Đại gia ngoài ngành lại đua nhau lao vào địa ốc
Thị trường BĐS 2 năm qua đón nhận nhiều thông tin tích cực như vốn FDI tiếp tục chảy vào địa ốc từ đầu năm đến nay đạt khoảng 300 triệu USD, hoạt động M&A diễn ra sôi động...trong đó nhiều doanh nghiệp "ngoại đạo" lại dấn thân vào lĩnh vực này.
Họ là ai?
Tại Hội nghị đối thoại của Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra ngày 17.5 vừa qua, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã cung cấp số liệu cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2017, lĩnh vực kinh doanh bất động sản xếp thứ 2 về số lượng doanh nghiệp thành lập mới khi có đến 1.391 doanh nghiệp đăng ký, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó có không ít doanh nghiệp ngoài ngành tham gia vào sân chơi này.
Đánh giá về hiện tượng này nhiều chuyên gia cho rằng, bất động sản vẫn luôn là lĩnh vực “hot” thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Thị trường đã đi qua giai đoạn trầm lắng, nhiều thương vụ M&A đã được các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính triển khai, và năm 2017 là thời điểm để doanh nghiệp hiện thực hóa các dự án.
Trong số đó, có thể liệt kê ra nhiều “lính mới” tham gia thị trường. Chẳng hạn, Tập đoàn Đồng Lực, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm và thiết bị y tế lại đầu tư vào một Dự án tổ hợp căn hộ cao cấp tại Thủ đô Hà Nội, thông qua việc sở hữu Công ty cổ phần Tháp nước Hà Nội - là chủ đầu tư Dự án Hanoi Aqua Central.
Hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, nhưng gần đây Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn (Seaprodex Sài Gòn) đã công bố rót 250 tỷ đồng vào dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng và căn hộ 20 tầng ở quận Tân Bình (TP HCM).
Hay như một công ty thủy sản khác là Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương, cũng đang tính chuyện tham gia lĩnh vực địa ốc với quỹ đất khoảng 10ha ở KCN Tân Tạo; Hay như Công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi) trong kế hoạch kinh doanh năm 2017 cũng thể hiện rõ việc đầu tư và khai thác một số dự án khách sạn. Hiện Tracodi đã thực hiện các thủ tục triển khai dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp và văn phòng tại số 89 Cách mạng Tháng 8, Quận 1, tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 850 tỷ đồng…
Không chỉ những doanh nghiệp trên, Tôn Hoa Sen được biết đến là nhà sản xuất thép, tôn mạ...gần đây cũng đã thể hiện tham vọng lấn sân sang địa ốc, bằng việc thành lập nhiều công ty chuyên đầu tư vào địa ốc. Nổi bật nhất là việc rót vốn đầu tư cho nhiều dự án có quy mô lớn tại hai tỉnh Yên Bái, Bình Định.
Cơ hội và rủi ro
Việc mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp ngoài ngành là một tín hiệu đáng mừng cho thị trường bất động sản. Những nhân tố mới với tầm nhìn, hướng đi mới hứa hẹn sẽ đưa thị trường vào giai đoạn phát triển mới, giải quyết được phần nào nhu cầu về nhà ở, nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân cả nước và du khách nước ngoài.
Điều này cũng được xem là tín hiệu đáng mừng cho các ngành công nghiệp phụ trợ như sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất, tài chính… Đặc biệt, các dự án lớn được triển khai tại nhiều địa phương sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế vùng phát triển, góp phần giải quyết nguồn lao động tại địa phương.
Điều này đem lại nhiều cơ hội cho chính các doanh nghiệp "ngoại đạo" này khi mở rộng hoạt động kinh doanh, đa dạng hóa lĩnh vực đầu tư, cũng như đem lại cơ hội kinh doanh của nhiều DN thuộc các lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, bất động sản là một lĩnh vực đầu tư tiềm ẩn không ít rủi ro. Việc ồ ạt đầu tư rất dễ khiến các doanh nghiệp “sa lầy” vào những dự án không khả thi vì sự chủ quan, thiếu kinh nghiệm, hoặc không dự đoán được diễn biến của thị trường… Tình trạng mất cân bằng cung - cầu khiến dự án khó thanh khoản, hàng loạt dự án “đắp chiếu”… cũng dễ xảy ra.
Theo ông Phan Xuân Cần - Chủ tịch Công ty Soho Vietnam - đơn vị chuyên tư vấn các thương vụ chuyển nhượng dự án cũng thừa nhận nhu cầu của khách hàng tăng khá mạnh trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên theo ông, lĩnh vực bất động sản không phải dành cho tất cả các nhà đầu tư, đối với những doanh nghiệp mới nên hết sức thận trọng trong việc lựa chọn dự án để rót tiền. Bài học đầu tư từ các “ông lớn” trong thời gian trước như Tập đoàn Mai Linh, Công ty CP xe khách Phương Trang hay tập đoàn Hòa Bình... vẫn luôn là những lời cảnh tỉnh cho nhiều doanh nghiệp khi bước chân vào lĩnh vực đầu tư này.