MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại học Đông Đô đào tạo văn bằng 2 trái phép thời gian dài, Bộ GDĐT có vô can?

06-08-2019 - 13:36 PM | Xã hội

Đại học Đông Đô đã thực hiện tuyển sinh, đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh trái phép từ nhiều năm nay và cấp phát bằng tốt nghiệp cho hàng trăm người học. Đặc biệt, phôi văn bằng, chứng chỉ này được cung ứng bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo - cơ quan nắm vai trò quản lý, giám sát việc đào tạo, cấp văn bằng của các trường đại học.

Bộ GDĐT  vừa giám sát, vừa cung ứng phôi văn bằng

Vụ việc lãnh đạo Trường ĐH Đông Đô móc ngoặc với tổ chức bên ngoài, cấp văn bằng 2 cho học viên trái quy định… đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Theo thông tin ban đầu, cơ quan điều tra xác định các bị can đã hợp thức hóa hồ sơ để cấp bằng cho học viên trong thời gian ngắn. Để hợp lý hóa hồ sơ cấp văn bằng 2, Trường ĐH Đông Đô tổ chức thi đầu vào, thi hết học phần 25 môn và thi tốt nghiệp cho các học viên chỉ trong thời gian 1 đến 2 ngày, một thời gian sau thì cấp bằng tốt nghiệp. Kể từ năm 2016 đến nay, trường này đã tuyển sinh hàng nghìn học viên và thu lợi số tiền lớn.

Đại học Đông Đô đào tạo văn bằng 2 trái phép thời gian dài, Bộ GDĐT có vô can? - Ảnh 1.
Lãnh đạo ĐH Đông Đô vừa bị khởi tố.

Khi vụ việc bị phanh phui, những tấm bằng đã cấp có còn giá trị? Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), với trách nhiệm là cơ quan quản lý có vô can khi trường Đông Đô thực hiện việc đào tạo trái phép trong thời gian dài … là những câu hỏi được đặt ra.

Theo ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ trong việc cấp phát văn bằng và phải chịu trách nhiệm về việc quản lý và cấp phát văn bằng của mình. Bộ GDĐT với chức năng quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, định kỳ hoặc đột xuất thực hiện việc thanh tra, kiểm tra công tác này của các cơ sở giáo dục đại học.

Cũng theo ông Trinh, một số cơ sở giáo dục ĐH do có những khó khăn trong việc tổ chức in phôi văn bằng, nên vẫn nhận phôi bằng từ Bộ GDĐT, trong đó có ĐH Đông Đô . Tuy nhiên, Bộ chỉ cung ứng phôi văn bằng cho nhà trường, việc in thông tin trên văn bằng, cấp phát văn bằng là trách nhiệm của nhà trường và họ phải chịu trách nhiệm với người học, trước pháp luật.

Tuy nhiên, việc Bộ GDĐT vừa giám sát, vừa là đơn vị cung ứng phôi văn bằng, không thể nói không có trách nhiệm trong việc cơ sở giáo dục cấp văn bằng trái phép.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của Lao Động, hiện nay, việc cấp, quản lý văn bằng chứng chỉ đang phân tán về nhiều đơn vị của Bộ GDĐT. Khâu quản lý văn bằng chứng chỉ do Cục Quản lý chất lượng thực hiện, quản lý về tuyển sinh và đào tạo do Vụ Giáo dục ĐH, giám sát chỉ tiêu của các trường do Vụ Kế hoạch - tài chính. Còn việc cấp phôi cho các cơ sở, từ 1.7.2019 là do Văn phòng bộ đảm nhiệm. Với việc phân công này, nếu các bên không phối hợp chặt chẽ với nhau sẽ khó phát hiện ra sai phạm của các trường.

Trách nhiệm của ai?

Việc đào tạo văn bằng 2 của cơ sở giáo dục ĐH hiện nay thực hiện theo Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT.

Theo quyết định này, việc đào tạo văn bằng 2 chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ GDĐT. Muốn đào tạo ngành nào, nhà trường phải có văn bản đề nghị với Bộ GDĐT hoặc với ĐH Quốc gia, ĐH Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng nếu là đơn vị thành viên của các ĐH này. Sau đó, Bộ GDĐT (hoặc ĐH) sẽ giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bằng ĐH thứ hai cho các cơ sở có đủ điều kiện.

Còn tại Thông tư 19/2015/TT-BGDĐT, các cơ sở giáo dục ĐH hằng năm phải báo cáo Bộ GDĐT tổng số chỉ tiêu tuyển sinh, số người học được cấp văn bằng, chứng chỉ; số lượng phôi văn bằng, chứng chỉ đã in, đã sử dụng…

Trao đổi với Lao Động về việc hằng năm có thực hiện thanh tra với ĐH Đông Đô?, Chánh thanh tra Bộ GDĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết, năm 2019, Thanh tra Bộ đã phối hợp với Bộ Công an xác minh, điều tra việc cấp văn bằng 2 ở Trường ĐH Đông Đô và một số trường khác.

Trước đó, vào năm 2013, Bộ từng thanh tra trường này và có quyết định đình chỉ trong 1 năm hoạt động tuyển sinh của trường vì đội ngũ và cơ sở vật chất không đảm bảo.

Tuy nhiên, bằng cách nào đó, Trường Đông Đô vẫn lách quy định để cấp văn bằng 2 trái phép trong thời gian dài.

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - đặt ra hai khả năng: Có thể trong các bản báo cáo hằng năm gửi lên Bộ GDĐT, ĐH Đông Đô đã khai không đúng sự thật, hoặc là Bộ GDĐT trong quá trình kiểm tra đã không phát hiện ra bất thường trong việc đào tạo của ĐH Đông Đô. Khả năng nào xảy ra, đều có trách nhiệm quản lý của Bộ GDĐT.

Theo Đặng Chung

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên