MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Đại gia” Singapore UOB Asset Management với quy mô gần 600 nghìn tỷ đồng chuẩn bị đầu tư vào thị trường Việt Nam

UOB Asset Management, thành viên của ngân hàng Singpore - United Overseas Bank (UOB) đang lên kế hoạch mua lại CTCP Quản lý quỹ VAM Việt Nam (VAM Vietnam Fund Management JSC) với mức giá 113,68 tỷ đồng (6,7 triệu đô la Singapore).

Theo tin từ The Business Times, UOB Asset Management, thành viên của ngân hàng Singpore - United Overseas Bank (UOB) đang lên kế hoạch mua lại CTCP Quản lý quỹ VAM Việt Nam (VAM Vietnam Fund Management JSC) với mức giá 113,68 tỷ đồng (6,7 triệu đô la Singapore).

UOB Asset Management đã đạt được thỏa thuận về việc mua lại 1,13 triệu cổ phần VAM Việt Nam từ ông Nguyễn Xuân Minh, tương ứng 24,53% vốn điều lệ công ty.

Sau đó, UOB Asset Management sẽ tiếp tục mua thêm 3,47 triệu cổ phần VAM Việt Nam, tương ứng 75,47% vốn điều lệ công ty từ các cổ đông khác. Sau khi hoàn tất thương vụ, CTCP Quản lý quỹ VAM Việt Nam sẽ trở thành công ty con của UOB Asset Management.

Thương vụ thâu tóm Quản lý quỹ VAM Việt Nam được thực hiện bằng nguồn lực tài chính của UOB Asset Management. Giá trị thương vụ 113,68 tỉ đồng bao gồm vốn, giá trị tài sản ròng và tài sản thuộc quyền quản lí của VAM Việt Nam.

Tại ngày 31/10, giá trị tài sản của VAM Việt Nam đạt 26 tỷ đồng và công ty quản lý danh mục với giá trị 114 tỷ đồng.

Việc mua lại VAM Việt Nam sẽ không ảnh hưởng lớn đến KQKD của UOB trong năm tài chính hiện tại. Thương vụ mua lại giúp tăng cường hình ảnh của UOB Asset Management tại thị trường châu Á, phù hợp với chiến lược của công ty.

Theo tìm hiểu, UOB Asset Management được thành lập vào năm 1986 và là công ty quản lý tài sản hàng đầu Châu Á với quy mô danh mục tại ngày 31/12/2018 đạt 35,1 tỷ đô la Singapore (597 nghìn tỷ đồng).

Trong khi đó, Công ty quản lý quỹ VAM Việt Nam hoạt động không thực sự hiệu quả. Năm 2017, giai đoạn thị trường chứng khoán Việt Nam "thăng hoa" thì quỹ chỉ đạt lợi nhuận 751 triệu đồng, sang năm 2018 con số lợi nhuận vỏn vẹn 85,6 triệu đồng.

Báo cáo KQKD 9 tháng năm 2019 cho biết VAM Việt Nam lỗ 2,06 tỷ đồng, qua đó kéo lỗ lũy kế lên 20,2 tỷ đồng. Danh mục đầu tư cổ phiếu của VAM Việt Nam có giá trị ghi sổ 31 tỷ đồng nhưng giá trị hợp lý vào cuối tháng 9 chỉ còn 27,88 tỷ đồng.

Được biết, ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT VAM Việt Nam là người có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư và quản lý quỹ tại Singapore và Viêt Nam. Trước khi đồng sáng lập VAM vào năm 2006, ông có gần 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý quỹ đầu tư tại Công ty Franklin Templeton Investments. Ông gia nhập Tập đoàn Templeton Emerging Market Group dưới sự lãnh đạo của TS. Mark Mobius vào năm 1997 ở vị trí Chuyên viên Phân tích Đầu tư và sau đó là Trưởng Đại diện của Templeton tại Việt Nam. Vào năm 1998, ông chuyển đến Singapore công tác cho đến tháng 12 năm 2006 và giữ vị trí Phó Chủ tịch của Công ty.

Trong suốt thời gian làm việc tại Franklin Templeton Investments, ông đã tham gia đồng quản lý một số quỹ đầu tư chứng khoán đại chúng và riêng lẻ tại các thị trường trong khu vực. Ông cũng tham gia phân tích và đánh giá nhiều cơ hội đầu tư vào các công ty tư nhân và đại chúng ở Đài Loan, Hàn Quốc và Việt Nam. Ông Minh từng là thành viên của Ban Thẩm định Đầu tư khu vực Đông Nam Á của Công ty, nơi xét duyệt các đề nghị đầu tư của các chuyên gia phân tích đầu tư của Templeton trong khu vực. Ông hiện đang giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị của công ty chứng khoán Kỹ Thương và là thành viên Hội đồng Quản trị tại một số công ty khác trong nước.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên