Đại sứ hãng máy ảnh cao cấp Leica và hành trình đem vẻ đẹp lãng mạn của hòn đảo “cô đơn” cách xa hơn 9.000 km tới Việt Nam
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Ý - Việt Nam (1973 - 2023), nhiếp ảnh gia từng đạt giải Nhất ảnh báo chí thế giới Fulvio Bugani đã đem đến Hà Nội 20 bức ảnh nghệ thuật nhiều cảm xúc về hòn đảo Sicily nổi tiếng cách xa chúng ta cả nghìn cây số.
- 23-08-2023Ngỡ ngàng trước gia tộc giàu hơn cả tổng tài sản của Elon Musk và Bill Gates: Danh mục đầu tư BĐS đủ để hình thành một quốc gia, BST xe hơi mở được cả bảo tàng
- 23-08-2023Cận cảnh siêu du thuyền 940 triệu đô Spectrum of the Seas: Có chuỗi cửa hàng miễn thuế, quầy bar tự động, khu vui chơi…
- 22-08-2023Về hưu, cặp vợ chồng không sống cùng con cái mà chi 33 tỷ đồng tự cải tạo nhà 300m2: Chỉ một phòng ngủ nhưng có cả "khu rừng" riêng
Triển lãm Sicily diễn ra tại 18 Lê Phụng Hiểu, Hoàn Kiếm (Hà Nội) từ ngày 18 - 31/8 gây ấn tượng không chỉ bởi những bức ảnh về cuộc sống, con người trên hòn đảo Địa Trung Hải xinh đẹp mà còn bởi những câu chuyện thú vị đằng sau được chính nhiếp ảnh gia 20 năm kinh nghiệm Fulvio Bugani chia sẻ.
Mối duyên giữa nhiếp ảnh gia người Ý và "gã khổng lồ" máy ảnh của Đức
Cơ duyên kết nối Fulvio Bugani với hãng máy ảnh cao cấp Leica bắt đầu từ khi anh là 1 trong 12 người chiến thắng giải thưởng Leica Oskar Barnack. Chính từ đây, Fulvio Bugani có cơ hội đến nhà máy và bảo tàng để tổ chức triển lãm ảnh cũng như tiếp xúc với lãnh đạo Leica. Năm 2017, khi Leica ra mắt dòng máy quan trọng M10 cũng là thời điểm nhiếp ảnh gia người Ý nhận lời mời trở thành Đại sứ toàn cầu hiếm hoi của hãng máy này.
Chân dung nhiếp ảnh gia người Ý, Đại sứ toàn cầu Leica Fulvio Bugani
Vai trò mới mở ra cho Fulvio Bugani nhiều cơ hội đi đến nhiều nơi trên thế giới, tổ chức các khóa học và triển lãm nhiếp ảnh. Từ ngày trẻ, Fulvio Bugani đã ước mơ được đặt chân đến nhiều vùng đất mới để ghi lại những câu chuyện dưới lăng kính máy ảnh. Đó là động lực để anh trở thành một phóng viên ảnh chiến trường, tác nghiệp tại những vùng chiến sự khói lửa khốc liệt nhất. Anh từng làm việc cho các tổ chức bảo vệ nhân quyền, đạt được nhiều thành tựu ấn tượng như giải Nhất World Press Photo với bộ ảnh về người chuyển giới ở Indonesia.
Thế nhưng, khi công việc này là mục tiêu nhiều tay máy khác khát khao thì với Fulvio Bugani, đây lại chưa phải đích đến phù hợp với niềm đam mê nhiếp ảnh trong anh. Vậy nên nhiếp ảnh gia sinh năm 1974 quyết định chuyển sang chụp những chủ đề đương đại và cá nhân hơn, thể hiện góc nhìn cởi mở của một người nghệ sĩ.
Hành trình tìm thấy vẻ đẹp lãng mạn ở hòn đảo cô đơn
Ý tưởng thực hiện bộ ảnh Sicily của Fulvio Bugani đến sau hành trình dài anh rong ruổi chụp hình ở Cuba. Với nhiếp ảnh gia người Ý, Sicily và Cuba có nhiều điểm giống nhau, từ lịch sử, văn hoá đến cách con người sống rất thật với chính mình. Fulvio Bugani quyết định quay lại Sicily, ghi lại hình ảnh cuộc sống bình dị nhưng mang lại cho anh cảm xúc đặc biệt.
"Chúng ta thường nhắc đến Sicily như hòn đảo của tội phạm. Người dân trên đảo cũng hiểu điều này nên mỗi khi có khách tới thăm, họ thường đối xử tốt với khách gấp 3 lần bình thường để chứng minh bản thân không phải người xấu như những lời đồn đoán", Fulvio Bugani nói.
Fulvio Bugani khơi gợi cảm xúc và trí tưởng tượng của người xem qua những bức hình
Những bức ảnh của Fulvio Bugani ở Sicily đem đến sự gợi mở cho người xem, không phải sự khẳng định hay tuyên ngôn dưới bất kỳ góc độ nào. Với anh, nhiếp ảnh đang dần chuyển đổi, không chỉ là một tài liệu mà còn là phương thức biểu đạt nghệ thuật.
Nhiếp ảnh gia người Ý cũng chia sẻ rằng bộ ảnh trong triển lãm như chuyến du hành thời gian về thời điểm anh 16 tuổi. Khi đó Fulvio Bugani lần đầu tiên bay ra nước ngoài trong chuyến trao đổi văn hóa tới Argentina. Trong chuyến đi này, điều anh ấn tượng nhất lại là cuộc gặp gỡ với những người Ý nhập cư sau 2 thế chiến ở đất nước này. Họ ôm lấy Fulvio Bugani và khóc liên tục.
"Nỗi buồn, sự cô đơn và vẻ hoài niệm của người nhập cư khi ấy để lại ấn tượng mạnh mẽ đến mức khi quay trở lại Sicily, tôi một lần nữa cảm nhận được điều đó. Sicily cô đơn vì thanh niên trai trẻ giờ đây đã nhập cư đến nước khác hoặc tới những vùng công nghiệp phát triển. Ở nơi buồn và tĩnh lặng nhưng mang vẻ đẹp riêng như vậy, tôi lại nhìn thấy cả chủ nghĩa lãng mạn", nhiếp ảnh gia Ý chia sẻ.
Cuộc sống không có người trẻ tại Sicily
Cầu nối Việt - Ý thông qua văn hóa nghệ thuật
Fulvio Bugani đã từng đi chụp ảnh từ Nha Trang đến đồng bằng sông Cửu Long và luôn mong muốn đặt chân đến khu vực phía Bắc Việt Nam. Anh cũng ấp ủ một dự án hướng tới nhóm người "thiểu số" giữa đô thị đông đúc, tấp nập. Đây 1 trong 3 chủ đề xuyên suốt các bộ ảnh của anh, bên cạnh sự tự do và quyền biểu đạt sự tự do.
"Chủ đề tôi quan tâm ở Việt Nam nằm trong một dự án ảnh cá nhân về cộng đồng Queer. Tôi đã từng thực hiện bộ ảnh chân dung về những người thuộc cộng đồng này ở Cuba. Họ là cộng đồng dị tính, không nhận mình là nam hay nữ, cũng không xác định tình yêu dựa trên giới tính", Fulvio Bugani chia sẻ.
Lần thứ 3 tới Việt Nam, Fulvio Bugani bày tỏ sự thích thú với ẩm thực Việt, từ hải sản đến trái cây và những điểm độc đáo anh chưa từng thấy ở bất kỳ một vùng đất nào khác. Nhiếp ảnh gia Ý mê măng cụt, thanh long và bún, hào hứng chia sẻ rằng dù ăn nhiều đồ ăn ngon nhưng thân hình của anh lại gọn hơn vì thực phẩm rất tươi và sạch.
Điều đặc biệt là ở khoảng cách hơn 9.000 km với quê nhà, Fulvio Bugani vẫn cảm nhận được nét tương đồng giữa người dân 2 nước qua thói quen cùng chia sẻ món ăn với nhau, "làm bữa ăn trở nên vô cùng thú vị".
Nhiếp ảnh gia Fulvio Bugani và Đại sứ Ý tại Việt Nam trong triển lãm Sicily
Quá trình tổ chức triển lãm ảnh lần này đem tới cho nhiếp ảnh gia sinh năm 1974 nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Khi anh có cơ hội gặp gỡ Đại sứ Ý vừa sang nhậm chức, ngài Đại sứ đã bày tỏ mong muốn xây dựng Trung tâm văn hóa Ý tại Việt Nam. Bên cạnh đó là ý tưởng thực hiện một chương trình trao đổi nghệ sĩ giữa 2 nước, một số nhiếp ảnh gia từ Ý tới Việt Nam và ngược lại.
"Dù Việt Nam và Ý có quan hệ ngoại giao nhưng người dân ở 2 quốc gia hiểu rất ít về nhau. Từ chương trình trao đổi nghệ sĩ, chúng tôi có thể chụp những bộ ảnh đơn giản như du lịch. Dù không hoành tráng như tuyên ngôn nghệ thuật nhưng lại có thể xây dựng sự hiểu biết của 2 nước về nhau. Tôi nghĩ triển lãm ảnh nhỏ bé của mình cũng góp phần tạo ra một cầu nối văn hóa Việt - Ý như vậy", đại sứ Leica nhận định.
Trí thức trẻ