MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam: Điều kiện tiếp cận thị trường của Việt Nam còn nhiều hạn chế

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam: Điều kiện tiếp cận thị trường của Việt Nam còn nhiều hạn chế

Hôm nay (04/11) tại Bangkok (Thái Lan), Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ - Thái Bình Dương đã được tổ chức với sự tham dự của đại diện Chính phủ Mỹ, đại diện doanh nghiệp và các cơ quan báo chí truyền thông đến từ hơn 40 nước trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Bên lề diễn đàn, BizLIVE đã có cuộc phỏng vấn riêng với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Daniel J.Kritenbrink về môi trường kinh doanh Việt Nam.

Việt Nam gần đây đã được nâng hạng về môi trường kinh doanh, vậy theo quan điểm của ông môi trường kinh doanh Việt Nam có nâng hạng thật không và Việt Nam sẽ cần phải làm gì để cải thiện môi trường kinh doanh để nó trở nên thuận lợi hơn với nhà đầu tư nước ngoài?

Trước tiên tôi muốn khẳng định lại lý do tại sao chúng ta lại ở đây với nhau ngày hôm nay, trong Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ - Thái Bình Dương. Diễn đàn lần này là cơ hội để nước Mỹ khẳng định lại cam kết của mình với khu vực và Việt Nam. Diễn đàn lần này có hơn 1 nghìn đại biểu, đại diện cho các cộng đồng kinh doanh, doanh nghiệp Mỹ, chính phủ nhiều nước trong khu vực và đương nhiên có cả Chính phủ Mỹ.

Chúng tôi đã thể hiện rất rõ các cam kết của mình với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Chúng tôi nghĩ rằng Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của chúng tôi trong khu vực. Chúng tôi rất vui khi chứng kiến kim ngạch thương mại hai chiều đang tăng nhanh chóng.

Tôi tin rằng doanh nghiệp Mỹ nhìn thấy tiềm năng lớn tại Việt Nam chính vì vậy họ sẽ vẫn tiếp tục đầu tư mạnh. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức. Chúng tôi đã không ngừng làm việc với Chính phủ Việt Nam để giải quyết những vấn đề còn tồn tại.

Còn khá nhiều thách thức, rào cản mà chúng tôi đang chứng kiến, ví như trong ngành nông nghiệp, ngành thương mại điện tử và ngoài ra còn trong cả ngành ô tô. Thế nhưng tôi có thể nói rằng chúng tôi vẫn rất lạc quan về khả năng chúng tôi có thể giải quyết tốt các thách thức này.

Cụ thể tôi muốn nói đến Nghị định 116 trong ngành ô tô Việt Nam, nó cản trở sự gia nhập thị trường ô tô Việt Nam của nhiều nhà sản xuất ô tô Mỹ. Chúng tôi đang làm việc để hướng tới giải quyết thách thức này và đang có diễn biến tốt.

Chúng tôi cũng băn khoăn với một số vấn đề mà chúng tôi đang gặp phải với luật an ninh mạng của Việt Nam, bởi chúng tôi không cho rằng luật đó sẽ giúp tăng cường an ninh mạng tại Việt Nam, chúng tôi nghĩ rằng nó sẽ cản trở hoạt động của công ty Mỹ tại Việt Nam.

Chúng tôi rất hài lòng khi thương mại của Mỹ với Việt Nam đang tăng trưởng. Khi chúng ta bắt đầu bình thường hóa quan hệ ngoại giao 25 năm trước đây, thương mại của Mỹ với Việt Nam gần như không có gì, giờ đây thương mại với Mỹ với Việt Nam đang lên đến gần 60 tỷ USD.

Nhưng, tất nhiên, Mỹ cũng đang chịu nhiều thâm hụt thương mại với Việt Nam. Chính vì vậy chúng tôi cũng muốn Việt Nam điều chỉnh điều kiện tiếp cận thị trường, nhờ thế chúng ta có thể có thương mại tự do và công bằng.

Doanh nghiệp Mỹ đang gặp những khó khăn gì khi làm ăn kinh doanh tại Việt Nam và Việt Nam cần làm gì?

Trước khi trả lời câu hỏi này của bạn, tôi cần đưa ra một cái nhìn toàn cảnh.

Việt Nam vẫn là một thị trường cực kỳ hấp dẫn doanh nghiệp Mỹ. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất thế giới, một đất nước trẻ với hơn 60% dân số dưới 30 tuổi, người dân có quan điểm tích cực về nước Mỹ, lực lượng lao động tận tụy, thông minh và chăm chỉ và có trình độ học vấn ngày một tốt hơn.

Kinh tế Việt Nam sẽ còn tăng trưởng tốt trong nhiều thập kỷ nữa và hạ tầng sẽ còn được cải thiện nhiều. Chính vì vậy có thể nói cơ hội ở Việt Nam còn rất nhiều.

Thế nhưng không phải không có khó khăn. Thách thức lớn nhất là điều kiện tiếp cận thị trường.

Ngoài vấn đề kể trên, nhiều doanh nghiệp Mỹ và doanh nghiệp nước ngoài lo lắng về tình trạng thiếu minh bạch tại Việt Nam xét đến quá trình hoạch định và công bố chính sách của Việt Nam. Chưa kể đến chính sách thuế cũng tạo ra thách thức. Doanh nghiệp nước ngoài cũng có không ít lo ngại rằng chính sách thuế không có lợi cho họ.

Trong trường hợp căng thẳng Mỹ - Trung Quốc tăng cao, làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ diễn ra, liệu Việt Nam có hấp thụ được làn sóng này không và Việt Nam cần làm gì để đón được sóng đầu tư hiệu quả nhất?

Về vấn đề này, Bộ Thương mại Mỹ trả lời sẽ tốt hơn tôi. Tuy nhiên với cương vị Đại sứ, tôi có thể chia sẻ quan điểm về vấn đề này như sau.

Tổng thống Mỹ đã thể hiện rõ quan điểm rằng Mỹ theo đuổi mục tiêu thương mại công bằng và tự do. Chúng tôi đã thực hiện được theo mục tiêu đó và giải quyết được nhiều vấn đề đã tồn tại rất nhiều năm ở Trung Quốc, vấn đề mà chúng tôi cho rằng nó vô cùng thiếu công bằng với doanh nghiệp Mỹ.

Còn về phía Việt Nam, Việt Nam nên cải thiện nhiều vấn đề như tôi đã nói đến ở trên. Việt Nam và Mỹ có thể hợp tác nhiều hơn trong ngành hàng không, y tế và năng lượng, Việt Nam cần phải cải thiện các điều kiện tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp nước ngoài. Một khi giải quyết tốt các vấn đề trên, tôi tin Việt Nam sẽ có thế ứng phó tốt với dịch chuyển đầu tư.

Xin chân thành cám ơn ông!

Theo Ngọc Diệp

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên