MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại sứ EU tại Việt Nam: Hiệp định thương mại tự do không phải là yếu tố quyết định cho việc đầu tư vào Việt Nam mà là hai nhân tố khác

Sáng ngày 28/8, tại Hà Nội đã diễn ra buổi hội thảo "Hiệp định EVFTA và sự hội nhập của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu trong một thế giới hậu Covid-19" do Phái đoàn liên minh châu Âu tại Việt Nam (EUD) phối hợp cùng VCCI và EuroCham thực hiện.

Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, ông Giorgio Aliberti phát biểu: "Năm 2020 cũng là năm EU và Việt Nam kỉ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Đồng thời, hiệp định EVFTA cũng đã có hiệu lực trong năm nay".

Tại hội nghị, Đại sứ Giorgio Aliberti cũng đã nêu ra các biện pháp giúp Việt Nam tăng cường vị thế, hội nhập một cách sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị và cho biết: "EU sẽ tăng cường FDI nhiều hơn nữa đối với Việt Nam", ông Giorgio Aliberti nhận định.

Yếu tố để doanh nghiệp quyết định đầu tư vào một quốc gia

Đại sứ Giorgio Aliberti cho biết: "FDI thường đi kèm với thương mại. Các quyết định về đầu tư luôn luôn được đưa ra không phải dựa trên lý thuyết, mà dựa trên những thông tin, những bằng chứng thực tế".

Ông cũng lấy ví dụ về tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam hiện vẫn đang thấp, chỉ ở mức bán được 500, 600 sản phẩm trong một năm. Điều này có thể là do các doanh nghiệp vẫn chưa hiểu rõ vấn đề về luật pháp cũng như chưa biết cách thực hiện hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.

"Đây là những rào cản cần dỡ bỏ để thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại và các hoạt động thương mại giữa hai bên. Đồng thời, chúng ta không chỉ xem xét về vấn đề thu hút FDI, mà còn phải nghĩ các để giữ FDI ở lại. Bởi vì những thông lệ, nguyên tắc sẽ giúp chúng ta có thể duy trì được các đầu tư dài hạn".

Ông cũng chỉ ra một khảo sát do Ngân hàng Thế giới thực hiện vào năm 2018 về các yếu tố quan trọng để lãnh đạo doanh nghiệp quyết định đầu tư vào một quốc gia. Trong đó, 51% cho rằng các hiệp định thương mại tự do là yếu tố quan trọng, 56% cho rằng các ưu đãi thuế quan là quan trọng. 

Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng sự minh bạch trong chính sách cũng như tính cố định để có thể dự đoán được thị trường của một quốc gia là điều quan trọng nhất.

Đại sứ Giorgio Alibert đề cập: "Chúng ta có thể thấy rằng không phải vấn đề là hiệp định thương mại tự do có được ký hay không hay họ có nhận được ưu đãi về thuế quan hay không. Điều quan trọng để các doanh nghiệp đưa ra quyết định đầu tư đó là họ có thể thấy được hai yếu tố: tính minh bạch và khả năng dễ dự đoán của môi trường chính sách ở quốc gia đó".

"Hiện nay, chúng ta thấy rằng rất nhiều chuyên gia nước ngoài khi làm việc ở Việt Nam, họ cũng đảm bảo phải có tính minh bạch. Ví dụ như các chuyên gia cần biết được các thông tư, các nghị định đã được dịch để hiểu rõ các quy định ở Việt Nam".

"Tuy nhiên, thực tế vẫn đang còn rất nhiều quy định ở Việt Nam chưa được dịch để các chuyên gia có thể hiểu một cách toàn diện về môi trường chính sách thương mại ở Việt Nam".

"Đồng thời, chúng ta cũng phải có những quy định phù hợp hơn nữa và tuân thủ theo các quy định quốc tế hơn nữa. Tất nhiên, Việt Nam không cần phải thay đổi toàn bộ các chính sách của mình. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý để các chính sách của chúng ta càng phù hợp với các tiêu chuẩn, các quy định EU càng nhiều càng tốt. Bởi vì đây chính là sự quan tâm của các nhà đầu tư EU".

Trong vòng 20 năm vừa qua, thương mại của Việt Nam đã tăng trên 13,7 lần so với năm 2000. Xuất khẩu của Việt Nam vào EU trong vòng 5 năm vừa qua cũng đã tăng 30%. Đây là những con số được đánh giá là rất ấn tượng. EU hiện là thị trường quan trọng thứ hai của Việt Nam, trước cả khi hiệp định EVFTA được ký kết.

Ông cho biết: "Tuy nhiên, Việt Nam cần làm nhiều hơn nữa để trở thành đích đến mong muốn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp châu Âu. Điều này sẽ góp phần đáng kể vào tăng trưởng và thịnh vượng của đất nước".

Tăng cường chất lượng sản phẩm và chuỗi giá trị nội địa

Theo Đại sứ Giorgio Aliberti, việc tiêu thụ các sản phẩm sản xuất nội địa ở trong nước hiện nay vẫn chưa được cao. Điển hình như các công ty Nhật Bản đang hoạt động ở Việt Nam chỉ mua 32% phụ tùng sản xuất tại Việt Nam cho các thành phẩm của họ. Trong khi đó, tỷ lệ mua ở Nhật Bản, Trung Quốc hay một số nước châu Âu lại đang rất lớn.

"Vì vậy, chúng ta cần tìm cách tăng cường hơn nữa chất lượng sản phẩm cũng như chuỗi giá trị trong nước để có thể thu hút các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam mua sản phẩm sản xuất nội địa ở Việt Nam".

Thêm vào đó, Việt Nam phải tăng cường hơn nữa vấn đề về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và vấn đề sử dụng lao động ở Việt Nam. Điều này sẽ đem lại lợi ích không chỉ cho các doanh nghiệp mà cho cả người lao động, người tiêu dùng và môi trường phát triển bền vững.

Cuối cùng, ông khẳng định đây là một cú hích, một cơ hội vàng để Việt Nam khẳng định lại vị thế của mình trong trường thương mại với rất nhiều các đối tác. 

"Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam hợp tác với nhau mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Khủng hoảng đã đặt ra những thách thức nhưng đồng thời cũng đem lại những cơ hội để chúng ta phát hiện và nắm bắt", Đại sứ Giorgio Aliberti kết luận.

Q.L

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên