MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại học vừa công bố một ngành "chạm nóc" 30 điểm mới đỗ: Học phí lên đến 50 triệu đồng/năm, trên 90% sinh viên tốt nghiệp có việc làm

22-05-2024 - 10:50 AM | Sống

Đại học vừa công bố một ngành "chạm nóc" 30 điểm mới đỗ: Học phí lên đến 50 triệu đồng/năm, trên 90% sinh viên tốt nghiệp có việc làm

Ngôi trường này gây chú với mức điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ cao ngất ngưởng.

Điểm chuẩn học bạ nhiều ngành trên 29, 30 điểm

Mới đây, Trường ĐH Luật Hà Nội đã công bố điểm trúng tuyển theo phương thức xét học bạ THPT năm 2024. Cụ thể, điểm chuẩn tại cơ sở chính Hà Nội dao động từ 26,76 – 30 điểm, trong đó ngành Luật kinh tế của trường có điểm chuẩn "chạm nóc" ở tổ hợp A00 (Toán, Vật Lý, Hoá Học) và A01 (Toán, Vật Lý, Tiếng Anh).

Ngành này cũng lấy trên 29 điểm ở tổ hợp D01 (Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh), D03 (Toán, Ngữ Văn, Tiếng Pháp) và D05 (Toán, Ngữ Văn, Tiếng Đức). Một ngành khác thí sinh phải đạt trên 29 điểm xét học bạ mới đỗ là ngành Luật Thương mại quốc tế ở tổ hợp A01.

photo-1716348389196

Điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ của ĐH Luật Hà Nội

 Theo đề án tuyển sinh của Trường ĐH Luật Hà Nội, phương thức xét tuyển học bạ sẽ được tính điểm như sau:

Điểm xét tuyển = (Điểm trung bình môn 1 + Điểm trung bình môn 2 + Điểm trung bình môn 3) + Điểm ưu tiên (nếu có) + Điểm khuyến khích (nếu có). 

Điểm trung bình mỗi môn = (Điểm trung bình cả năm lớp 10 + Điểm trung bình cả năm lớp 11 + Điểm trung bình học kỳ 1 lớp 12 của môn tương ứng)/3.

Trả lời phỏng vấn báo chí về lý do điểm xét tuyển của trường đạt ngưỡng 29,30 ở nhiều tổ hợp, đại diện nhà trường cho biết đối với việc xét tuyển sớm theo phương thức xét kết quả học tập bậc THPT cho phép các thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng với nhiều ngành, nhiều tổ hợp xét tuyển khác nhau. Số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển sớm vào trường tăng cao nên có nhiều thí sinh có kết quả học tập bậc THPT tốt và thành tích cao trong học tập.

Trên thực tế, năm 2023, ngành Luật kinh tế của Trường ĐH Luật Hà Nội còn vượt ngưỡng 30 điểm khi lấy 30,3 điểm ở tổ hợp A01. Các tổ hợp khác của ngành đều lấy trên 29 điểm. Đây cũng là ngành có điểm chuẩn theo phương thức thi THPT quốc gia cao nhất trường năm 2023, lấy 27,36 điểm ở tổ hợp C00 và trên 25,5 điểm ở các tổ hợp còn lại.

Trường đại học đào tạo ngành luật hàng đầu cả nước

ĐH Luật Hà Nội thành lập năm 1979, là trường đại học có quy mô đào tạo về ngành luật lớn nhất ở Việt Nam hiện nay, trực thuộc Bộ Tư pháp. Cơ sở chính của trường rộng 10.000m2 nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa (Hà Nội). Ngoài ra trường còn có cơ sở 2 tại Bắc Ninh dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2025 và 1 Phân hiệu ở tỉnh Đắk Lắk.

photo-1716348488686

Trường đào tạo 4 ngành: Luật, Luật Kinh tế, Luật Thương mại quốc tế và Ngôn ngữ Anh. Luật kinh tế là ngành có điểm chuẩn cao nhất trường trong nhiều năm: 29,5 điểm C00 (năm 2022), 29,25 điểm C00 (2021), 29 điểm C00 (2020), xếp sau đó là ngành Luật.

Đề án tuyển sinh năm 2023 và 2022 của ĐH Luật Hà Nội thống kê số liệu kết quả khảo sát tỷ lệ có việc làm của sinh viên cho thấy trung bình trên 85% sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm. Trong đó tỷ lệ sinh viên ngành Luật kinh tế có việc làm dao động 92-93%, tiếp đến là ngành Luật thương mại quốc tế 91-93%, Ngôn ngữ Anh 92% và cuối cùng là ngành Luật 83-87%.

Đề án tuyển sinh năm 2024 thông tin tất cả các ngành của trường này đều có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm là 91,84%.

photo-1716348317657

Tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH Luật Hà Nội trong đề án tuyển sinh năm 2024

Năm học 2024 - 2025, dự kiến chương trình đại trà của trường có học phí 25 triệu đồng/năm và chương trình chất lượng cao là hơn 50 triệu đồng/năm.

Chỉ tiêu tuyển sinh của ĐH Luật Hà Nội năm nay là 2.500 sinh viên với 4 phương thức xét tuyển: tuyển thẳng, xét tuyển các thí sinh tham dự Vòng thi tháng/quý/năm cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức, xét học bạ và xét dựa trên kết quả thi THPT quốc gia.

Kim Linh

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên