Đại gia eDigi, PhinDeli, Saigon Casa,… lũ lượt rời bỏ, điều gì đang xảy ra với mặt bằng tiền tỷ tại khu vực Nhà thờ Đức Bà, Hồ Con Rùa TP.HCM?
Các mặt bằng tại những khu "đất vàng" của TP.HCM đã không còn sức hút với khách thuê?
- 26-01-2023Cứ 5 người Việt lại có 2 người bỏ ra 70.000 đồng cho một cốc cà phê "hàng hiệu": Chịu chi là vậy nhưng 2022 lại là năm sóng gió dữ dội với The Coffee House, Amazon Café, Chuk Chuk, PhinDeli...
- 27-12-2022Nova Group sau 1 tháng công bố tái cấu trúc: Một số điểm Cà phê Casa dừng hoạt động, PhinDeli gỡ biển tại vị trí đắc địa
- 30-09-2022Khi PhinDeli mở rộng chuỗi dưới tay Nova F&B: Cảm giác quen thuộc như Highlands
Trong kinh doanh bán lẻ và F&B, địa điểm của cửa hàng luôn là một trong những tiêu chí được đặt lên hàng đầu, quyết định trực tiếp đến doanh thu, kết quả kinh doanh hay độ thân thuộc của thương hiệu. Vì vậy mà không lấy làm lạ khi các khu vực trung tâm TP.HCM như khu Nhà thờ Đức Bà, Hồ Con Rùa, phố đi bộ Nguyễn Huệ luôn bị vây kín bởi các thương hiệu lớn dù giá thuê lên tới vài trăm triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên vài tháng trở lại đây, chính những địa điểm “đất vàng” này lại chứng kiến sự rời đi của hàng loạt thương hiệu bán lẻ, F&B đình đám.
Tại khu vực Nhà thờ Đức Bà , mới đây thương hiệu chuyên phân phối các sản phẩm Apple - eDigi thuộc hệ sinh thái của “ông trùm” hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn đã thông báo đóng cửa. Chính thức dừng hoạt động sau 5 năm mở cửa ở mặt bằng đắc địa, lý do Tập đoàn IPPG đưa ra là điều kiện thị trường không thuận lợi.
Không riêng eDigi, cuối tháng 4/2023, thương hiệu chuỗi cà phê có tiếng đến từ Trung Quốc – Mellower Coffee đã phát đi thông báo chia tay thị trường, đồng nghĩa với việc cửa hàng tại tòa nhà Metropolitan (đường Đồng Khởi), có tầm nhìn hướng ra Nhà thờ Đức Bà cũng đóng cửa. Mellower Coffee tập trung vào phân khúc cao cấp, với các món nước, cà phê giá 49.000 – 230.000 đồng/ly, không gian sang chảnh.
Một thương hiệu cà phê khác là Cafe Saigon La Poste, với cửa hàng nằm cạnh Bưu điện Thành phố nhìn ra hướng Nhà thờ Đức Bà, cũng đóng cửa im lìm nhiều tháng qua.
Trong khi đó, một khu vực đắt giá khác là Hồ Con Rùa cũng chứng kiến cảnh các thương hiệu “dứt áo ra đi”, trong đó có PhinDeli và Saigon Casa – đều thuộc Tập đoàn Novaland. Ngoài ra, một số đơn vị kinh doanh khác cũng đã đóng cửa mặt bằng tại đây, gây nên cảnh tượng trống vắng, kém sôi động.
Chia sẻ quan điểm về hiện tượng đóng cửa, bỏ trống mặt bằng ở nhiều vị trí đắc địa tại TP.HCM, bà Trần Phạm Phương Quyên - Quản lý Bộ phận Cho thuê Bán lẻ Savills TP.HCM cho biết, đây là kết quả của những kế hoạch đóng/mở cửa hàng đã được các thương hiệu sắp xếp trước, cách đây 3-6 tháng hoặc thậm chí một năm.
"Hằng năm, mỗi nhãn hàng đều đã lên sẵn kế hoạch kinh doanh của mình. Việc điểm bán hàng được mở ra hay đóng lại cũng đều được sắp xếp từ cuối năm trước đó. Đối với một nhãn hàng, khi mô hình kinh doanh của họ chưa đạt được hiệu quả như mong đợi hoặc do làn sóng thay đổi để thích nghi của các nhà hàng diễn ra nhanh chóng (do thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam thay đổi ), việc đóng cửa các mặt bằng đắc địa cũng là điều có thể nhìn thấy rõ.
Vòng đời của một thương hiệu trong ngành F&B thường không quá dài. Các nhãn hàng luôn phải chủ động cải tiến, sáng tạo để mang đến trải nghiệm mới cho khách hàng thì mới có thể phát triển bền vững. Sau khi đạt được thành công ở TP.HCM, họ thường sẽ mở rộng cơ sở đến thị trường Hà Nội và các tỉnh thành lân cận.
Còn với một số nhãn hàng, sau khi đã đạt được mục tiêu quảng bá thương hiệu nhờ mặt bằng đắc địa, họ sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo là cắt bớt chi phí thuê. Đồng thời, họ mở rộng cửa hàng ở các khu vực bán trung tâm để tiết giảm chi phí thuê mặt bằng mà vẫn giữ vững hiệu quả kinh doanh", bà Quyên phân tích.
Bên cạnh đó, có thể một phần lý do khiến các thương hiệu đang đóng cửa mặt bằng đắc địa đến từ khó khăn của nền kinh tế, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên mặt khác, theo bà Quyên, tháng 5-6 ở bất kỳ năm nào cũng là giai đoạn thấp điểm của ngành bán lẻ. Vì vậy, người tiêu dùng và công chúng sẽ có cảm giác thị trường đang nguội bớt nhưng đến mùa cao điểm của thị trường bán lẻ - giai đoạn tháng 9-12 thì tất cả sự nhộn nhịp sẽ quay trở lại.
Giá thuê vẫn tăng, các “ông lớn” vẫn ráo riết săn tìm mặt bằng
Giá thuê luôn đóng vai trò quan trọng trong mỗi quyết định mở hay đóng cửa của các nhãn hàng. Theo số liệu từ Savills, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại các TTTM ở TP.HCM vẫn giữ đà tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 3,2 triệu đồng/m2/tháng đối với khu vực trung tâm. Trong khi đó, giá thuê tại khu vực bán trung tâm chỉ chưa bằng một nửa.
Dù giá thuê cao, các nhãn hàng vẫn đang ráo riết săn lùng mặt bằng đẹp tại vị trí đắc địa, những cuộc thương lượng thậm chí vẫn diễn ra sôi nổi.
“Chỉ là dưới góc độ người tiêu dùng lúc này chưa thể thấy được toàn bộ các hoạt động đang diễn ra của thị trường. Những gì hiện hữu mà chúng ta nhìn thấy đã có một độ trễ so với những diễn biến bên trong thị trường bán lẻ. Ví dụ, các giao dịch thuê đang được chúng tôi thực hiện trong lúc này chưa thể ra mắt ngay với thị trường. Thường phải mất một thời gian vài tháng để cửa hàng thi công, lên kế hoạch khai trương.... Do đó, mọi người sẽ nhìn thấy sự xuất hiện thực sự về mặt vật lý của các thương hiệu mới vào khoảng cuối năm nay ”, chuyên gia Savills nhấn mạnh.
Cũng theo bà Trần Phạm Phương Quyên, từ năm 2022 đến nay, một vài thương hiệu ăn uống rất thành công ở Hà Nội đã, đang và sẽ chiếm dụng một số mặt bằng cực kỳ hoành tráng tại TP.HCM.
Giữ góc nhìn lạc quan với thị trường TP.HCM, chuyên gia Savills đánh giá đây vẫn là mảnh đất sáng giá và luôn nằm trong kế hoạch mở rộng của bất kỳ nhãn hàng nào. Đặc biệt đến năm sau, thị trường sẽ càng bùng nổ hơn nữa với sự gia nhập của nhiều thương hiệu quốc tế, tạo ra sự cạnh tranh, sôi động cùng với các thương hiệu nội địa. Các nhãn hàng quốc tế với nền tảng tài chính vững chắc cũng sẵn sàng chi trả cho những mặt bằng đạt tiêu chuẩn, nhằm phục vụ mục tiêu lớn nhất là xây dựng hình ảnh, sự nhận biết về thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng.
.
Nhịp sống thị trường