MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch kể chuyện doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam nhập khẩu cá, làm nước mắm tại xứ dầu mỏ

Bình An Ba Tư Kavan là công ty tư nhân Việt đầu tiên vừa được thành lập ở Iran. Trong nhiều lĩnh vực Bình An dự định làm có một bất ngờ: làm nước mắm.

“Thực tế, ở Iran có nhiều cái có thể làm được, không bó hẹp với dầu khí, thị trường năng động, sức mua lớn, cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam làm ăn là rất lớn”, Đại sứ Việt Nam tại Iran (kiêm nhiệm Iraq và Syria) Nguyễn Hồng Thạch chia sẻ với báo Trí Thức Trẻ.

Đầu tư ra nước ngoài đang là xu hướng của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nhưng vào thị trường Iran vẫn là điều doanh nghiệp Việt e ngại. Ông nhận xét thế nào về điều này?

Ông Trần Văn Trí đã trở thành chủ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đầu tiên tại Iran. Bình An Ba Tư Kavan được ghép từ tên tiếng Việt của công ty, Ba Tư đại diện cho thị trường mới, còn Kavan là tên cũ của đảo Qashm nơi đặt trụ sở của công ty.

Công ty cũng lập kỷ lục tốc độ đăng ký kinh doanh, khi chỉ chưa tới 4 ngày ông Trí đã có đủ giấy phép thành lập công ty, con dấu và tài khoản thay vì phải mất ít nhất nửa năm để hoàn thành các công việc này. Lý do chỉ có thể giải thích là bạn yêu quý Việt Nam và doanh nghiệp Bình An là doanh nghiệp đầu tiên nên được nhiều ưu ái. Hơn nữa, ông Trí cũng quyết tâm "ăn chực nằm chờ" cho đến khi bạn cấp giấy phép kinh doanh. Bạn quá nể quyết tâm của doanh nghiệp Việt.

6 tháng trước, ông Trí sang Iran lần đầu với mong muốn xuất khẩu cá. Nhưng sau hơn 2 tuần dạo quanh thị trường, ông Trí đã quyết tâm làm điều ngược lại: Nhập khẩu cá về Việt Nam và làm nước mắm tại Iran.

Trở lại Iran sau lần này, thay vì dự định chỉ ở lại 2 tuần, ông đã ở đến 4 tuần; và nếu không vướng Tết Nowruz của Iran ông đã hoàn tất xong cả việc mua nhà máy. Theo ông, việc xây dựng nhà máy phải mất nhiều thời gian nên ông sẽ đàm phán để mua lại một nhà máy của nước bạn. Như thế, chỉ sau vài tháng tới, nhà máy có thể đi vào vận hành.

Ông muốn gửi gắm điều gì qua câu chuyện của Bình An Ba Tư Kavan?

Doanh nghiệp Việt Nam sản xuất nước mắm ở Iran có thể là chuyện không tưởng đối với nhiều người. Nhưng bây giờ đó là câu chuyện thực của doanh nghiệp Việt Nam làm ăn tại Iran.

Tôi nói câu chuyện này là muốn gửi tới các bạn Việt Nam một thông điệp: Làm ăn tại với nước ngoài phải làm đến nơi đến chốn, phải chịu khó đi lại, đến tận nơi bởi ngồi một chỗ không thể nắm được tình hình thị trường.

Ông Trí ngoài nghiên cứu thị trường Iran còn phải cất công đến đây 2 lần, mỗi lần ở lại gần cả tháng xem xét kỹ nhu cầu thị trường, văn hoá tiêu dùng…

Theo ông, doanh nghiệp Việt có quy mô như thế nào mới đủ sức tiếp cận thị trường Iran?

Iran có thu nhập bình quân đầu người tối thiểu gấp 2 Việt Nam. Khi tôi trình Uỷ nhiệm thư lên Tổng thống Iran, ngài Rouhani, ông đã nhấn mạnh câu chuyện về doanh nghiệp tư nhân. Iran luôn coi doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển kinh tế, nên rất hoanh nghênh các doanh nghiệp tư nhân nước ngoài đầu tư vào Iran.

Quan trọng không phải quy mô của doanh nghiệp, mà là quyết tâm của doanh nghiệp mở ra thị trường mới cho sản phẩm của mình. Sự năng động và quyết tâm sẽ giúp doanh nghiệp thành công ở mọi nơi và trong đó có Iran.

Câu chuyện sản xuất nước mắm Việt tại Iran mở ra một cơ hội làm ăn mới cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tại Iran, có nhiều lĩnh vực doanh nghiệp Việt có thể tham gia được chứ không phải chỉ có mỗi dầu khí.

Vậy thưa Đại sứ, nguyên nhân nào khiến cho doanh nghiệp Việt do dự khi tấn công sang thị trường này?

Tôi cho rằng doanh nghiệp Việt Nam còn e ngại mở thị trường mới. Họ ngại mạo hiểm, sợ rủi ro bởi quá trình mở các thị trường mới đòi hỏi chi phí cao. Hiện thương mại Việt Nam – Iran chưa đến 200 triệu USD trong khi đó là thị trường lớn, tăng trưởng GDP cao hơn Việt Nam, nên doanh nghiệp Việt có rất nhiều cơ hội.

Cạnh đó, thông tin về thị trường này còn hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực đến các cơ hội đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp Việt bởi vì nhắc đến Iran người ta chỉ nghĩ đến chiến tranh trong khi thực tế đây là đất nước bình yên. Chiến tranh đã qua 30 năm rồi.

Điều gì cần lưu ý khi làm ăn tại thị trường Iran?

Mỗi thị trường đều có những đặc trưng riêng và Iran không phải ngoại lệ. Muốn làm ăn tại Iran doanh nghiệp Việt phải nghiên cứu kỹ thị trường, luật pháp kinh tế liên quan đến lĩnh vực dự kiến kinh doanh và một yếu tố không thể thiếu là văn hóa kinh doanh/đàm phán của người bản địa.

Đàm phán với người Iran không dễ. Một số doanh nghiệp nhận xét hôm nay các bạn Iran có thể thỏa thuận nhưng ngày mai có thể thấy “cần đàm phán thêm”, có thể đặt vấn đề “hôm qua chưa bàn chuyện xyz nào đó… Thực tế là lại phải thương thảo lại. Nên để tranh thương thảo nhiều lần nên có các văn bản cho từng giai đoạn. Tất cả nên văn bản hóa, không nên chỉ là thỏa thuận miệng.

Cảm ơn ông!

Phương Ánh (Thực hiện)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên