Đại gia Hàn Quốc đằng sau trường đua ngựa gần 500 triệu USD ở Sóc Sơn: Chủ khách sạn dát vàng đầu tiên ở Hà Nội, đầu tư dự án sân golf dính nhiều sai phạm
Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng trường đua ngựa tại huyện Sóc Sơn có tổng mức đầu tư 9.577 tỉ đồng (tương đương 420 triệu USD).
- 15-01-2024“Ông lớn” dệt may Trung Quốc sắp rót thêm 200 triệu USD xây nhà máy thứ 6 tại Việt Nam: Sản xuất cho Uniqlo, Victoria Secret, 40.000 lao động, xuất khẩu 1 tỷ USD
- 15-01-2024Kết quả kinh doanh quý 4/2023 ngày 15/1: Đã có 5 công ty báo lỗ, lần đầu "Big 4" ngân hàng cùng báo lợi nhuận tỷ đô
- 14-01-2024Diễn biến mới tại siêu dự án Điện khí LNG Hải Lăng 2,3 tỷ USD của bầu Hiển
UBND huyện Sóc Sơn đang tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa Sóc Sơn. Thời gian lấy ý kiến từ ngày 26/12/2023 đến ngày 04/02/2024.
Trên cơ sở ý kiến góp ý, tổng hợp ý kiến của UBND các xã, UBND huyện Sóc Sơn, đơn vị tổ chức lập quy hoạch là Công ty TNHH H&G sẽ tổng hợp, phân tích, lựa chọn các nội dung để bổ sung, hoặc điều chỉnh đồ án quy hoạch đảm bảo phù hợp với thực tiễn của địa phương và đáp ứng yêu cầu phát triển chung của khu vực và Thủ đô Hà Nội.
Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng trường đua ngựa tại huyện Sóc Sơn có tổng mức đầu tư 9.577 tỉ đồng (tương đương 420 triệu USD). Dự án được xây dựng tại địa bàn 2 xã Tân Minh và Phù Linh thuộc huyện Sóc Sơn.
Quy mô sử dụng đất của dự án dự kiến: Trường đua ngựa - sân vận động phục vụ đua ngựa sức chứa 30.000 khán giả rộng 99,5ha; hồ điều hòa 22,5ha; khách sạn 3 sao 1,5ha; trung tâm hội nghị, hội thảo 0,5ha và khu biệt thự nghỉ dưỡng 1ha.
Theo UBND TP. Hà Nội, khi dự án đi vào hoạt động sẽ thu hút khoảng 5.000 lao động trực tiếp và 20.000 đến 25.000 lao động gián tiếp; mang lại nguồn thu thường xuyên tương đối lớn cho ngân sách thành phố.
Theo tính toán của UBND TP. Hà Nội giai đoạn hình thành Dự án sẽ góp phần tăng nguồn thu ngân sách trên địa bàn, thuế doanh nghiệp thu được dự kiến trung bình đạt khoảng 10 triệu USD/năm và khoảng 40-50 triệu USD/năm khi đi vào vận hành toàn bộ. Ngoài ra, khi đi vào hoạt động, mỗi năm dự án sẽ nộp ngân sách Hà Nội 150 - 250 triệu USD.
Chủ đầu tư dự án là ai?
Chủ đầu tư dự án tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa Sóc Sơn là Công ty TNHH H&G - liên doanh giữa Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoi Tourist) và Công ty Global Consultant Network Co.Ltd (Hàn Quốc). Công ty TNHH H&G được thành lập từ tháng 11/2019 với vốn điều lệ 2.736 tỷ đồng, tương đương 120 triệu USD. Trong đó, Global Consultant Network góp 2.325,6 tỷ đồng, tương ứng 85% vốn điều lệ còn Hanoi Tourist góp 15%.
Dự án trường đua ngựa tại Hà Nội được nghiên cứu lần đầu năm 1999 với địa điểm dự kiến tại phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) và Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) nhưng so các quy định của pháp luật có liên quan đến việc cấp phép cá cược và đua ngựa chưa hoàn thiện nên phía đối tác nước ngoài trong liên doanh đã không vào triển khai thực hiện dự án, sau đó, UBND TP đã có Quyết định chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi giấy phép đầu tư.
Năm 2007, Hanoi Touris và Global Consultant Network đã có văn bản đề xuất xin nghiên cứu dự án.
Tháng 10/2019, Chủ tịch UBND TP Hà Nội lúc đó đã trao quyết định đầu tư Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - Trường đua ngựa tại huyện Sóc Sơn cho Tập đoàn Charmvit - Hàn Quốc.
Global Consultant Network là công ty do ông Lee Dae Bong (SN 1941), Chủ tịch Tập đoàn Charmvit làm Tổng giám đốc.
Tại Việt Nam, Charmvit là chủ đầu tư Khách sạn Việt Nam Grand Plaza Hà Nội - khách sạn 5 sao và được xem là khách sạn dát vàng đầu tiên tại Hà Nội. Năm 2019, khách sạn này từng vướng vào vụ việc nhân viên bảo vệ tại khách sạn đuổi người trú mưa trong cơn dông lốc khiến dư luận phẫn nộ.
Tập đoàn cũng là chủ đầu tư Tòa nhà Charmvit Hà Nội, nằm trong khu phức hợp văn phòng, trung tâm thương mại và khách sạn gồm 2 tòa tháp Grand Plaza (khu khách sạn) và Charmvit Tower (khu văn phòng).
Ngoài ra, Charmvit còn là chủ đầu tư dự án sân golf Phượng Hoàng (huyện Lương Sơn, Hòa Bình). Doanh nghiệp này thuê 300 ha đất tại xã Sơn Lâm trong vòng 50 năm và bắt đầu xây dựng sân golf từ năm 2005. Đến năm 2009, sân golf Phượng Hoàng chính thức đi vào hoạt động với tổng mức đầu tư 38 triệu USD .
Năm 2017, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án trên.
Theo kết luận thanh tra:
Dự án sử dụng đất đầu tư xây dựng không nằm trong quy hoạch sân golf được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quá trình xây dựng không có quy hoạch chi tiết 1/500;
Khi thu hồi đất, cho thuê đất thực hiện dự án không năm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt;
Nhiều hạng mục công trình xây dựng không phép;
Xác định tiền thuê đất không đúng quy định, khấu trừ tiền Chủ đầu tư ứng trước cho bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng;
Tự thỏa thuận giá đất cho thuê, không tuân thủ quy định của pháp luật;
Ký hợp đồng cho thuê đất theo phương thức trả tiền một lần cho cả thời gian thuê đất là không đúng với Giấy chứng nhận đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp, gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Nhịp sống thị trường