MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại gia đình đang nắm vốn chi phối tại Bột giặt và Hóa chất Đức Giang là ai?

27-09-2016 - 08:21 AM | Doanh nghiệp

Chủ tịch Đào Hữu Huyền và các cá nhân liên quan nắm giữ khoảng 40% cơ cấu cổ đông của DGC. Em trai Chủ tịch HĐQT, nắm giữ 3,3 triệu cổ phiếu (7,87%); Vợ Chủ tịch HĐQT, nắm giữ 3,2 triệu cổ phiếu (7,76%). Con gái sở hữu 19.000 cổ phiếu...

CTCP Bột giặt và Hóa chất Đức Giang (DGC) là đơn vị sản xuất phốt pho vàng lớn nhất Việt Nam, với các sản phẩm chính bao gồm phốt pho vàng, axit photphoric, bột giặt, phụ gia thức ăn chăn nuôi và phân lân.

DGC được thành lập vào năm 1963 và chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần từ năm 2004 với vốn điều lệ 15 tỷ đồng. Năm 2007, DGC trở thành công ty đại chúng, năm 2014, DGC niêm yết vào giao dịch cổ phiếu trên Sở GDCK Hà Nội với vốn điều lệ 500 tỷ đồng.

Bột giặt tan dần, hóa chất lên ngôi

Mảng sản phẩm bột giặt từng vang bóng một thời nhưng giờ đây chỉ còn đóng góp khoảng 10% vào doanh thu và lợi nhuận của công ty do cạnh tranh khó khăn và các công tác quảng cáo tiếp thị không hiệu quả. Trong nửa đầu năm 2016, DGC ghi nhận 1.191,2 tỷ doanh thu, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, và 178,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu và lợi nhuận của DGC được đóng góp bởi 2 sản phẩm chính là phốt pho vàng và các sản phẩm phân bón.

Việt Nam là quốc gia có thế mạnh trong sản xuất phốt pho vàng, nhờ nguồn quặng apatit dồi dào. Quặng apatit là nguyên liệu chính để sản xuất phốt pho vàng, trong đó, mỏ quặng ở Lào Cai được đánh giá là lớn nhất khu vực Đông Nam Á.


Tỷ lệ sở hữu của DGC tại các công ty con. Nguồn: DGC.

Tỷ lệ sở hữu của DGC tại các công ty con. Nguồn: DGC.

DGC hiện đang có 2 công ty con, và 2 công ty liên kết được thành lập để hưởng các ưu đãi thuế cho doanh nghiệp mới. Các dự án mới của doanh nghiệp được chú trọng ở các công ty con liên kết để hưởng mức thuế suất ưu đãi trong 15 năm: 0% cho 4 năm đầu, 5% cho 9 năm tiếp theo và 10% sau đó. Các công ty đó gồm: CTCP Hóa chất Đức Giang Lào Cai (DGL), tỷ lệ nắm giữ 61,68%; CTCP Hóa chất Đức Giang Đình Vũ (DDC), tỷ lệ nắm giữ 61,26%; CTCP Hóa chất Phân bón Lào Cai (LFC), tỷ lệ nắm giữ 31,9%; CTCP Hóa chất Bảo Thắng, tỷ lệ nắm giữ 43,31%.

Hoạt động sản xuất phốt pho vàng của DGC do công ty con DGL đảm nhận, và sắp tới là công ty liên kết Bảo Thắng. Sâu thêm vào chuỗi giá trị của phốt pho là các sản phẩm phân bón và phụ gia thức ăn gia súc. Các sản phẩm phân bón và phụ gia thức ăn gia súc được sản xuất bởi công ty con là DGL.

Ai đang chi phối DGC?

Cơ cấu cổ đông của DGC khá cô đặc, Chủ tịch Đào Hữu Huyền và các cá nhân liên quan nắm giữ khoảng 40% cơ cấu cổ đông của DGC. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) là cổ đông lớn thứ hai với 19,9%.

Danh sách cổ đông lớn của công ty gồm: Ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT nắm giữ 11 triệu cổ phiếu (26,2%); Vinachem nắm giữ 8,4 triệu cổ phiếu (19,91%); ông Đào Hữu Kha, em trai Chủ tịch HĐQT, nắm giữ 3,3 triệu cổ phiếu (7,87%); bà Ngô Thị Ngọc Lan, vợ Chủ tịch HĐQT, nắm giữ 3,2 triệu cổ phiếu (7,76%). Ngoài ra, con gái ông Đào Hữu Huyền là bà Đào Hồng Hạnh sở hữu 19.000 cổ phiếu DGC, em gái ông Huyền là bà Đào Thị Quyên cũng đang sở hữu 38.000 cổ phiếu.


Cơ cấu sở hữu tại DGC. Nguồn: DGC

Cơ cấu sở hữu tại DGC. Nguồn: DGC

Ông Đào Hữu Huyền, sinh năm 1956, trước khi trở thành Chủ tịch DGC vào năm 2007, ông là Giám đốc Công ty TNHH Văn Minh. Năm 2009, ông Huyền kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT CTCP Hóa chất Đức Giang – Lào Cai; năm 2012 làm Chủ tịch HĐQT CTCP Hóa chất Phân bón Lào Cài; năm 2015 làm Chủ tịch HĐQT CTCP Hóa chất Bảo Thắng.

Ông Đào Hữu Huyền được coi là đại gia mới nổi kể từ khi cổ phiếu DGC lên sàn vào năm 2014 và sau đó là DGL năm 2015. Năm 2015, ông lọt vào Top 30 người giàu nhất sàn chứng khoán nhờ sở hữu cổ phiếu DGC và DGL với tổng giá trị cổ phiếu là 700 tỷ đồng.

Tài sản của ông Huyền và gia đình được dự báo sẽ tăng trong thời gian tới nhờ các dự án DGC sắp triển khai. Theo kế hoạch, DGC sẽ triển khai dự án nhiệt điện công suất 100 MW, thực hiện bởi DGL, với tổng nguồn vốn đầu tư dự kiến là 1.800 tỷ đồng, tài trợ 50% ‐ 60% bởi nguồn vốn vay ngân hàng. Dự án được dự kiến khởi công trong đầu năm 2017, và hoàn thành vào cuối 2018.

Đối với dự án xây dựng bất động sản, công ty dự kiến di chuyển trụ sở nhà máy tại Đức Giang, Long Biên, Hà Nội về Hưng Yên và sử dụng khu đất 4,7 ha này để xây chung cư bán thương mại. Dự án này dự kiến khởi công từ quý 2/2017 và thực hiện trong 4 năm với tổng vốn đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng.

DGC đang có kế hoạch sáp nhập tất cả các công ty con và công ty liên kết vào công ty mẹ, theo hình thức tập đoàn với mã cổ phiếu duy nhất là DGC.

Theo Hiền Anh

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên