MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại sứ Israel giải mã việc VinFast rót vốn vào startup Israel, TH True Milk nhận công nghệ từ Israel và tác động đối với startup Việt

Đại sứ Israel giải mã việc VinFast rót vốn vào startup Israel, TH True Milk nhận công nghệ từ Israel và tác động đối với startup Việt

Bên lề Hội thảo chuyên đề số 9 trong chuỗi sự kiện thuộc Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, Trí thức trẻ đã có dịp trò chuyện với ông Nadav Eshcar, Đại sứ Israel tại Việt Nam.

Liên quan đến vai trò của các ông lớn như Vingroup, TH Group với quá trình chuyển đổi số của Việt Nam, Đại sứ Nadav chia sẻ: "Vai trò của những doanh nghiệp này là tạo ra hệ sinh thái với công nghệ tiên tiến. Thậm chí không nhất thiết phải tự làm ra, họ hoàn toàn có thể nhập khẩu. Giống như bạn mua một chiếc xe vậy. Bạn biết cách điều khiển nó, không có nghĩa là bạn phải biết lắp đặt nó".

Đại sứ Israel giải mã việc VinFast rót vốn vào startup Israel, TH True Milk nhận công nghệ từ Israel và tác động đối với startup Việt - Ảnh 1.

Khái niệm chuyển đổi số trong nông nghiệp thực chất vẫn còn mơ hồ với nhiều người Việt Nam. Ông có thể giải thích đơn giản nó là gì?

Mỗi khi nhắc đến nông nghiệp, tiềm thức chúng ta đều nghĩ đó là ngành nghề thật xưa cũ, phải không? Loài người trồng thực phẩm từ những ngày đầu tiên. Trong khi đó, khái niệm "số hoá" lại là những cái mới mẻ. Vậy nên dễ hiểu là khi nói về số hóa trong nông nghiệp, mọi người thường cảm thấy rất xa lạ.

Lấy một ví dụ đơn giản thế này, bạn biết một số nơi như Israel, 2/3 diện tích đất là đất bán khô cằn, hoặc đất kém dinh dưỡng. Chúng tôi không có nhiều nước, nên rất khó để trồng thực phẩm. Áp dụng công nghệ trong nông nghiệp, hay còn gọi "agritech", chính là lời giải, hay giải pháp để chúng tôi có thể trồng các loại cây, thực phẩm mà không cần quá nhiều nước.

Hệ thống tưới nhỏ giọt được phát minh tại Israel từ rất lâu, nó không phải là mới, nhưng nó là ví dụ đơn giản để hiểu về "agritech". Đó là lý do Israel trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về phương pháp quản lý nước trong nông nghiệp.

Ngày nay, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên kỹ thuật số, nên những giải pháp tiên tiến hơn ngày càng nhiều. Ví dụ như nhiều người dân có thể tưới tiêu ruộng đồng của họ chỉ qua điện thoại. Tôi đảm bảo với bạn rằng, mỗi người nông dân hiện đều có ít nhất một chiếc điện thoại thông minh của riêng mình. Nhờ vậy, họ có thể làm những điều mà trước đây chưa ai ngờ tới. Ví dụ như tại Israel có công nghệ để người nông dân phân biệt được trứng gà nào sẽ nở ra con mái, quả nào sẽ nở ra con đực.

Đại sứ Israel giải mã việc VinFast rót vốn vào startup Israel, TH True Milk nhận công nghệ từ Israel và tác động đối với startup Việt - Ảnh 2.

Tại Israel, khoảng 46% số tiền đầu tư vào lĩnh vực agritech đến từ các nhà đầu tư mạo hiểm. Liệu Việt Nam có tiềm năng gì để tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp trong nông nghiệp tương tự?

Tôi thấy con người Việt Nam rất đổi mới, rất sáng tạo. Ví dụ một cái gì đó hỏng, sẽ luôn có người biết cách sửa nó, thậm chí đó không phải là nghiệp vụ của họ. Thành thật mà nói, sáng tạo là yếu tố then chốt ở đây.

Về mặt công nghệ, tôi nghĩ Việt Nam đang ở giai đoạn mới nổi. Chính phủ Việt Nam hiện nay cũng đã đặt ra các mục tiêu chuyển đổi số vô cùng rõ ràng, và tôi cho rằng đây là hướng đi đúng.

Tất nhiên, để đạt được mục tiêu thì là cả quá trình, bạn không thể làm nó trong ngày một ngày hai mà xong. Tôi thường hay nói rằng, quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp là một "sân khấu", không phải của riêng "một nhân vật".

Tôi xin phép chia sẻ một trong những điều ở Israel mà Chính phủ đã làm, đó là cung cấp cho các startup một hệ sinh thái hỗ trợ, kết nối chuyên gia, học viện và các ngành công nghiệp với nhau. Chính phủ Israel tin rằng hình thức đầu tư này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế gấp 3, hoặc 4 lần. Điều này tương tự như tư duy đầu tư mạo hiểm, phải không?

Với đầu tư mạo hiểm, bạn chọn đầu tư vào 10 công ty, thì chỉ cần 1 công ty thành công, ngay cả 9 công ty kia thất bại, thì bạn vẫn đạt thành công lớn. Đó là đầu tư vào hệ sinh thái. Tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng đang đi theo hướng đi tương tự.

Đại sứ Israel giải mã việc VinFast rót vốn vào startup Israel, TH True Milk nhận công nghệ từ Israel và tác động đối với startup Việt - Ảnh 3.

Có tiềm năng, vậy làm thế nào để Việt Nam tạo ra một hệ sinh thái như vậy?

Giả sử như bạn có tất cả chẳng hạn: có nguồn tài nguyên, có con người, có công nghệ và cả chính sách thích hợp nữa, thì chưa chắc đã tạo được môi trường, vì những yếu tố này không thể tự tìm đến nhau.

Điều quan trọng nhất ở đây là nuôi dưỡng. Nuôi dưỡng các startup và tạo ra các động lực để nhiều startup ra đời.

Tiếp theo là tạo môi trường để họ tìm thấy nhau. Ví dụ như có thể tạo ra một trung tâm cơ sở dữ liệu, cho tất cả các kỹ sư nông nghiệp và doanh nghiệp nông nghiệp lớn kết nối với nhau. Tôi nghĩ là khi chúng ta có thể "dìu" các startup bước những bước đầu tiên, thì họ sẽ có động lực để đi cao hơn nữa.

Làn sóng COVID-19 lần thứ 4 đã có tác động ra sao đến quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Việt Nam, thưa ông?

Thực chất thì trong đại dịch, nông nghiệp là ngành ít bị tác động hơn so với các ngành khác. Bên cạnh đó, làn sóng lần thứ 4 vừa rồi chủ yếu xuất hiện ở một số thành phố lớn, nên người dân ở các vùng nông thôn hầu hết vẫn tiếp tục làm việc. Nếu có ảnh hưởng, tôi nghĩ là ảnh hưởng tại các trang trại hay các doanh nghiệp lớn, do chuỗi cung ứng bị gián đoạn một thời gian.

Còn về chuyển đổi số, tôi không nghĩ COVID-19 làm gián đoạn toàn bộ ngành công nghiệp. Có chăng, tôi thấy đại dịch đã phá vỡ những định kiến trước đó với người nông dân. Cách đây một năm, tôi có một bài phát biểu trong diễn đàn Mekong Connect với khoảng 600 người từ ngành nông nghiệp, tại 4 tỉnh: An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Nai.

Tôi nói với họ, quá trình chuyển đổi số bắt đầu bằng việc vi tính hóa công việc đồng áng. Đối với rất người trong số đó, họ không quen làm việc bằng máy tính. Nhưng với điện thoại thông minh thì lại khác. Tất cả họ đều sở hữu ít nhất một chiếc điện thoại. Giờ đây họ đều điều hành mọi thứ từ điện thoại. Đó chắc chắn là điều mà ai cũng thấy rõ nhất trong giai đoạn dịch vừa rồi.

Đại sứ Israel giải mã việc VinFast rót vốn vào startup Israel, TH True Milk nhận công nghệ từ Israel và tác động đối với startup Việt - Ảnh 4.

Mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp của Việt Nam giống và khác gì với Israel, thưa ông?

Sự khác biệt lớn nhất tôi nghĩ là Israel bắt đầu tương đối sớm. Bởi vậy nên Israel còn được mệnh danh là "quốc gia khởi nghiệp". Tôi cho rằng điều này đã gắn vào tiềm thức của mỗi người. Giống như việc bố mẹ Việt Nam kỳ vọng con cái mình sẽ trở thành bác sỹ, luật sư, thì bố mẹ Israel còn khuyến khích con cái trở thành những nhà khởi nghiệp.

Vì vậy, ngay từ khi còn trẻ, các bạn đã được ở trong môi trường đổi mới, sáng tạo. Tôi nghĩ rằng sự thay đổi tư duy là điều vô cùng cần thiết. Có chính sách phù hợp là một chuyện, nhưng thay đổi tư duy và lòng tin của người dân lại là một quá trình vô cùng dài.

Đại sứ Israel giải mã việc VinFast rót vốn vào startup Israel, TH True Milk nhận công nghệ từ Israel và tác động đối với startup Việt - Ảnh 5.

Cách đây 3 tuần, VinFast cũng vừa rót vốn vào Autobrains – một trong những startup tiên phong phát triển công nghệ AI của Israel. Liệu Việt Nam cũng cần có chính sách nào đó để thúc đẩy các "ông lớn" đầu tư vào startup như vậy?

Thành thực mà nói, tôi nghĩ sẽ chẳng cần chính sách gì để thúc đẩy các doanh nghiệp lớn hỗ trợ startup, bởi đây là kinh doanh, không ai có thể ép buộc họ. Các doanh nghiệp lớn cũng phải đối phó với những thách thức của riêng họ. Có chăng, tôi nghĩ điều họ có thể làm là đầu tư để tạo ra môi trường khởi nghiệp của riêng họ.

Vai trò của những doanh nghiệp lớn ở đây là gì? Việc họ có thể làm là đầu tư vào chuyển đổi số. Điển hình như câu chuyện bạn đề cập, VinFast quyết định rót vốn đầu tư cho Autobrains trong việc phát triển công nghệ AI cho xe tự lái. Hay như việc nhập khẩu thiết bị trong lĩnh vực nông nghiệp, TH True Milk đã tiếp quản công nghệ hiện đại nhất thế giới từ Israel.

Điều này nghĩa là họ tạo ra một hệ sinh thái với công nghệ tiên tiến, thậm chí không nhất thiết phải tự làm ra, họ hoàn toàn có thể nhập khẩu. Giống như bạn mua một chiếc xe vậy. Bạn biết cách điều khiển nó, không có nghĩa là bạn phải biết lắp đặt nó. Những công nghệ này cũng vậy.

Khi công nghệ mới xuất hiện, các doanh nghiệp khác cũng từ đó tìm cách phát minh, hay áp dụng công nghệ tương tự, thậm chí hiện đại hơn.

Đại sứ Israel giải mã việc VinFast rót vốn vào startup Israel, TH True Milk nhận công nghệ từ Israel và tác động đối với startup Việt - Ảnh 6.

Một năm trước khi trò chuyện, ông đã chia sẻ những mục tiêu của mình trong năm 2021 và trong cả nhiệm kỳ của mình. Đến nay, ông thấy mình đã hoàn thành được bao nhiêu?

Đây là năm thứ 5 tôi ở Việt Nam và cũng là năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của tôi. Khi nhìn lại những mục tiêu của mình, nếu bạn hỏi tôi có hài lòng hoàn toàn không, thì câu trả lời đương nhiên là không.

Ngoại giao và quan hệ giữa hai quốc gia là một công việc lâu dài, nó sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trong một ngày. Quốc gia là "thực thể" lớn nhất thế giới. Và công việc ngoại giao giữa hai nước cũng vậy, có thể ví như điều hướng một con thuyền nặng này cùng với một chiếc thuyền nặng khác. Đó là một điệu nhảy chậm (slow dance).

Và trong điệu nhảy chậm này, tôi nghĩ rằng công việc của tôi với tư cách Đại sứ Israel tại Việt Nam, là thiết lập các cột mốc có giá trị. Giữa những cột mốc có ý nghĩa đó, là những cột mốc nhỏ hơn, và cuối cùng giữa chúng là những con đường.

Điểm qua một vài ví dụ, trong thời gian vừa qua, chúng tôi luôn thúc đẩy quan hệ giữa Israel và Việt Nam. Đối với Israel, Việt Nam là một đối tác quan trọng trong khu vực châu Á.

Về kinh tế, tôi cho rằng với các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp nông nghiệp, chúng ta đang có những bước tiến rất thuận lợi. Thương mại song phương giữa hai nước năm 2019 là 1,2 tỷ USD. Năm 2020, ngay cả khi có sự xuất hiện của dịch bệnh COVID-19, con số này tăng lên 1,6 tỷ USD. Trong 3 quý đầu năm 2021, chúng ta cũng đã đạt 1,6 tỷ USD, chạm mức năm ngoái, và hướng tới mục tiêu 2 tỷ USD cho năm nay. Tôi nghĩ là những con số đã nói lên tất cả.

Vậy điều gì khiến ông hối tiếc nhất?

Chắc là không thể kéo dài nhiệm kỳ thêm nữa (cười).

Đại sứ Israel giải mã việc VinFast rót vốn vào startup Israel, TH True Milk nhận công nghệ từ Israel và tác động đối với startup Việt - Ảnh 7.

Còn khoảnh khắc khiến ông tự hào nhất khi là một Đại sứ Israel tại Việt Nam?

Với tôi thì rất khó để xác định một khoảnh khắc cụ thể. Tôi phải thú thật rằng, tôi có nhiều khoảnh khắc tự hào. Có lẽ để chọn thì chắc là khoảnh khắc tôi có thể tặng được mọi người chỉ những gói thực phẩm cứu trợ. Đó là cảm giác tuyệt vời nhất.

Đôi khi nó nhỏ, có thể không đáng kể ở cấp độ quốc gia, nhưng cá nhân tôi lại thấy vô cùng tự hào. Việc có thể mang theo máy thở, hay khẩu trang y tế, hoặc một số thiết bị khác để phân phát cho mọi người là những kỷ niệm mà tôi nhớ nhất, đặc biệt là trong thời điểm khó khăn khi phải đối phó với COVID-19 như vừa rồi.

Quỳnh Lê. Ảnh: Việt Hùng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên