MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ăn nên làm ra từ bán vàng mã, “đại gia” Yên Bái chi trả hàng chục tỷ đồng trả cổ tức mỗi năm cho cổ đông

Tính trung bình, mảng kinh doanh vàng mã mang về cho doanh nghiệp này khoảng 550 triệu đồng mỗi ngày.

Nhiều đời nay, đốt vàng mã trong ngày rằm, giỗ, tết là việc làm quan trọng đối với đời sống tâm linh người Việt Nam. Tuy nhiên, tập tục này đang có chiều hướng bị lạm dụng quá đà trong những năm gần đây gây lãng phí, ô nhiễm môi trường và dễ xảy ra nguy cơ cháy nổ.

Với quan niệm "trần sao âm vậy", không ít người thậm chí đã bỏ ra hàng triệu đến chục triệu đồng để "gửi đồ" cho thần linh, người đã khuất bằng cách đốt vàng mã. Các sản phẩm vàng mã không chỉ đơn giản là tiền mà còn có nhà lầu, xe hơi, tivi, tủ lạnh, iphone, thậm chí là cả người giúp việc…

Theo số liệu khảo sát của Tổng cục Thống kê trong năm 2016, người Việt đã chi ra khoảng 16.000 tỷ đồng cho việc cúng lễ, đốt vàng mã, con số này gấp khoảng 8 lần việc chi cho việc mua sách, truyện và đồ chơi trẻ em. Con số khảo sát trên có thể chưa hoàn toàn phản ánh đầy đủ, nhưng phần nào cho thấy người dân đang chi ra một lượng tiền không hề nhỏ vào việc đốt vàng mã trong các dịp lễ.

Có thể nói, quy mô to lớn của thị trường vàng mã đang là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng mã và các sản phẩm tâm linh. Trên sàn chứng khoán, hiện có CTCP Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái (CAP) là doanh nghiệp duy nhất hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vàng mã với doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018 cho biết, doanh thu CAP đạt 389 tỷ đồng – tăng 43%; Lợi nhuận sau thuế 34,4 tỷ đồng, gấp 2,7 lần năm trước và là kết quả tốt nhất có được kể từ khi thành lập. Trong đó, vàng mã, giấy đế (giấy làm vàng mã) đã mang về cho CAP doanh thu gần 200 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước đó và chiếm tới 51% doanh thu toàn công ty.

Tính trung bình, mảng kinh doanh này mang về bình quân cho CAP khoảng 550 triệu đồng mỗi ngày. Những con số thống kê đã chỉ ra tầm ảnh hưởng của vàng mã tới hoạt động kinh doanh của CAP. Các sản phẩm vàng mã, giấy đế của CAP hiện được tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, một thị trường có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, tín ngưỡng với Việt Nam.

Ăn nên làm ra từ bán vàng mã, “đại gia” Yên Bái chi trả hàng chục tỷ đồng trả cổ tức mỗi năm cho cổ đông - Ảnh 1.

Ngoài vàng mã, CAP còn kinh doanh các sản phẩm nông, lâm sản như tinh bột sắn, tinh dầu quế, bã sắn… Trong đó, nổi bật hơn cả là hoạt động kinh doanh tinh bột sắn. Năm 2018 vừa qua, tinh bột sắn mang về cho CAP doanh thu hơn 173 tỷ đồng, chiếm 45% tổng doanh thu công ty. So với năm 2017 thì doanh thu tinh bột sắn của CAP trong năm qua đã tăng gấp đôi.

Trước đây, phần lớn tinh bột sắn của CAP được dùng để phục vụ xuất khẩu, tuy nhiên trong những năm gần đây doanh nghiệp đã đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước, thậm chí tỷ trọng tiêu thụ trong nước còn lớn hơn xuất khẩu.

Trên sàn chứng khoán, CAP là một trong những doanh nghiệp chi trả cổ tức bằng tiền mặt đều đặn nhất với tỷ lệ thường từ 30 – 40% mỗi năm. Vốn điều lệ CAP hiện đạt gần 48 tỷ đồng, tương ứng 4,8 triệu cổ phiếu lưu hành. Như vậy, số tiền chi trả cổ tức cho cổ đông mỗi năm của CAP ước tính khoảng 20 tỷ đồng.

Hiện tại, cổ phiếu CAP đang giao dịch quanh vùng giá 40.000 đồng/cp, vốn hóa thị trường đạt gần 185 tỷ đồng.

Ăn nên làm ra từ bán vàng mã, “đại gia” Yên Bái chi trả hàng chục tỷ đồng trả cổ tức mỗi năm cho cổ đông - Ảnh 2.

Diễn biến cổ phiếu CAP từ khi lên sàn chứng khoán tới nay

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên