MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Vị thế Việt Nam rất được tôn trọng và đề cao

28-01-2017 - 16:07 PM | Xã hội

“Mấy chục năm làm ngoại giao, đi nhiều, gặp nhiều và nhìn lại, tôi thấy vị thế của Việt Nam rất được trân trọng” - Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh nói - “Sức sống, sức vươn lên của dân tộc là không thể phủ nhận”.

“Ông Vinh SOM”

Giữ vị trí đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Mỹ từ 2 năm nay, song ông Phạm Quang Vinh vẫn được các đồng nghiệp ở Bộ Ngoại giao yêu quý quen gọi là “ông Vinh SOM” - gắn với thời kỳ ông là Trưởng đoàn quan chức cấp cao (SOM) Việt Nam tại ASEAN từ 2007 - 2014, Trưởng SOM lâu nhất của Việt Nam. “Cái tên có lẽ bắt đầu từ thời kỳ trước khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN năm 2010” - ông Vinh nhớ lại - Đó là giai đoạn chúng tôi lăn thân vào việc. Cái tên đó là ân tình của mọi người, nhưng cũng đi kèm với trách nhiệm lớn lao”.

Trưởng SOM trên thực tế là người chuẩn bị, hỗ trợ hoạt động của bộ trưởng ngoại giao và cấp cao, tư vấn các quyết sách của ASEAN, làm sao gắn bó được lợi ích quốc gia với lợi ích khu vực, giữ vững được cương thổ khu vực. Lúc đó, bản thân ASEAN đã có những biến đổi về chất để trở nên năng động và tích cực hơn trong một bối cảnh khu vực ngày càng phức tạp hơn, các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc tham gia nhiều hơn, khiến các trưởng SOM như ông Vinh thực sự “lăn thân vào việc”. Tên “Vinh SOM” khiến ông Vinh thấy “dù danh hiệu là không chính thức nhưng cũng phải cố gắng giữ gìn danh hiệu”.

Trở thành Thứ trưởng Ngoại giao năm 2011, ông Vinh vẫn đồng thời là Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam. Hơn 100 cuộc họp của ASEAN mỗi năm, có những cuộc kéo dài qua đêm tới 1-2 giờ sáng, 7 năm rưỡi làm Trưởng SOM ông Vinh chơi golf được có 2 -3 lần dù đây là sinh hoạt truyền thống của các nhà ngoại giao ASEAN. Ông Vinh hầu như thuộc lòng Hiến chương ASEAN, và giờ đây, khi Cộng đồng ASEAN đã hình thành, dù đã thay đổi vị trí công tác, ông Vinh vẫn nói về ASEAN một cách say sưa, mong mỏi từng người Việt Nam hãy hiểu mình là công dân ASEAN và những lợi ích của Cộng đồng ASEAN mang lại.

“Tổ quốc nhìn từ xa”

Trong 3 năm qua, quan hệ Việt - Mỹ đã diễn ra hai sự kiện biểu tượng nhất: Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ tháng 7.2015 và chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam tháng 5.2016. Đại sứ Phạm Quang Vinh nói rằng, quan hệ đối tác toàn diện của hai nước đã được triển khai sâu rộng với nguyên tắc chỉ đạo là tôn trọng thể chế chính trị của nhau, khác biệt thể chế không ngăn nổi hai nước là bạn. “Trong các cuộc gặp của tôi với phía Mỹ như với Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại giao, các bộ ngành, họ luôn nhắc tới các chuyến thăm” - ông nói - “Trong đó, chủ trương đối ngoại của Việt Nam, quá trình đổi mới, đặc biệt vị thế của Việt Nam rất được tôn trọng”.

Làm ngoại giao hơn 30 năm, ông Vinh nhớ như in những bài học từ thời Hiệp định Geneva, Hiệp định Paris đến Việt Nam của 3 thập kỷ đổi mới. “Nhìn lại, từ một Việt Nam thu nhập bình quân đầu người từ vài trăm USD tới giờ là vài ngìn USD, một Việt Nam có vai trò ở ASEAN và các tổ chức quốc tế khác, dám hội nhập mười mấy hiệp định thương mại tự do, trong đó có những hiệp định thế hệ mới, từ một Việt Nam manh nha sử dụng email những năm 1990 tới lúc 40% người dân Việt Nam sử dụng Internet và mạng xã hội bây giờ, tiếp cận với khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, với những sáng tạo của nhân loại là ngang ngửa” - ông Vinh nói.

Câu chuyện với nhà ngoại giao kỳ cựu cũng đề cập tới việc nhiều người đi ra thế giới, nhìn lại nhiều vấn đề trong nước không phải không có những trăn trở. Ông Vinh nói: “Đất nước chuyển mình, có cái tiến bộ, nhưng cũng có điều giữa kỳ vọng và cái mình đang thực hiện chưa được như mong muốn. Có nơi không hiểu hết mình, hãy kể câu chuyện của mình. Có điều được và chưa được, nhưng sức sống, sức vươn lên của dân tộc là không thể phủ nhận”. Một công cuộc phát triển không chỉ có thành tích, mà còn rất nhiều điều phải vật lộn. “Tôi rất thích cụm từ “chính phủ kiến tạo” - chính phủ cần kiến tạo ra môi trường chính sách, công cụ luật pháp, lấy người dân làm trung tâm, từ đó mỗi cá nhân thấy mình cũng phải làm gì đó, cũng phải soi lại chính mình”.

Ông Vinh nói, hãy nhìn ra ngoài, nhiều cá nhân đã làm rạng danh dân tộc mình dù họ từ một nước nhỏ. Như Sri Lanka đã có Phó Tổng Thư ký LHQ, Singapore đã có người soạn thảo Công ước Luật Biển LHQ... Những người của nước nhỏ tạo ra vị thế của nước mình, điều đó lớn lắm. Hãy nghĩ lại câu chuyện của cha ông trong khó khăn. Hãy nhớ lịch sử đất nước để mà tự hào, mấy lần dấu ấn tuyên ngôn độc lập, từ “Nam quốc sơn hà nam đế cư”, “Bình ngô Đại cáo”... - vừa là vấn đề nội trị, vừa là đối ngoại. “Tôi luôn học những bài học từ lịch sử, từ các thế hệ đi trước, các đồng nghiệp rất nhiều” - Đại sứ nói.

Chuyện nghề, chuyện đời

Hỏi Đại sứ Phạm Quang Vinh, điều gì làm ông tự hào về sự nghiệp của mình, ông khiêm tốn bảo: “Có lẽ với tôi, nói là kỷ niệm thì đúng hơn là tự hào”. Ông bắt đầu công việc trong một gia đình không có ai làm trong ngành ngoại giao, từ “lúc là lứa sinh viên bắt đầu vào trường ngoại giao đúng năm giải phóng miền Nam 1975, tới lúc vào ngành công tác 5 - 10 năm thấy mình cái gì cũng thiếu, cũng kém, tới lúc bắt đầu chịu trách nhiệm nhất định với câu hỏi phải bảo vệ lợi ích dân tộc, lợi ích người dân, lợi ích đất nước thế nào... “Có người nghĩ đó là điều to tát, nhưng điều đó thực tế trên từng câu chữ. Sự tự hào là ở đó. Nếu không bắt kịp sự trưởng thành của dân tộc, lòng tự hào của dân tộc, thì không thể làm tốt được”.

Không giống như những gì mọi người e ngại về nghề ngoại giao, với Đại sứ Phạm Quang Vinh, ngoại giao phải là nói thật, làm thật, chơi thật. Nếu phải nói dối thì đừng nói. Nếu làm, hãy nghĩ làm thế đã xứng đáng với đất nước, với người Việt Nam hay chưa. Nếu chơi, mà vẫn phân tâm bởi công việc, thì đừng chơi - ông giải thích. Với ông, cả cuộc sống, cả nghề nghiệp, là hãy có giấc mơ to nhưng làm bằng những việc nhỏ; và hãy soi mọi việc bằng 2 điều: Tư duy tích cực và tư duy nghịch, luôn suy nghĩ một cách lạc quan, và hãy lật lại vấn đề xem mình giải quyết có đúng không. Quan niệm về cuộc sống, với ông, đúng một chữ tâm, có tâm với người, có tâm với nghề.

“Với câu hỏi phải bảo vệ lợi ích dân tộc, lợi ích người dân, lợi ích đất nước thế nào... - có người nghĩ đó là điều to tát, nhưng điều đó thực tế trên từng câu chữ. Sự tự hào là ở đó. Nếu không bắt kịp sự trưởng thành của dân tộc, lòng tự hào của dân tộc, thì không thể làm tốt được”.

“Tôi rất thích cụm từ “chính phủ kiến tạo” - chính phủ cần kiến tạo ra môi trường chính sách, công cụ luật pháp, lấy người dân làm trung tâm, từ đó mỗi cá nhân thấy mình cũng phải làm gì đó, cũng phải soi lại chính mình”.

Theo Mỹ Hằng

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên