnet