Đại gia bán lẻ Hàn Quốc GS25 bước chân vào thị trường Việt Nam với tham vọng 2.500 cửa hàng
Theo thông tin chúng tôi có được, quý 1/2018 GS25 sẽ chính thức "đặt chân" vào thị trường bán lẻ Việt Nam thông qua việc liên doanh với Sơn Kim Retail (thuộc Sơn Kim Group).
- 06-10-2017Thị trường bán lẻ: Khi ông ngoại ồ ạt đổ bộ, nguy cơ “quân ta đánh quân mình” để giành giật cơ hội
- 06-09-2017Thị trường bán lẻ Việt Nam – Sự trở lại ngoạn mục
- 19-07-2017Mặt bằng bán lẻ trong khu đô thị hút khách
- 05-07-2017Chỉ số phát triển bán lẻ của Việt Nam xếp thứ 6 thế giới nhưng chưa phải là thời điểm để các doanh nghiệp BĐS bán lẻ ăn mừng
Cửa hàng đầu tiên của GS25 sẽ đặt tại số 22A Trương Định, quận 3, TP.HCM. Theo kế hoạch, GS25 Việt Nam sẽ mở 4 cửa hàng vào cuối tháng 1 tại khu trung tâm TP. HCM, trước khi mở thêm 50 cửa hàng vào cuối năm nay. Sau đó, công ty tính mở rộng ra Hà Nội vào năm 2020.
Trong chiến lược kinh doanh dài hơi, GS25 đặt mục tiêu sẽ mở hơn 2.500 cửa hàng trong vòng 10 năm tới tại Việt Nam, tổng doanh thu từ lĩnh vực này kỳ vọng sẽ đạt con số hơn 3 tỷ USD. Trong khi đó, đối thủ đáng của GS25 là 7-Eleven cũng chỉ dám đặt mục tiêu mở khoảng 1.000 cửa hàng trên cả nước trong vòng 10 năm tới. Điều này cho thấy, GS 25 đang rất tham vọng giành thị phần bán lẻ tại Việt Nam khi thị trường này đang được đánh giá là khá hấp dẫn với khối ngoại.
“Chúng tôi đã nhận được rất nhiều lời đề nghị hợp tác từ nhiều nước như Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác để đưa thương hiệu vào thị trường mới. Tuy nhiên, sau một vài tháng nghiên cứu, chúng tôi đã cho rằng Việt Nam là thị trường tiềm năng nhất", người phát ngôn của GS Retail nói trên Insideretail.
Trang Insideretail cũng cho biết thêm hiện GS Retail nắm 30% cổ phần tại công ty liên doanh với Sơn Kim Retailtại TP.HCM và dự kiến sẽ ký kết các thỏa thuận về nhượng quyền với công ty liên doanh để nhận được các đặc quyền lợi về sử dụng thương hiệu và điều hành.
Trao đổi với chúng tôi mới đây, một đại diện của Sơn Kim Land cho rằng lĩnh vực bán lẻ đã từng là một ngành kinh doanh truyền thống của gia tộc này. Tuy nhiên, một thời gian khá dài qua, đặc biệt sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế, mảng kinh doanh này tạm thời "lùi lại" để tập trung mạnh vào đầu tư các dự án bất động sản.
"Không phải bây giờ chúng tôi mới đầu tư cho bán lẻ nhưng đây là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh song song với việc đầu tư vào địa ốc. Đặc biệt, để hợp tác được với nhau, hai bên cũng đã có một khoảng thời gian khá dài để tìm hiểu, nghiên cứu khá kĩ về nhau", vị này cho biết.
Lý do thứ nhất phải kể đến đó là mối quan hệ hợp tác của GS Retail với Tập đoàn Sơn Kim. Không có gì khó hiểu khi tập đoàn Hàn Quốc lại chọn Sơn Kim làm đối tác nhượng quyền bởi đây chính là 'ông lớn' đứng đằng sau các thương vụ nhượng quyền đình đám trong ngành thời trang, đặc biệt là ở dòng sản phẩm đồ lót.
Trong lĩnh vực bán lẻ, Sơn Kim có tới 4 công ty con, là Sơn Kim Fashion, liên doanh chuyên đồ lót Quadrille&Vera, nội thất SB Furniture và kênh bán hàng qua tivi VGS Shop. VGS Shop đang được phát sóng 24h trên 4 mạng cáp lớn HTVC, VTC, HCTV, IPTV và một số mạng cáp tỉnh. Hiện nay, Sơn Kim là một nhà một nhà bán lẻ lớn với hơn 400 cửa hàng trên khắp Việt Nam và là nhà sản xuất gốc cho các thương hiệu đồ lót như Jockey, Vera, J.Buss và WOW.
Trước khi hợp tác liên doanh với GS25, Sơn Kim Fashion (thuộc tập đoàn Sơn Kim) đã hợp tác với GS Home Shopping (công ty con của GS Group) trong mảng mua sắm tại nhà từ năm 2012. Bên cạnh đó, nội thất SB Furniture cũng là sản phẩm hợp tác giữa một liên doanh với GS Shop của Hàn Quốc.
Theo thoả thuận, GS Retail sẽ cung cấp kinh nghiệm quản lý, vận hành chuỗi cửa hàng tiện lợi và quyền sử dụng nhãn hiệu cho liên doanh. Ngược lại, liên doanh sẽ phải trả tiền bản quyền và lợi tức cho GS Retail tương ứng với 30% cổ phần nắm giữ.
Một báo cáo mới đây của CBRE Việt Nam cho thấy, với việc quay trở lại thứ hạng 6 trên toàn thế giới theo Chỉ số phát triển bán lẻ năm 2017 của AT Kearney, Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp bán lẻ như: niềm tin của khách hàng, sự bùng nổ của thương mại điện tử, tự do thương mại và hạ tầng cơ sở liên tục được nâng cấp và phát triển.
Thêm vào đó, thị trường bán lẻ tại Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển bởi mật độ bán lẻ tại Hà Nội và TP.HCM hiện vẫn còn khá thấp, mới chỉ khiêm tốn ở mức từ khoảng 0,26 và 0,12 m2 bán lẻ/người, thấp hơn nhiều so với các thành phố khác trong khu vực như Bangkok, Singapore và Kuala Lumpur.
Trong những năm trở lại đây, thị trường Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ của các chuỗi cửa hàng tiện lợi với mức tăng trưởng hàng năm 70%. Các tên tuổi đình đám có thể kể đến là chuỗi cửa hàng tiện lợi Vinmart+, 7-Eleven, Circle K, Mini Stop hay Shop&Go.