“Đại gia” Việt mang hơn 4 tỷ USD sang Lào, Campuchia làm nông nghiệp
Tính đến nay Việt Nam đã đầu tư sang Lào hơn 5 tỷ USD, sang Campuchia gần 3 tỷ USD. Trong đó có khoảng hơn 4 tỷ là đầu tư vào nông nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị về đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang các nước tiểu vùng sông Mê Kông ngày 17/2, đại diện Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho biết, tính đến tháng 1/2017, có 1.188 dự án đầu tư tại 70 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 21,395 tỷ USD.
Thị trường chủ yếu của các nhà đầu tư Việt Nam là Lào với 270 dự án, trị giá 5,12 tỷ USD; Campuchia với 191 dự án giá trị 2,89 tỷ USD. Ngoài ra còn đầu tư vào một số quốc gia khác như Mỹ, Nga, Châu Phi…
Lĩnh vực đầu tư chủ yếu của các doanh nghiệp Việt là nông lâm nghiệp, viễn thông, khai khoáng, dịch vụ khám chữa bệnh… Đây là những lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam và được thể hiện rất rõ về quy mô và cơ cấu vốn tại hai nước Lào, Campuchia, gần đây là Myanmar.
Cụ thể, tại thị trường Campuchia, trong tổng số vốn hơn 2,85 tỷ USD, các doanh nghiệp Việt Nam rót hơn 1,9 tỷ USD đầu tư lĩnh vực nông nghiệp (chiếm gần 67% tổng vốn). Tại Lào, trong tổng vốn 5,12 tỷ USD, các doanh nghiệp Việt rót hơn 2,2 tỷ USD vào lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi...
Trong đó, riêng Tập đoàn Cao su Việt Nam hiện có 23 dự án trồng cao su tại Lào và Campuchia với tổng diện tích đăng ký là 139.450 ha. Ngoài ra cũng có một số doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng thực hiện các dự án đầu tư trồng cao su tại Lào, Campuchia như Công ty Hoàng Anh Gia Lai hiện có 4 dự án với diện tích cao su đăng ký là 38.758 ha, diện tích đã trồng đạt 31.229 ha.
Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho rằng, lượng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài khẳng định được sự lớn mạnh của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư doanh nghiệp Việt cũng gặp không ít khó khăn khi đầu tư ra nước ngoài.
Cụ thể, Cục đầu tư nước ngoài cho biết hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư tại Lào, Campuchia đang trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện nên có nhiều thay đổi, chưa thống nhất và khó tiếp cận. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước chưa thật sự đồng bộ gây ảnh hưởng việc thực thi chính sách.
Chẳng hạn như thời gian vừa qua, Chính phủ Campuchia có sự thay đổi đột ngột về chính sách đất tô nhượng như dừng cấp đất để thực hiện các dự án đầu tư nông - lâm nghiệp hoặc thay đổi thời hạn giao đất từ 70 năm, 90 năm xuống còn 50 năm đối với tất cả các dự án, kể cả dự án đã giao đất, cấp phép đầu tư trước đây; áp dụng hồi tố về thời hạn giao đất, cho thuê đất…
Một số dự án cao su cũng gặp khó khăn do phía quỹ đất chính quyền Campuchia chưa cấp đủ cho nhà đầu tư như đã thoả thuận. Lực lượng lao động Campuchia còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng nhưng theo quy định pháp luật của Campuchia, các nhà đầu tư Việt Nam chỉ được sử dụng 10% lao động Việt Nam tại các dự án.
Theo đại diện Cục đầu tư nước ngoài, tất cả những vấn đề trên đây đang gây khó khăn cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Do vậy, cơ quan này kiến nghị đẩy nhanh việc ký kết và triển khai có hiệu quả các hiệp định thương mại song phương, đa phương. Đồng thời sớm xây dựng các thoả thuận hợp tác mới bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.