Đại gia rác ngập trong nợ nần, bị ngân hàng rao bán tài sản
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa thông báo việc bán đấu giá khoản nợ của Công ty cổ phần Đầu tư Thành Quang (Công ty Thành Quang) với giá khởi điểm hơn 675 tỷ đồng.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên BIDV rao bán đấu giá khoản nợ này. Công ty cổ phần Đầu tư Thành Quang (Công ty Thành Quang) chính là chủ đầu tư một số dự án nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong đó có dự án để lại nhiều tai tiếng là Khu xử lý rác thải huyện Đông Anh, một dự án bị chậm tiến độ và đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng dù được khởi công từ năm 2011 và dự kiến đưa vào hoạt động năm 2017.
Công ty Thành Quang do ông Nguyễn Thanh Quang là người đại diện theo pháp luật. Ông Quang còn là người đại diện tại một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái Thành Quang Group như: Công ty cổ phần Môi trường đô thị Thành Quang; Chi nhánh 2 Công ty cổ phần Đầu tư Thành Quang – Nhà máy rác Đan Phượng.
Nói về dự án Khu xử lý rác thải huyện Đông Anh, dự án có tổng mức đầu tư 768 tỷ đồng, trong đó vốn góp tự có của Công ty Thành Quang là 158,985 tỷ đồng (chiếm 20,69%), vốn vay thương mại là 690,453 tỷ đồng (chiếm 79,31%). Thời hạn thuê đất là 49 năm, kể từ ngày 11/11/2011. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện DA, Nhà đầu tư đã để xảy ra một số hạn chế, thiếu sót, vi phạm dẫn đến chậm tiến độ.
Tháng 2/2020, Sở KH&ĐT thành phố Hà Nội công bố kết quả thanh tra chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình thực hiện dự án như: Nhà đầu tư còn hạn chế, lúng túng về lựa chọn công nghệ, cân đối nguồn vốn, hoàn thiện các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai và môi trường. Nhà đầu tư còn để xảy ra một số thiếu sót, vi phạm quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành trong thực hiện,…
Trong một lần trả lời báo chí về việc chậm tiến độ dự án, đại diện công ty cho biết sự thiếu kinh nghiệm của công ty trong lĩnh vực xử lý rác thải nguy hại khiến công ty không tính toán cẩn trọng bài toán kinh tế, cân đối tỉ lệ giữa xử lý rác sinh hoạt và rác công nghiệp, đồng thời có chiến lược về quy mô công suất ngay từ đầu, sau đó phải điều chỉnh qua lại nhiều lần.
Nhà máy xử lý rác Đông Anh do Công ty Thành Quang làm chủ đầu tư. |
Trong khi đó, dự án Nhà máy xử lý rác thứ hai do công ty làm chủ đầu tư là Nhà máy xử lý rác Phương Đình (huyện Đan Phượng) đi vào hoạt động từ năm 2015. Đây là dự án cũng từng có nhiều điều tiếng khi bị người dân địa phương phản đối về tình trạng gây ô nhiễm. Đồng thời việc nhà máy nhiều lần phải tạm dừng để sửa chữa cũng khiến người dân đặt ra nghi vấn về tính hiệu quả của nguồn vốn vay ưu đãi khi xây dựng nhà máy từ quỹ Bảo vệ môi trường Hà Nội.
Hồi đầu năm 2021, BIDV từng rao bán khoản nợ của Công ty Thành Quang với giá trị khoản nợ (số liệu tạm tính đến thời điểm 21/3/2021) là 670,6 tỷ đồng đồng, trong đó dư nợ gốc là 469,4 tỷ đồng và dư nợ lãi là 201,2 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ gồm máy móc thiết bị của dự án nhà máy xử lý rác thải huyện Đông Anh là tài sản hình thành từ vốn vay. Giá bán khởi điểm dự kiến là 670,6 tỷ đồng.
Do không tìm được đối tác mua lại khoản nợ trên, mới đây BIDV tiếp tục thông báo đấu giá khoản nợ này của Công ty Thành Quang với giá khởi điểm 675,859 tỷ đồng. Giá khởi điểm không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản, phí đăng ký và các chi phí khác (nếu có) khi thực hiện mua khoản nợ, các chi phí này do người trúng đấu giá chịu.
Theo thông báo của BIDV, thời gian tiếp nhận hồ sơ đấu giá từ ngày 21/9 đến hết ngày 8/10/2021. Thời gian diễn ra đấu giá là ngày 11/10/2021.
Người mua được tài sản bán đấu giá được sở hữu toàn bộ quyền đòi nợ và các quyền, nghĩa vụ khác liên quan đến khoản nợ phát sinh theo Hợp đồng tín dụng và các văn bản sửa đổi, bổ sung giữa BIDV với Công ty CP Đầu tư Thành Quang.
Infonet